Từ nhiều ngày qua, ông Huỳnh Sum, ở thôn Long Bàn Bắc, xã Hành Minh, tự tìm hiểu, áp dụng khuôn mẫu tạo dáng, tạo hình cho những quả bưởi da xanh, bưởi năm roi trái vụ trong khu vườn nhà mình, nhằm tạo ra những sản phẩm mới lạ, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng và nâng cao giá trị thu nhập.
Ông Sum chia sẻ: “Tôi ấp ủ ý tưởng tạo hình cho quả bưởi từ lâu rồi, năm nay quyết phải làm cho bằng được. Một là tạo hình bưởi lồ ô, hai là dùng khuôn hình tạo chữ phước – lộc – thọ trên quả bưởi. Mới lần đầu nên chỉ làm thử ít chục quả để xem mẫu mã, hình thức, đồng thời thăm dò thị hiếu người tiêu dùng Quảng Ngãi như thế nào. Nếu thành công, năm sau tôi sẽ áp dụng nhiều hơn”.
Cũng như nhiều nhà vườn ở huyện Nghĩa Hành, anh Phan Hai, ở thôn Long Bình, xã miền núi Hành Tín Tây, sử dụng túi lưới chuyên dụng bao bọc bên ngoài để ngăn côn trùng phá hoại, giúp quả bưởi đẹp, màu sắc bắt mắt.
Trên diện tích 01 hecta trồng Bưởi da xanh, có nhiều cây ra quả trái vụ, anh Hai dự tính thu về từ 35 đến 40 triệu đồng vào dịp tết nguyên đán sắp tới.
Anh Hai bộc bạch: “Năm nay vườn bưởi của gia đình ra quả trái vụ nhiều gấp ba lần so với mấy vụ trước. Tính sơ sơ cũng được 500 quả, hiện tại mỗi quả có trọng lượng từ 01kg đến gần 02 kg/quả. Nếu tính theo giá bưởi tiêu dùng 35 đồng/kg, mình cũng kiếm được gần 35 triệu đồng, còn tính theo giá bưởi tết bán cho bà con đơm mâm ngũ quả, thu nhập sẽ cao hơn nhiều”.
Trên địa bàn huyện Nghĩa Hành hiện có hàng chục ha đất trồng các loại bưởi da xanh, bưởi thanh trà, bưởi năm roi theo quy mô tập trung và hàng nghìn cây trồng phân tán, đem lại nguồn thu nhập cao cho nhiều gia đình.
Vườn bưởi tết trĩu quả của anh Thế
Anh Trịnh Văn Thế, ở thôn Long Bàn Bắc, xã Hành Minh, là chủ nhân của vườn Bưởi da xanh 100 cây. Mùa bưởi chính vụ vừa qua, anh thu hoạch trên 4 tấn quả, trị giá gần 200 triệu đồng. Đặc biệt từ cuối tháng 8 âm lịch đến nay, vườn bưởi của anh Thế tiếp tục ra quả trái vụ, bảo đảm cung ứng cho thị trường Tết canh Tý sắp đến từ 02 nghìn đến 03 nghìn sản phẩm chất lượng cao.
Anh Thế chia sẻ: “Đúc kết kinh nghiệm thực tế của chính bản thân mình cộng với kiến thức học hỏi những người trồng bưởi ở Nghĩa Hành và các tỉnh Nam bộ, sau mùa thu hoạch chính vụ, tôi lại bổ sung thêm dinh dưỡng cho cây bằng phân NPK, kết hợp bấm tách vỏ để hạn chế nước dẫn lên đầu cành, kỹ thuật này giúp bưởi ra hoa, đậu quả trái vụ với tỷ lệ khá cao. Bưởi thường ra quả thành chùm, mình phải kiểm tra để loại bỏ bớt những quả không đẹp, chỉ để lại mỗi nhánh từ 1 đến 3 quả, có như vậy quả bưởi mới lớn nhanh và cho mẫu mã đẹp. Mùa trái vụ này vườn bưởi nhà tôi có hơn 03 nghìn quả, nếu tết tiêu thụ không hết thì để bán lai lai qua tháng giêng, tháng hai, giá cả vẫn cao như thường”.
Mùa thu hoạch bưởi chính vụ ở Nghĩa Hành thường kéo dài từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 8 âm lịch hàng năm.
Việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào quy trình chăm bón để bưởi ra quả trái vụ, giúp cho nhiều gia đình ở huyện Nghĩa Hành có thêm nguồn thu nhập đáng kể và góp phần đáp ứng thị trường tiêu dùng tăng cao trong dịp tết cổ truyền dân tộc.
Theo Phương Thái – Ngọc Diệu/Quangngai.gov.vn