Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Ảnh: V.Dũng
Khái quát vấn đề nợ công như một nỗi lo quốc gia được đặt ra nghiêm túc tại phiên chất vấn chiều 10 và sáng 11-6, là người từng giữ chức bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu ra nhiều vấn đề tài chính quốc gia sát sườn. Ông nhận xét: “Bộ trưởng nói là an toàn, đang ở mức an toàn, đại biểu thì rất lo lắng, nó có nhiều dấu hiệu không an toàn”. Theo ông Hùng, phát biểu của các vị đại biểu, trả lời của bộ trưởng đã rõ ý này, cho nên phải tập trung giải quyết.
Nhiều chi tiêu bất hợp lý Trả lời Tuổi Trẻ sau phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng sáng 11-6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết nguồn vốn chi cho đầu tư phát triển (năm 2014) từ nguồn ngân sách nhà nước là 163.000 tỉ đồng, còn tính thêm cả trái phiếu Chính phủ 100.000 tỉ đồng nữa thì nguồn đầu tư này là 263.000 tỉ đồng (khoảng 23,8%). Ông Vinh khẳng định với tỉ lệ vốn chi cho đầu tư phát triển như thế vẫn rất thấp so với một nước đang phát triển. Tuy nhiên theo ông Vinh, cần chia sẻ là ngân sách của nước ta hiện nay quá hạn hẹp. Trong tình hình này, điều quan trọng nhất là cần cơ cấu lại việc chi tiêu. “Việc chi tiêu của chúng ta hiện nay rất nhiều bất hợp lý” - ông Vinh nhấn mạnh. |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu phải tái cơ cấu nguồn vay. Hiện nay, vay với thời hạn 1, 2, 3 năm trở lại, chưa dùng đến đã phải trả nợ. “Cơ cấu nợ công như vậy là xấu” - ông Hùng đánh giá đồng thời đề nghị tăng cường lượng vốn vay 5, 10, 15 năm và 20 năm đối với nước ngoài; vay càng dài càng tốt. Gợi mở thêm giải pháp, ông Hùng yêu cầu cân đối thu chi hợp lý để đảm bảo khả năng trả nợ của ngân sách. Trả nợ đến 25% là quá cao rồi, cố gắng tỉ lệ này khoảng 15-19%, “đến một thời điểm nào đó căng quá thì mới có thể (trả nợ) chiếm 20% số thu” - ông Hùng lưu ý.
Trong khi đó, việc lấy nguồn vay để trả nợ cũng khiến nhiều đại biểu rất lo lắng. Theo ông Nguyễn Sinh Hùng, vay để đảo nợ cũng có nghĩa lấy tiền vay để trả nợ, “là không an toàn”. “Vay để trả nợ thì không làm nợ công tăng nhưng vay phải để cho đầu tư phát triển, bội chi là để đầu tư phát triển, không phải chủ yếu để trả nợ” - Chủ tịch Quốc hội cũng nhắc nhở Quốc hội duyệt bội chi ngân sách, duyệt trái phiếu Chính phủ là để đầu tư chứ không phải để trả nợ.
Tại phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá câu hỏi của đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) hay. Ông Nghĩa cho rằng chiến lược phát triển của Việt Nam nói chung và chiến lược tài chính nói riêng từ bây giờ trở đi không thể không tính đến yếu tố Trung Quốc. Ông Nghĩa chất vấn: Xin cho biết bằng thông tin và số liệu, mức độ phụ thuộc (lệ thuộc nếu có) về tài chính của Việt Nam đối với Trung Quốc, cụ thể là nợ công mà chủ nợ là nhà nước hoặc doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc; nguồn vốn ODA từ Trung Quốc và các dự án có liên quan, hiệu quả, chất lượng của các dự án này. Vốn của các doanh nghiệp tư nhân hoặc nhà nước Trung Quốc trong các công ty cổ phần của Việt Nam (nếu có). Tình hình các doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm và chi phối nền kinh tế, thị trường Việt Nam thông qua việc mua bán công ty... Các chính sách, biện pháp của Chính phủ nói chung và Bộ Tài chính nói riêng để khắc phục tình trạng lệ thuộc về tài chính đối với Trung Quốc.
Trả lời đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định Việt Nam vay của Trung Quốc không nhiều. Trong đó, về chứng khoán, các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư vào lĩnh vực này đến nay chỉ chiếm 0,33% so với quy mô thị trường. Có hai nhà đầu tư lớn, chủ yếu đầu tư vào hai công ty Việt Nam (đầu tư dài hạn nên không lo ảnh hưởng lớn); số còn lại các nhà đầu tư nhỏ không đáng kể. Tuy nhiên, “đụng” đến tổng số nợ vay của Trung Quốc, như ông Nghĩa hỏi, ông Dũng cho rằng “có tính nhạy cảm, xin phép trao đổi trực tiếp với đại biểu Trương Trọng Nghĩa”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Chúng ta hợp tác làm ăn theo pháp luật với Trung Quốc, nếu thua thì hai bên cùng thua, còn vay mượn của ta với Trung Quốc cũng không lớn, nên chưa đến mức độ phụ thuộc gì lớn”.
QUỐC THANH
theo tuoitre
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn