Bổ sung thêm cho bài viết Khi bệ đỡ nền kinh tế lung lay, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VEF.VN) - báo VietNamNet, đăng tải bài viết của TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Chính sách Nông nghiệp (Viện Chính sách và chiến lược nông nghiệp nông thôn - IPSARD) về những thách thức mà ngành nông nghiệp Việt Nam phải đối mặt.
Lưu ý rằng các dự báo nêu ra ở đây chỉ mang tính chất tham khảo và sẽ cần cập nhật hàng năm khi có biến động về đất đai, công nghệ và giá tương đối giữa các mặt hàng.
Mời độc giả đọc bài viết và cùng tham gia tranh luận.
XK nông sản kỷ lục: 70% nhờ giá tăng
Kinh tế Việt Nam trong năm qua tăng trưởng chậm lại với nhiều bất ổn, lạm phát cao, khả năng thanh khoản kém của hệ thống ngân hàng, cán cân thương mại thâm hụt... Nông nghiệp được coi như cứu cánh trong bối cảnh kinh tế suy thoái. Diến đàn Kinh tế Thế giới Davos tháng 1/2012 đánh giá cao thành tựu phát triển nông nghiệp của Việt Nam và coi đây là điển hình về phát triển nông nghiệp tại các nước đang phát triển. Tăng trưởng trong sản xuất và xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới.
Tổng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản năm 2011 tăng 5,2% so với năm 2010, trong đó khu vực thủy sản và lâm nghiệp tăng khá cao, đạt mức 6,1% và 5,7%. Khu vực trồng trọt và chăn nuôi đạt mức tăng khá ở mức 4,8%. Năm 2011 là năm xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt mức kỷ lục 25 tỷ USD (tăng 30,5% so với năm 2010, chiếm 22% tổng kim ngạch xuất khẩu) và nông nghiệp cũng là ngành duy nhất có thặng dư xuất khẩu ròng đạt trên 9 tỷ USD.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2011 tăng mạnh chủ yếu do đơn giá của nhiều mặt hàng trên thị trường thế giới tăng, trong đó giá hạt tiêu tăng 65%; giá hạt điều tăng 42%; giá cà phê tăng 44%; giá cao su tăng 29%; giá gạo tăng 9%... Kết quả là tăng giá đóng góp trên 70% cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong năm 2011.
Mặc dù nông nghiệp đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2011 nhưng tình hình phát triển nông thôn có chiều hướng chững lại dưới tác động của suy thoái kinh tế và lạm phát cao. Hàng loạt doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đóng cửa trong năm 2011 đã có tác động tiêu cực đến việc làm của người dân nông thôn. Đồng thời, giá cả hàng hóa tăng cao cùng với thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên cây trồng, vật nuôi đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn.
Kết quả từ cuộc Điều tra mức sống hộ gia đình mới nhất năm 2010 cho thấy, khoảng cách thu nhập giữa thành thị - nông thôn vẫn ở mức trên 2 lần (thu nhập bình quân một nhân khẩu theo tháng ở thành thị là 2.129 nghìn đồng, ở nông thôn là 1.070,5 nghìn đồng), và tỷ lệ nghèo ở khu vực nông thôn (17,4%) cao gấp trên 2 lần so với khu vực thành thị (6,9%).
Điểm đáng lưu ý là tốc độ giảm nghèo đang có xu hướng chậm lại, đặc biệt tại khu vực nông thôn. Điều tra của IPSARD phối hợp với Đại học Copenhaghen cho thấy khoảng cách giữa nhóm giàu nhất và nghèo nhất trong khu vực nông thôn đang doãng ra và 20% dân cư nông thôn thuộc nhóm nghèo nhất giảm chi tiêu cho lương thực thực phẩm trển 20% trong giai đoạn 2006-2010.
Khó duy trì thành tích ấn tượng
Trong năm 2012, kinh tế thế giới tiếp tục biến động rất phức tạp, suy thoái kinh tế kéo dài sẽ làm suy giảm nhu cầu của các nước nhập khẩu nông sản. Giá xuất khẩu nông sản bắt đầu tăng mạnh từ nửa cuối năm 2010 và lên đến đỉnh điểm trong năm 2011, vì vậy trong năm tới sẽ khó để duy trì mức giá cao như năm cũ. Khả năng tăng khối lượng xuất khẩu cũng đang gặp phải thách thức lớn khi hầu hết các cây trồng đã phát triển đến ngưỡng cả về diện tích và năng suất. Diện tích canh tác của phần lớn các sản phẩm nông sản xuất khẩu chính đều đã vượt hoặc đến ngưỡng so với quy hoạch đến năm 2020.
Trong khi đó, năng suất của các sản phẩm nông sản xuất khẩu, trừ cao su, cũng rất khó tăng nhanh trong thời gian tới nếu không có đột phá về công nghệ sản xuất.
Theo dự báo của các tổ chức nghiên cứu thị trường nông sản hàng đầu như FAO, USDA và World Bank, giá thị trường thế giới của các mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam như gạo, cà phê, cao su, chè, tiêu, điều có xu hướng giảm trung bình khoảng 1,3-1,5%/năm từ nay đến 2020, trong đó giá thế giới giảm mạnh trong giai đoạn từ nay đến 2015 và sau đó sẽ giảm nhẹ hoặc có khả năng phục hồi trong giai đoạn 2015-2020.
Chỉ có mặt hàng thực phẩm như thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm, cá có xu hướng tăng giá trung bình khoảng 1,2-1,4%/năm. Với tình hình thị trường như trên, khả năng xuất khẩu của các nông sản chủ lực từ trước đến nay có khả năng giảm hoặc tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sẽ chậm lại.
Trung tâm Tư vấn Chính sách Nông nghiệp (IPSARD) dự báo, đến năm 2020, khối lượng xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam sẽ giảm.
Chẳng hạn, khối lượng gạo xuất khẩu có khả năng suy giảm trung bình 1,1%/năm, cà phê giảm 1%/năm, chè giảm 3,9%/năm, tiêu và điều tăng nhẹ ở mức 2-3%/năm. Chỉ có các mặt hàng như cao su và thủy sản vẫn còn nhiều khả năng tăng lượng xuất khẩu, cụ thể cao su tăng ở mức trung bình 3,9%/năm, cá ở mức 5,2%/năm và tôm ở mức 3,2%/năm...
Trong khi đó, Việt Nam có thể tăng mạnh nhập khẩu các sản phẩm thịt do nguồn cung trong nước khó có thể đáp ứng được nhu cầu ngày một tăng cao. Cụ thể, lượng nhập khẩu thịt lợn tăng trung bình 8,6%/năm, thịt bò 9,6%/năm và thịt gia cầm 15,4%/năm. Đến năm 2020, nhập khẩu thịt bò và thịt gia cầm có thể chiếm tới 20-25% tổng cung trong nước.
Tóm lại, trong tương lai gần nông nghiệp Việt Nam rất khó tiếp tục duy trì thành tích tăng trưởng ấn tượng về sản lượng và xuất khẩu nếu không có những bước đột phá về khoa học công nghệ, tổ chức chuỗi cung ứng và nâng cao chất lượng sản phẩm. Nếu chỉ tiếp tục tăng trưởng nông nghiệp dựa trên khai thác tài nguyên và các đầu vào giá rẻ, nông nghiệp Việt Nam không thể tiếp tục duy trì vai trò nền tảng cho tăng trưởng kinh tế cũng như là bệ đỡ cho đời sống của người dân nông thôn, đặc biệt là các nhóm nghèo.
Để tạo ra đột phá đối với nông nghiệp và phát triển nông thôn trong các năm tới, cần lưu ý tới các định hướng chính sách sau:
Trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cần nâng cao giá trị gia tăng thông qua các mô hình sản xuất chuyên canh, liên kết doanh nghiệp với nông dân từ đầu vào đến đầu ra, đảm bảo quy trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ thống nhất; đẩy mạnh hợp tác công tư trong nông nghiệp, nối kết chuỗi giá trị trong nước với chuỗi giá trị toàn cầu; liên kết hiệp hội ngành hàng; tăng đầu tư cho bảo quản, chế biến...
Về định hướng phát triển nông thôn: Đẩy mạnh các chương trình an sinh xã hội cho cư dân nông thôn; tăng đầu tư công; tạo cơ chế ưu đãi đặc biệt cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn; phát huy tinh thần tự chủ và huy động nội lực của người dân trong chương trình nông thôn mới
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn