Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn. Ảnh:VGP/Phương Liên |
Nếu chỉ làm giàu cho mình thì đơn giản
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn cho biết phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã trải qua 27 năm (sau 4 năm với phong trào Đổi mới). Năm nay, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi lần thứ V, giai đoạn 2012-2017. Hội nghị lần thứ V này sẽ bàn nhiều về các nội dung, giải pháp giúp nông dân khởi nghiệp nhằm hưởng ứng phát động của Thủ tướng về khởi nghiệp quốc gia.
"Phải hướng nông dân khởi nghiệp hội nhập thì nông nghiệp mới cất cánh, nông dân mới trở nên giàu có", ông Môn chia sẻ.
Qua 30 năm đổi mới, kinh tế nông nghiệp đã tạo được bước đột phá rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng và suy thoái tài chính của kinh tế toàn cầu, nông nghiệp Việt Nam không những là trụ đỡ của nền kinh tế mà còn hỗ trợ cho công nghiệp, dịch vụ phát triển. Ông Lại Xuân Môn cho rằng nông nghiệp Việt Nam đã làm nên lịch sử. Từ một đất nước nghèo, đói ăn, gạo phải nhập khẩu, đến nay đã dư thừa, xuất khẩu gạo, nhiều mặt hàng nông sản đứng đầu thế giới. Đã có 10 mặt hàng xuất khẩu được trên 1 tỷ USD.
Đất nước hiện đang bước vào giai đoạn hội nhập sâu, rộng, khởi nghiệp trong nông nghiệp có cả thời cơ và thách thức nhưng thách thức lớn hơn. Theo ông Lại Xuân Môn, hiện nay, cần tập trung đặc biệt hướng nông dân vào “5G” để nông dân Việt Nam trở thành chuyên nghiệp. “G1” tức là sản xuất vào kinh doanh giỏi, “G2” sản xuất giỏi, “G3” Làm giàu, “G4” giảm nghèo, “G5” giá trị gia tăng hiệu quả thương mại.
Để nông dân thực hiện tốt được “5G”, thứ nhất người nông dân cần phải thay đổi tư duy. Thứ hai là cần tập trung vào chất lượng và giá trị gia tăng. Thứ ba, cần tổ chức lại sản xuất từ quy mô hộ cá thể đơn lẻ chuyển sang liên kết, liên doanh hợp tác. “Chúng ta phải định hướng nông dân khởi nghiệp theo đúng tiêu chí của thời kỳ hội nhập như thế. Có thế nông nghiệp Việt Nam mới cất cánh, nông dân Việt Nam mới trở thành chuyên nghiệp, giàu có”, ông Lại Xuân Môn nói.
Ông Lại Xuân Môn cũng nhấn mạnh: Nông dân Việt Nam có truyền thống đoàn kết, nhân ái, sáng tạo, thương người, không phải làm giàu cho mình mà làm giàu cho xã hội, làm giàu cho đất nước, làm giàu cho những người xung quanh. Nếu làm giàu cho mình thì đơn giản, phải làm cho những người nghèo và những người cận nghèo phải giàu lên. Những gương nông dân sản xuất giỏi là giúp đỡ vài chục, vài trăm người thoát nghèo.
Cổ vũ nông dân khởi nghiệp
Ông Lại Xuân Môn cho biết Hội Nông dân Việt Nam vừa ban hành 3 nhiệm vụ chiến lược trong thời kỳ mới: Bảo vệ nông dân trong những thời điểm khó khăn; tổ chức các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ, đào tạo nghề cho nông dân; hỗ trợ vốn và vật tư nông nghiệp.
Được biết, hiện Quỹ hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân Việt Nam có hơn 2.500 tỷ đồng để nông dân khởi nghiệp. Còn về vật tư nông nghiệp, Hội Nông dân Việt Nam đã ký kết với Tổng Công ty Máy Động lực bán cho nông dân theo phương thức trả chậm, được địa phương hỗ trợ lãi suất. Hội cũng ký với các doanh nghiệp phân bón để bán cho nông dân theo phương thức trả chậm. Bên cạnh đó, Hội cũng xây dựng sàn kết nối lương thực, thực phẩm; đào tạo nghề cho nông dân; tổ chức các hội chợ để xúc tiến thương mại, quảng bá nông sản, tổ chức tư vấn cho nông dân về pháp luật, liên kết với các doanh nghiệp, thông tin thị trường, tổ chức các hội nghị nhằm tuyên dương, động viên, khích lệ…
Với vai trò bảo vệ quyền lợi và giúp đỡ hội viên nông dân, Hội Nông dân Việt Nam đã và đang kiến nghị Đảng, Nhà nước và Chính phủ tiếp tục có những cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi giúp nông dân vượt khó, năng động làm giàu và mạnh dạn nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Để giúp nông dân khởi nghiệp hiểu rõ, tư duy đúng, đồng thời khuyến khích, động viên cho những ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc có tính khả thi cao của nông dân, ông Lại Xuân Môn kiến nghị cần quy hoạch những vùng sản xuất tạo điều kiện cho nông dân phát triển.
“Quy hoạch phải công khai bảo đảm các điều kiện về quy hoạch. Về chính sách khoa học công nghệ cần chú trọng các loại giống, cây con. Nhà nước phải đặt hàng với các Viện nghiên cứu để nghiên cứu những giống cây, con chủ lực quốc gia để nông dân tham gia sản xuất. Về nông nghiệp công nghệ cao không chỉ các doanh nghiệp tham gia mà phải làm thế nào để nông dân tiếp cận được. Đề nghị vốn vay cho nông dân, nhất là khi khởi nghiệp phải thấp và ưu đãi nhất. Đồng thời những nơi xây dựng vùng nguyên liệu phải có kho bảo quản”, ông Môn nhấn mạnh.
Theo Phương Liên/ Baochinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn