Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường. |
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định như vậy tại Diễn đàn logistics Việt Nam 2019 với chủ đề Logistics nâng cao giá trị nông sản đang diễn ra tại Đà Nẵng.
Theo Bộ trưởng, Việt Nam đã chủ động hội nhập để phát triển kinh tế, nhưng chưa bền vững, có tham gia giá trị toàn cầu nhưng chưa sâu.
“Không gì khác chính logistics là công cụ, biện pháp quan trọng để Việt Nam tham gia sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu, tăng giá trị đóng góp cho kinh tế thế giới. Đến nay nông sản Việt Nam đã đi đến 185 nước trên thế giới với giá trị 42,5 tỷ USD năm 2018. Nhưng một thực tế là chúng ta đi chợ thế giới nhưng đi bằng sản phẩm thô, nặng (trung bình xuất khẩu 40 đến 50 triệu tấn hàng/năm) và ngắn vì chủ yếu tập trung vào thị trường liền kề như Trung Quốc. Ngắn ở đây là do vận chuyển hàng nặng nên không đi dài được”, ông phân tích.
Nhiệm vụ của logistics là phải làm cho sản phẩm nông sản của Việt Nam đi dài hơn đến nhiều thị trường ở xa về địa lý, đi sâu hơn về giá trị kinh tế. Mục tiêu của nông sản Việt Nam là sẽ đi sâu vào chuỗi giá trị và hợp lý hơn.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, chúng ta phải hiểu rằng logistics không phải là nhiệm vụ của Bộ trưởng mà của tất cả mọi người, đây là chuỗi ngành kinh tế tổng hợp nên các ngành, kể cả nông dân, lái xe phải bắt tay vào cùng làm...
Đây là sự quan tâm phối hợp, không một người nào có thể giải quyết được mà phải có 3 trục: Chính phủ, Hiệp hội ngành hàng và toàn dân. Người nông dân phải đặt mình vào tâm thế của người dân ở đất nước hội nhập.
“Thực tế sức sản xuất nông nghiệp của chúng ta rất tốt nên mới có câu chuyện cái gì cũng thừa. Tuy nhiên giá trị gia tăng chưa cao nên người nông dân chưa giàu nhiều. Do đó câu chuyện nâng cao giá trị nông sản thông qua logistics.... Ở đây không nên hiểu logistics chỉ đơn thuần là ngành trung gian mà ngành đẻ ra giá trị thực sự”, Bộ trưởng phát biểu và lấy ví dụ, cây vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) mùa vụ vừa qua đem lại khoản doanh thu 5.000 tỷ đồng thì trong đó dịch vụ logistics đã chiếm đến 2.000 tỷ đồng.
Tạo điều kiện để Việt Nam thành trung tâm sản xuất mới
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: "Sự phát triển của ngành logistics sẽ tạo điều kiện để Việt Nam nhanh chóng trở thành một trung tâm sản xuất mới trong khu vực, có năng suất lao động cao và năng lực cạnh tranh tốt...".
Việt Nam đã ký kết 14 Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong đó có 2 FTA thế hệ mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) với những cam kết ở mức độ rất cao của các bên tham gia trong tất cả các lĩnh vực, kể cả truyền thống, phi truyền thống, phạm vi không chỉ dừng ở các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa mà cả trong lĩnh vực dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ...
Các cơ hội được nhìn nhận rõ rệt thông qua gia tăng kim ngạch thương mại, thu hút đầu tư, nâng cao trình độ quản lý, đóng góp tích cực cho tăng trưởng xuất khẩu cũng như quá trình đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu cho Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh |
Tuy nhiên, việc thực thi các FTA thế hệ mới cũng đặt ra không ít thách thức với Việt Nam - nền kinh tế có trình độ phát triển còn thấp so với các nước trong khu vực đã ký FTA với EU và tham gia CPTPP. Vì vậy, vai trò của hoạt động dịch vụ logistics được nhìn nhận là một trong những nhân tố quan trọng nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần gia tăng thương mại, đóng góp tích cực cho tăng trưởng xuất khẩu và tận dụng các lợi thế trong các FTA thế hệ mới.
Để từng bước hoàn thiện các cơ chế chính sách về logistics, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách quan trọng. Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới về Chỉ số Hiệu quả Logistics (LPI), công bố năm 2018, Việt Nam đứng thứ 39/160 nước tham gia nghiên cứu, tăng 25 bậc so với năm 2016 và vươn lên đứng thứ 3 trong các nước ASEAN.
Việt Nam cũng là nước có xếp hạng ở tốp đầu trong các thị trường mới nổi. Đây là kết quả tốt nhất mà Việt Nam có được kể từ khi Ngân hàng Thế giới thực hiện việc xếp hạng Chỉ số Hiệu quả Logistics trong thập niên vừa qua.
Trong thời gian qua, ngành logistics có mức tăng trưởng cao 13-15%. Số lượng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics hiện nay là khoảng 4.000 doanh nghiệp, bao gồm cả dịch vụ kho bãi, giao nhận, vận tải,... Sự phát triển của ngành logistics đồng thời sẽ tạo điều kiện để Việt Nam nhanh chóng trở thành một trung tâm sản xuất mới trong khu vực, có năng suất lao động cao và năng lực cạnh tranh tốt.
Tuy vậy, ngành logistics Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu như chi phí logistics còn cao; thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu; quy mô và tiềm lực về tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu, tổ chức mạng lưới toàn cầu, hệ thống thông tin còn rất hạn chế. Nguồn nhân lực làm dịch vụ logistics chưa qua đào tạo bài bản và còn thiếu...
Còn nhiều vấn đề cần giải quyết
Còn ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho rằng, vấn đề đặt ra cho ngành giao thông rất nặng nề vì nói đến logistics là nói nhiều đến giao thông. Đến nay giao thông chưa đáp ứng được việc vận chuyển hàng hoá của ngành nông nghiệp và điều này thực sự đáng quan tâm.
Hiện chúng ta đang có khoảng 50 tuyến vận tải hàng không trong nước và khoảng 130 tuyến vận tải hàng không quốc tế. Chúng ta đã có đội tàu bay chở hàng đông lạnh nhưng là của một số hãng hàng không nước ngoài còn các hãng hàng không Việt Nam chưa có bất kỳ một đội tàu chở hàng đông lạnh nào do đó các doanh nghiệp vận tải hàng không cần chú ý đầu tư để vận chuyển nông sản đảm bảo và nhanh hơn.
Chúng ta tập trung 64% nông sản tại Đồng bằng sông Cửu Long và 75% số nông sản ở đây là vận chuyển lên các cảng của TP. Hồ Chí Minh là bằng đường thuỷ nội địa. Thế nhưng cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lại chưa có cảng lớn để xuất khẩu nông sản đi quốc tế và các khu vực khác trong nước, đó là một bất lợi.
Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, logistics là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến sức cạnh tranh của sản phẩm nông sản do đó Việt Nam phải tìm giảm chi phí ở nhiều khía cạnh khác nhau.
Ông cho rằng, có một số vấn đề Việt Nam cần lưu ý gồm: Cải tổ, đổi mới xung quanh các trụ cột thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại; Việt Nam tham gia thị trường logistics chậm hơn so với nhiều nước do đó phải triển khai nhanh đơn giản hoá thủ tục thông quan hàng hoá; xây dựng các trung tâm mang tính cạnh tranh cao hơn; tăng cường sự cộng tác với khu vực tư nhân nhiều hơn...
“Tôi tin tưởng Việt Nam có thể được hưởng lợi nhiều hơn trong việc chuyên môn hoá dịch vụ logistics vì Việt Nam là quốc gia xuất khẩu nông sản rất lớn”, ông nói.
Ông cho rằng, có 6 ý tưởng quan trong Việt Nam cần lưu ý thực hiện đó là: Cải thiện chất lượng sản phẩm, nên hỗ trợ quy mô canh tác lớn hơn để giảm chi phí sản xuất, tăng sản lượng; kết nối bên cung ứng bên sản xuất, thị trường; to các điều kiện thông qua các FTA để đưa sản phẩm nông sản ra thị trường quốc tế; cần phải xem xét các kinh nghiệm để lồng ghép câu chuyện về hạ tầng cho xuất khẩu nông sản; đơn giản hoá các thủ tục thông qua, thông thoáng cho thủ tục thanh toán và chi trả; xem xét để thiết lập cơ chế phối kết hợp về mặt chính sách như hỗ trợ thương mại, đối thoại công tư để đem lại giá trị cao hơn cho sản phẩm nông nghiệp.
Theo Thành Đạt/chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn