Giờ đây, nhiều phụ nữ vùng biển Bình Thuận trở thành người bạn đồng hành cùng chồng dong buồm, đạp sóng ra khơi. |
Trước đây khi mà đội ngũ tàu thuyền còn thưa thớt, biển bãi ngang đầy ắp cá tôm, chỉ cần vượt ra khỏi bờ chừng vài hải lý đã đủ cho nhiều gia đình trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Nhưng đánh bắt mãi đến lúc biển cũng cạn kiệt, lại phải chia đều cho bạn chài nên chẳng còn là bao. Bởi thế, tính tới tính lui, chục năm trở lại đây, nhiều gia đình đã sắm thuyền nhỏ, chừng vài chục CV để vợ chồng đồng hành ra vùng biển đảo Lý Sơn đánh bắt. Từ đó, biển Đông có những bóng hồng của làng chài Bình Thuận.
Đã hơn 8 năm trôi qua nhưng chị Cần vẫn không quên những ngày đầu tiên ra biển. Đó là những ngày say sóng nôn mửa thốc tháo, nằm sõng soài trên thuyền. Những tưởng sẽ không chịu nổi nhưng nghĩ đến ba đứa con đang ở tuổi ăn tuổi học, chị lại được tiếp thêm sức mạnh để cùng chồng bám trụ. Riết rồi cũng quen. Giờ chị quanh năm ăn ngủ trên biển. Chị xem thuyền là nhà. Biển, đảo là quê hương.
Hôm nào thả lưới suôn sẻ thì an tâm chứ buông lưới trúng san hô, hay đá ngầm thì sót cả ruột bởi kéo đến đâu nghe toạc đến đó. Sợ nhất là gặp trúng luồng nước chảy, vợ chồng nhịn đói cả ngày gồng lưng mà kéo.
“Kéo miết giờ đau nhức khắp người. Đàn bà ở bờ cực một còn đi biển cực gấp trăm nghìn lần. Từ quăng lưới, kéo lưới, chèo thúng…, thậm chí là lái thuyền, mình cũng phải làm tất tần tật. Cập bờ lại lo bán cá, bán tôm, lo cơm nước cho chồng con rồi vá lưới chuẩn bị cho chuyến biển sau. Cứ vậy, công việc của những chị em làm nghề biển ở làng cá này như con thoi”- Chị Cần thủ thỉ.
Nhiều phụ nữ ở đây cùng chồng đi biển ròng rã mấy tháng liền cũng giỏi như đấng nam nhi. Chị Nguyễn Thị Ri (51 tuổi) là người có thâm niên đi biển lâu năm và kinh nghiệm nhất trong xã.
Sinh ra và lớn lên ở làng biển này. Năm hai mươi tuổi, hạnh phúc đã đến khi chị quyết định kết hôn với anh Nguyễn Văn Thân, người cùng làng chài. Hai con người xuất thân từ biển như thể quyết bám biển vì miếng cơm manh áo và lo học phí cho 5 đứa con được nhân đôi.
Tranh thủ lúc biển động, những phụ nữ tất bật vá lưới để chuẩn bị cho chuyến biển sắp tới. |
“Ra ngoài ấy, ổng kéo lưới đằng phao thì tôi kéo ở đằng chì. Lúc ổng bệnh thì mình lại kéo đằng phao nhường ổng đằng chì. Có khi lưới cắt đến tay chảy máu. Những khi trái gió trở trời, mưa to gió lớn, hai vợ chồng mang đến hàng chục chiếc áo mưa vẫn rét run bần bật.
Hồi chưa đi biển mình chưa thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của chồng. Đi rồi, mồ hôi và cả nước mắt vợ chồng cùng đổ ra biển càng thấy thương nhau hơn. Cực khổ, gian nan là vậy, tụi nhỏ cũng trưởng thành cả rồi mà chẳng muốn ở nhà. Ở nhà vài hôm là nhớ biển nên vợ chồng lại tức tốc ra khơi.”. Nói đoạn, chị chìa bàn tay thô ráp và chai sần ra trước mặt tôi để minh chứng cho lời nói của mình.
Đang hì hục vá những tấm lưới chuẩn bị cho chuyến ra khơi sắp tới, anh Thân góp chuyện “Có vợ đi cùng đỡ hiu quạnh. Vợ chồng thủ thỉ đỡ nhớ nhà và các con. Ốm đau bất thường có bả lo cho miếng cơm, miếng cháo là khỏi ngay. Nhiều khi vất vả quá khuyên bả giải nghệ mà bả chẳng chịu. Bả bảo sẽ bám biển đến khi nào không đủ sức”.
Chia tay làng biển Bình Thuận, hình ảnh những người phụ nữ với khuôn mặt khắc khổ, làn da rám nắng, đôi bàn tay chai sần với những vết cắt của lưới cứ hiện hữu trong đầu tôi. Đấy là minh chứng cho những tháng năm cùng chồng lênh đênh trên biển. Họ là những người phụ nữ kiên cường, không chỉ vật lộn với bao khó khăn của cuộc sống để nuôi dạy con cái mà họ còn là biểu tượng tình yêu biển, đảo quê hương của người Việt.
Bài, ảnh: Ái Kiều(baoquangngai.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn