Mô hình nuôi bò “vỗ béo” của gia đình ông Trần Ngọc Bảy ở xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Việt Hùng Tận dụng diện tích đất trống của gia đình, đầu năm 2018, ông Trần Ngọc Bảy khởi công xây dựng chuồng trại để chăn nuôi bò “vỗ béo”. Sau 2 tháng xây dựng, khu chăn nuôi đã hoàn thành với thiết kế 30 chuồng, mỗi chuồng rộng 180 m2. Thời gian này, ông đầu tư mua máy nghiền thức ăn, cân điện tử, lắp hệ thống quạt điện, camera... để phục vụ cho chăn nuôi; Tổng kinh phí đầu tư xây dựng chuồng trại khoảng gần 300 triệu đồng.
Khi mô hình đã hoàn chỉnh, đầy đủ tiện nghi, ông Bảy tìm lên các xã miền núi như Tân Thắng, Quỳnh Thắng để mua những con bò gầy, có khả năng sinh trưởng nhanh về nhà nuôi “vỗ béo”.
Ông Bảy cho biết, những con bò được mua lại ở từ các hộ dân đều là những con rất gầy, bình quân khoảng 2 năm tuổi. Nếu là bò cái thì giá thu mua khoảng từ 14 - 15 triệu đồng/con; còn bò đực giá mua cao hơn, từ 20 - 30 triệu đồng/con. Khi mua về, những con bò này sẽ được cân lên để theo dõi và sau khoảng 45 ngày “vỗ béo”, trong lượng sẽ được tăng lên rất nhiều.
"Những con bò gầy mua về nuôi cần phải có cách chăm sóc đặc biệt mới phát triển nhanh, ngoài cho ăn cỏ sữa, rơm rạ, gia đình đã bổ sung thức ăn vi sinh dạng tinh bột để cung cấp chất bổ cho con bò phát triển. Nếu thiếu tinh bột, cho dù con bò ăn cỏ, hay rơm cũng khó mà béo lên được" - ông Bảy chia sẻ.
Hiện nay, trong chuồng của nhà ông Bảy luôn duy trì từ 20 - 30 con bò. Ảnh: Việt Hùng Sau khi tập trung chăm sóc, vỗ béo cho đàn bò, lứa nuôi đầu tiên gia đình ông Bảy xuất bán cho các lò mổ. Bình quân 1 con nuôi bán, ông thu lãi khoảng 2,5 - 3 triệu đồng/ sau 45 ngày nuôi. Với cách nuôi theo hình thức xoay vòng nên ngày nào nhà ông Bảy cũng có 1 - 2 con cung cấp cho các lò mổ; trừ chi phí, gia đình ông thu lãi trên 50 triệu đồng/tháng.
Hiện ông Bảy đang tập trung mở rộng đàn, ngoài ra, ông còn liên kết với các hộ dân trên địa bàn tập trung chăn nuôi nuôi bò để thu mua, giải quyết đầu ra cho bà con.
Theo ông Bảy, việc liên kết với các hộ dân cùng tập trung chăn nuôi bò sẽ giúp người dân có thêm nguồn thu nhập. Chỉ sau khoảng 1,5 - 2 năm nuôi, bà con có thể xuất bán và thu về khoảng 20 triệu đồng/con. Riêng gia đình ông có thêm giết mổ, phân phối thực phẩm sạch đi các tỉnh. Quan trọng hơn, việc liên kết chăn nuôi với các hộ dân nhằm hạn chế quy mô chuồng trại của gia đình, không phát triển đàn lớn, gây ảnh hưởng môi trường”.
Bộ loa kích cỡ lớn được đặt trên chuồng nuôi. Ảnh: Việt Hùng Đặc biệt hơn, để giúp đàn bò tăng trưởng nhanh, mới đây, ông Bảy đã lắp 2 chiếc loa kích cỡ lớn trong chuồng để cho đàn bò vừa ăn, vừa nghe nhạc.
Qua chia sẻ của ông, sau khi tham quan các trang trại nuôi bò sữa ở một số nơi thấy họ cũng cho bò nghe nhạc, do vậy, sau khi tham quan về ông lập tức áp dụng cho đàn bò của gia đình. Cho bò nghe nhạc tạo cho chúng một thói quen, cứ có tiếng nhạc là tập trung ăn, gây cảm hứng cho con bò tăng trọng nhanh.
Ông Hồ Văn Lập - Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn cho biết: Mô hình chăn nuôi bò vỗ béo cung cấp thực phẩm sạch là mô hình đầu tiên trên địa bàn xã Ngọc Sơn và huyện Quỳnh Lưu.
Địa phương sẽ tạo mọi điều kiện để gia đình ông Bảy được mở rộng quy mô liên kết; xây dựng lò mổ tập trung và mở rộng thêm diện tích. Về mặt hồ sơ, thủ tục, trong đó có việc đánh giá môi trường, địa phương cũng chỉ đạo gia đình phải đảm bảo chăn nuôi theo đúng quy định.