Trạm Thủy sản số 2 (Chi cục Thủy sản Tiền Giang) cho biết, hiện khu vực nuôi tôm nước lợ phía Đông của tỉnh Tiền Giang đã có 49 hộ nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh với diện tích 85 hecta chuyển sang ương cá tra giống. Trong đó, huyện Gò Công Đông có 16 hộ với diện tích ương giống 31 hecta, thị xã Gò Công có 10 hộ với diện tích 14 hecta, huyện Gò Công Tây có 1 hộ với diện tích 3 hecta chuyển từ ao nuôi tôm chuyển sang ương cá tra giống. Hàng năm, các cơ sở ương giống này cung cấp cho thị trường gần 17 triệu con cá tra giống.
Do chưa có nhiều kinh nghiệm ương giống, nên tỷ sống quá trình ương từ cá bột lên cá giống của các cơ sở ương cá tra giống ở khu vực này chỉ đạt 7-8% (thấp hơn so với mức trung bình khoảng 10-20% của các vùng ương lâu năm). Cụ thể, trong 30 ngày đầu tiên từ ngày thả bột, cá tra giống thường bị ký sinh trùng tấn công gây bệnh, chủ yếu là trùng bánh xe, trùng quả dưa và bị sốc bởi môi trường nước ương nên tỷ lệ hao hụt giai đoạn này khoảng từ 82% - 83%. Giai đoạn từ cá hương lên cá giống (từ tháng thứ 2 trở đi), cá thường mắc một số bệnh như xuất huyết, gan thận mủ, trắng gan trắng mang và cá cũng đôi khi bị ký sinh trùng tấn công nhưng không đáng kể nên tỷ lệ cá hao hụt trong giai đoạn này khoảng 10%.
Với chi phí sản xuất cho mỗi con cá tra giống kích cỡ 50 con/kg khoảng 400 đồng/con. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, giá cá tra giống dao động ở mức 580-1.200 đ/con nên người nuôi thu được lợi nhuận 180-800 đ/con. Bình quân mỗi hecta ao ương cho sản lượng 350 ngàn con cá tra giống, người nuôi thu được lợi nhuận từ 60 – 280 triệu đồng/hecta.
Theo nhận định của ông Trần Văn Quân, Phó trưởng Trạm thủy sản số 2, tình hình ương cá tra giống ở các huyện nuôi tôm nước lợ của tỉnh Tiền Giang đang phát triển mạnh. Hiện nay, giá cá tra giống giảm rất nhiều, lợi nhuận thấp so với trước kia nhưng do tôm nuôi bệnh nhiều, giá tôm thương phẩm bị sụt giảm mạnh, rủi ro ngày càng cao nên nhiều khả năng mô hình chuyển đổi từ ao nuôi tôm sang ương cá tra giống sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.