Chiều 6-6, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị bàn các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Theo Bộ NN-PTNT, mặc dù trong hơn 10 năm qua, nông nghiệp luôn đạt được tốc độ tăng trưởng cao, trung bình hàng năm tăng 5,4% về giá trị nhưng tỷ trọng nông nghiệp trong tổng GDP cả nước đang có xu hướng giảm dần qua các năm. Năm 2010, chiếm 24,5% GDP nhưng năm 2012 chỉ còn 21,6%. Giá trị xuất khẩu nhiều mặt hàng như lúa gạo, thủy sản, cà phê, đồ gỗ… tăng qua các năm, nhưng năng suất, thu nhập của nông dân lại giảm qua từng thời kỳ. Vì vậy, ngành nông nghiệp đang đối mặt với tăng trưởng chậm và bắt đầu thể hiện sự lạc hậu, manh mún... và đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, mặc dù Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu nông sản mạnh, nhưng chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn gây nhiều bức xúc trong xã hội, cản trở nông sản Việt thâm nhập thị trường thế giới. Tỷ lệ nông sản xuất khẩu bị từ chối và bị liệt vào danh sách phải kiểm soát chặt chẽ tại các nước nhập khẩu khá cao.
Nguyên nhân của những tụt hậu kể trên, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát là do những năm qua, chúng ta quá chú trọng vào số lượng hơn chất lượng. Vốn đầu tư của xã hội vào lĩnh vực nông nghiệp giảm từ 13,8% năm 2000 còn 6% vào năm 2012. Đặc biệt, đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm từ 8% năm 2001 còn chưa đầy 1% trong năm 2012.
Vì vậy, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng những khó khăn trực tiếp của ngành nông nghiệp cần được giải quyết bằng những biện pháp căn cơ, bao quát mang tính hệ thống hơn. “Nền nông nghiệp Việt Nam đứng giữa hai sự lựa chọn, hoặc là khuyến cáo nông dân giảm sản xuất, giảm sản lượng để không rơi vào tình trạng ế, hoặc phải mở rộng thị trường để nông dân làm ra sản phẩm đến đâu tiêu thụ hết đến đó” - Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.
Đó cũng là những nội dung được nêu ra trong “Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” mà Bộ NN-PTNT vừa trình Chính phủ. Trong đó, các chỉ tiêu được nêu ra gồm: Tăng đầu tư cho ngành nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2015 lên 239.400 tỷ đồng, giai đoạn 2016 - 2020 tăng lên 478.800 tỷ đồng. Chuyển dịch cơ cấu đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, giảm đầu tư thủy lợi, tăng đầu tư nông nghiệp và thủy sản. Giữ ổn định 3,8 triệu ha đất lúa với tổng sản lượng hàng năm đạt 45 triệu tấn. Trong nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản, tôm được xem là sản phẩm chiến lược trong giai đoạn tới…
Theo http://vietpress.vn