Đoàn viên, thanh niên huyện Cô Tô phát túi giấy sinh thái cho khách du lịch để thay thế túi nilon trước khi lên tàu đi ra đảo Cô Tô. Ảnh: Minh Đức Để ứng phó với điều này, tháng 4/2018, Cô Tô đã triển khai Đề án “Hạn chế việc sử dụng túi nilon trên địa bàn huyện Cô Tô giai đoạn 2017-2020”. Từ đây, huyện đã thành lập các tổ đội, tuyên truyền viên về bảo vệ môi trường, đặc biệt là tuyên truyền viên về hạn chế sử dụng túi nilon, phân loại rác thải tại nguồn. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người dân trong huyện cũng đã ký cam kết không sử dụng túi nilon. Huyện còn vận động các chủ tàu thuyền, các nhà hàng, khách sạn, hộ kinh doanh, chợ... ở địa phương chủ động mua các đồ dùng, như: Làn nhựa, túi giấy thân thiện với môi trường để thay thế túi nilon. Đoàn thanh niên huyện tuyên truyền và phát túi giấy miễn phí cho khách du lịch tại bến tàu Cái Rồng trước khi ra đảo Cô Tô... Nhờ vậy, phong trào đã nhận được sự hưởng ứng của cả hệ thống chính trị từ huyện tới cơ sở, cũng như người dân và du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Người dân Cô Tô đã từng bước thay đổi tư duy, bỏ thói quen dùng túi nilon, phân loại rác thải tại nguồn...
Đến thời điểm này, không nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện được việc vận động người dân không dùng hoặc hạn chế sử dụng túi nilon như Cô Tô. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay, tổng lượng phát sinh chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh là 1.136 tấn/ngày; trong số này, túi nilon chiếm số lượng đáng kể. Những năm qua, các địa phương đều tăng cường thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải với tỷ lệ rác thải rắn được thu gom, xử lý (chủ yếu bằng hình thức đốt và chôn lấp) khoảng 93%.
Rất nhiều rác là túi nilon được thu gom từ các khu dân cư trên địa bàn TP Hạ Long. Các ngành, đoàn thể, địa phương cũng triển khai nhiều hoạt động hiệu quả đối với công tác vệ sinh môi trường như: Phong trào “Ngày chủ nhật xanh”; mô hình thôn, khu phố kiểu mẫu xanh - sạch - đẹp; điểm sáng thôn, khu về vệ sinh môi trường; mô hình thực hiện cải tạo các khoảng đất trống tại khu dân cư thành khuôn viên, vườn hoa… Riêng Khối MTTQ và các đoàn thể đã có tới 39 mô hình vệ sinh môi trường. Tính từ giữa năm 2016 đến nay, các địa phương, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã tổ chức gần 7.500 đợt ra quân với gần 250.000 lượt người tham gia vệ sinh môi trường làm sạch đẹp đường làng, ngõ xóm, những điểm có vấn đề về vệ sinh môi trường; khơi thông 145.000km cống rãnh, thu gom trên 1.500m3 rác thải...
Trong số 270 tấn rác thu gom mỗi ngày trên địa bàn TP Hạ Long có rất nhiều loại là rác nilon Mặc dù các phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường diễn ra sôi nổi trên khắp toàn tỉnh, tuy nhiên điều này chỉ mới giúp hình thành nền nếp thu gom, xử lý rác thải, chất thải nói chung trong các khu dân cư, trong mỗi hộ gia đình, kể cả rác thải từ hoạt động chăn nuôi, sản xuất... tạo cảnh quan môi trường trên địa bàn ngày càng sạch, đẹp hơn. Còn vấn đề phân loại rác thải vô cơ không thể tái chế (nilon, sành, sứ...); rác vô cơ có thể tái chế (giấy, kim loại, vỏ hộp...); rác vô cơ (rau, thức ăn thừa...) lại chưa được chú trọng. Đặc biệt, các phong trào trên cũng chưa quan tâm nhiều đến tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng túi nilon và những sản phẩm của nó nên trong số rác thu gom ở cả khu vực thành thị và nông thôn đều thấy rất nhiều rác là túi nilon và các sản phẩm của nó. Trong khi, nilon lại là loại rác thải độc hại với môi trường và sức khoẻ con người bởi chúng phải mất từ 400-600 năm mới có thể tiêu huỷ được, và có thể gây những bệnh nguy hiểm cho con người, các loài vật dưới nước và trên cạn...
Ngay từ bây giờ, các địa phương trên địa bàn cần phải xem trọng vấn đề “nói không với túi nilon”. Các ngành, đoàn thể cần đưa việc vận động, tuyên truyền người dân không sử dụng túi nilon và các sản phẩm của nó gắn nó vào trong các phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường; phát động các sáng kiến về những loại vật dụng thân thiện với môi trường và sức khoẻ con người để thay thế túi nilon... Có như vậy, môi trường trên địa bàn mới trong sạch bền vững.