Nông dân Hà Tĩnh: Hãy bình tĩnh trước sự cố về giống lúa!
Thứ bảy - 25/01/2014 03:11
Cho đến nay, Hà Tĩnh vẫn còn trên 80% dân số sản xuất nông nghiệp. Người Hà Tĩnh đời này qua đời khác vẫn lầm lũi một nắng hai sương “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” lăn lộn với ruộng đồng làm nên củ khoai hạt lúa, làm nên những sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao để có được một Hà Tĩnh như hôm nay.
Cuộc cách mạng chuyển đổi ruộng đất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi Hà Tĩnh đã sớm tiếp cận các bộ giống lúa mới tiến bộ vào sản xuất nhằm tránh thiên tai, lũ lụt hạn chế được sâu bệnh như các giống lúa thuần, lúa lai ngắn ngày… Được biết, Hà Tĩnh có tổng diện tích gieo trồng lúa hàng năm đạt gần 100.000ha, bình quân mỗi năm nhu cầu cung ứng giống từ 8 đến 10 ngàn tấn lúa các loại.
Theo ông Đào Nghĩa Nhuận Hội KHKT nông nghiệp tỉnh, cho biết, “số lúa giống nói trên có đến 70% do nông dân tự SX, tự cung ứng mùa này qua mùa khác, còn khoảng 25-30% do các đơn vị trong và ngoài tỉnh cung ứng”. Được biết, do công tác quản lý giống trên địa bàn chưa được chặt chẽ của một số cơ quan chức năng, phần nữa do chủ quan làm bừa làm ẩu của một số cán bộ xã, thôn kể cả nông dân sử dụng giống có phần chủ quan, cộng với khí hậu thời tiết thất thường dẫn đến nông dân Hà Tĩnh thường hay “gặp nạn”.
Đặc biệt mấy năm gần đây nông dân Hà Tĩnh thường hay vấp phải sự cố giống lúa kém chất lượng không nảy mần như Vụ hè thu 2011 có giống lúa IR 504, năm 2012 có giống Xin6; Vụ xuân 2013 có giống Gia Lộc 102 tất cả đều nẩy mầm kém dẫn đến thiệt hại về kinh tế, chậm thời vụ của nông dân. Đặc biệt, giống lúa BC15 Thái Bình khi gieo xuống nẩy mầm tốt nhưng đến khi thu hoạch lại không cho hạt… Vụ xuân 2014, Tổng Cty CP-VTNN Nghệ An đã cung ứng khoảng 305 tấn giống lúa VTNA2 cho các huyện, xã trên địa bàn Hà Tĩnh lại tiếp tục xảy ra sự cố giống nẩy mầm kém, phải thu hồi khi vụ mùa gieo cấy đã sắp sữa kết thúc nếu không có biện pháp xử lý kịp thời nông dân nguy cơ ruộng bỏ hoang vì nhở giống.
Theo báo cáo của Sở NN – PTNT đến thời điểm hiện tại trên địa bàn các huyện Hương Sơn, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Kỳ Anh, Đức Thọ, TP. Hà Tĩnh… đã xác định khoảng 30% số lượng cung ứng giống VTNA2 có tỉ lệ nảy mầm dưới 60% phải thu hồi chuyển sang sử dụng các loại giống khác. Sau khi phát hiện sự cố trên Cty cung ứng giống VTNN Nghệ An đã kịp thời cử cán bộ kỹ thuật xuống tận các địa phương kiểm tra xác minh và thu hồi lại toàn bộ số giống đã cung ứng nói trên. Đồng thời khắc phục hậu quả bằng cách, thanh toán toàn bộ chi phí kể cả mức lãi suất ngân hàng cho nông dân kể từ khi tiếp nhận giống từ Cty.
Giống lúa VTNA 2 được bà con nông dân Hà Tĩnh tin dùng trong nhiều năm.
Ông Trần Quốc Thanh xóm Tiến Bộ, Thạch Tân, Thạch Hà cho rằng: Sau khi xã đưa giống VTNA2 về cho nông dân gieo chúng tôi rất phấn khởi thế nhưng khi ngâm ủ phát hiện giống có tỉ lệ nảy mầm thấp chúng tôi rất lo lắng. Còn Bà Hồng nông dân thôn Văn Minh cùng trong xã Thạch Tân cũng cho rằng: Vụ xuân năm ngoái nhà bà sản xuất gần một mẫu bằng giống lúa VTNA2 cho năng suất cao, chất lượng gạo vượt trội hơn tất cả. Vì thế nên năm nay, gia đình bà cũng quyết định bỏ tiền mua cho bằng được giống lúa VT-NA2 để gieo nhưng khi nghe tin giống lúa VTNA2 nảy mầm kém bà Hồng cũng như toàn bộ nông dân trong xã vô cùng buồn chán.
Để tìm hiểu nguyên nhân sự cố xảy ra nói trên qua tìm hiểu một vị đại diện lãnh đạo Tổng công ty CP Vật tư Nông nghiệp Nghệ An, cho biết: Lô giống nói trên do thời tiết năm nay độ ẩm cao nên buộc chúng tôi phải sấy khô nhưng do sấy hơi già nhiệt độ nên phần nào đó đã bị ảnh hưởng. Trước lúc xuất bán lô hàng này chúng tôi cũng đã ủ thử cho kết quả nảy mầm đạt tiêu chuẩn, nhưng khi cung ứng giống đến tận người dân lại bị sự cố như vậy. Cũng theo vị đại diện Cty này, để phòng ngừa sự cố xảy ra Cty cũng đã làm tờ rơi phụ hướng dẫn thêm cho bà con sử dụng kỷ thuật khác với chỉ dẫn ngoài bao bì nhưng có lẽ họ không để ý nên sự cố không hay xảy ra thật đáng tiếc, chúng tôi chỉ biết xin lỗi với nông dân và hứa sẽ khắc phục hậu quả, xin bà con nông dân hảy yên tâm.
Tại cuộc họp xử lý giống kém chất lượng VTNA2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, Ông Lê Đình Sơn khẳng định: Cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước đã quá chủ quan, buông lỏng trong việc kiểm tra quy trình chất lượng giống trước lúc ngâm ủ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở NN&PTNT chỉ đạo các huyện, xã rà soát lại toàn bộ bộ giống vụ xuân 2014, đặc biệt là giống VTNA2. Đến hết 20/1, phải hoàn tất việc xác định tỷ lệ giống chất lượng kém, đồng thời kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ, hợp đồng mua bán giống và có phương án xử lý đối với số giống kém chất lượng đúng pháp luật.
Đối với các huyện, chủ động lên phương án chuẩn bị giống dự phòng theo cơ cấu bao gồm giống TH3-3, KD đột biến và PC6; cân đối giống trong dân, nhằm kiên quyết không để người dân thiếu giống sản xuất, tránh tình trạng bỏ hoang diện tích.
Với sự cố xảy ra nói trên âu cũng là bài học về công tác quản lí giống của các cơ quan chức năng, sự chủ quan của phía cung ứng giống. Bởi trong số giống kém chất lượng nói trên đều do các huyện, các địa phương tự liên hệ mua bán không qua cơ quan quản lí nhà nước.Vì thế, Hà Tĩnh cần có một cơ quan chuyên môn quản lý chất lượng vật tư NN, an toàn thực phẩm sản xuất nông nghiệp để nông dân được an lòng.
Kết thúc bài viết này, PV xin trích đăng nguyên ý kiến của ông Hồ Văn Minh, nông dân trực tiếp sử dụng giống lúa VT-NA2: Sau khi phát hiện giống có vấn đề chúng tôi mang lên Cty trả, được người quản lý giống hướng dẫn cách thức ngâm ủ đúng quy trình, tôi về thực hiện đúng y như lời căn dặn. Đúng là giống nảy mầm 100% không hề có bất kỳ một hạt nào bị lỗi. Nên ông Minh khẳng định, “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” bởi lỗi ở Cty một phần và lỗi ở người nông dân chúng ta nữa. Vì thế ông Minh khuyên mọi nông dân, hãy bình tĩnh trước sự việc…