Khi thực hiện chuyên đề Mối lo làng quê, tôi chọn huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, một vùng đất hiếu học, có nhiều người thành danh, có nhiều người ăn nên làm ra, giàu có.
Quả thực, trước khi đến mảnh đất này thâm tâm tôi từng nghĩ, Bình Lục là thuần nông chiêm trũng, cuộc sống sẽ yên bình. Ấy vậy mà đi sâu vào cuộc sống người dân, đi sâu vào bữa ăn, nếp sống của từng gia đình vẫn cứ thấy buồn, vẫn cứ có cảm giác nông thôn đang già cỗi, lẻ loi, cô độc.
Buồn là bởi, ở nơi được đầu tư để trở thành vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm mà người dân không sống được với đồng ruộng, với nghề chăn nuôi, phải bỏ làng đi làm thuê đủ thứ nghề để sống. Thực trạng mà trưởng thôn 9 xã An Ninh Trần Trọng Tháp phải thốt lên rằng người dân quê ông đang bị bỏ rơi. Nghe thật chua chát nhưng không phải không có lý.
Chính sách cho nông thôn nhiều, nhưng những điều cần thiết nhất dường như vẫn chưa gần với thực tiễn nông thôn cần. Người dân cần Nhà nước kiểm soát giá đầu vào để làm ruộng có thể có lãi. Không được. Người dân cần kiểm soát giá cám, giá lợn để chăn nuôi có lãi. Không được. Người dân cần vay vốn, mở rộng sản xuất. Cũng khó bởi quá nhiều cơ chế ràng buộc, đè nén.
Đấy là đời sống sản xuất, còn đời sống tinh thần cũng chẳng khá khẩm hơn là bao. Những gia đình không được hộ nghèo chỉ vì thành tích, vì xét nghèo theo kiểu phân chia chỉ tiêu của chính quyền xã. Họ phân vân lắm, bức xúc lắm. Nhưng chẳng biết kêu ai.
Họ cần cù, lam lũ với đồng ruộng một cách cam chịu. Cùng lắm cũng chỉ than thở với ông trời, manh động hơn nữa thì chửi một vài câu bâng quơ với ông trưởng thôn mà thôi.
Nông thôn già cỗi và đơn độc
Tôi ăn cơm với một gia đình ở xã An Ninh. Bữa cơm tối, chồng và khách ngồi mâm nhà trên, vợ ngồi nhà bếp. Ôi trời. Phụ nữ nông thôn còn thiệt thòi như thế đấy. Có những người sẽ không bao giờ bước chân ra khỏi làng mình nếu không phải lý do đưa chồng, đưa con đi bệnh viện. Cả đời họ hi sinh vì cho chồng con, đến cuối đời cái “sự nghiệp” ấy vẫn còn đeo đẳng.
Bà Trương Thị Vườn ở thôn 1 xã An Ninh phải nhường suất hộ nghèo cho đứa con gái lỡ dở, bà Lê Thị Nhung ở thôn 9, vợ liệt sĩ, chỉ ước nhà mình được hộ nghèo để có thẻ bảo hiểm khám bệnh cho đứa con gái bị bệnh tim…
Khi Báo NNVN in bài viết "Bi kịch không được nghèo" và "Kiệt quệ lắm rồi", Tổng biên tập Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, ông Đào Ngọc Dũng, một người bạn của sếp tôi đã gọi điện cho tôi bảo: Quê mình đấy. Vâng. Quê của những người như ông Dũng, những người giỏi, thành đạt, những người con ưu tú của vùng đất còn khó khăn, còn lam lũ như Bình Lục.
Nhưng thưa chú Dũng, giấc mơ trở thành những người con ưu tú của làng quê bằng cách học thật giỏi, thoát ly khỏi ruộng đồng, thành người Nhà nước của thanh thiếu niên nông thôn đang bị đe dọa vì nghèo, vì nợ nần, vì cơ chế xin việc bây giờ phải có phong bì… Mà nông thôn đã thực sự kiệt quệ rồi nên giấc mơ ấy sẽ còn dang dở, thậm chí là đang bị dập tắt.
Ông Đào Ngọc Dũng cũng bảo rằng, ở đâu cũng thế cả thôi. Quả đúng thế thật. Nông thôn cứ như một vòng luẩn quẩn, không lối thoát. Chúng ta đã có chính sách giảm nghèo, có chương trình MTQG xây dựng NTM, thành quả không thể phủ nhận, nhưng tiềm tàng trong đời sống nông dân vẫn có những nỗi lo.
Còn với báo chí? Nông thôn dường như đang hẹp dần đi trên mặt báo cho dù nó vẫn chiếm một vị thế đặc biệt. Những chính sách lớn về nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhiều tờ báo chỉ đưa một mẩu. Nông thôn, cái nôi của cả dân tộc phải “nhường đất” cho một cô người mẫu, diễn viên lộ hàng.
Muôn đời như thế, nông thôn chất chứa những tình cảm lớn lao. Lo lắng thay, nông thôn đang dần cô độc. |
Phải chăng nông thôn không hấp dẫn? Chắc chắn là không phải như thế. Bằng chứng là những chuyên đề về nông thôn của Báo NNVN vẫn được các tờ báo điện tử dẫn lại với số lượng comment tương đối lớn. Nhiều người đã khóc, đã cảm thông chia sẻ với từng nhân vật trong các bài viết. Điều đó chứng tỏ độc giả vẫn lo lắng cho nông thôn, thương người nông dân nhiều lắm.
Tôi nghĩ, đấy là những người biết nghĩ rằng tất cả chúng ta đều sinh ra từ nông thôn cả thôi. Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quân đội đã về lại những vùng quê mà NNVN phản ánh để tiếp tục làm rõ các vấn đề đã được vạch ra ở nông thôn. Các nhà lãnh đạo cấp cao, những trí thức hàng đầu đất nước đều muốn lên tiếng mỗi khi có một vấn đề về nông thôn được đặt ra. Nhưng chừng đó vẫn còn quá ít.
Nguồn:nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn