Qua tìm hiểu thấy mô hình nuôi đà điểu dễ nuôi, cho hiệu quả kinh tế cao, trong khi đó trên địa bàn tỉnh có ít hộ nuôi, anh Trần Quang Ích ở xóm Hòa Tiến 2, xã Minh Tiến, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã mạnh dạn đầu tư nuôi. Bước đầu mô hình cho hiệu quả rất khả quan, mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế...
Anh Trần Quang Ích bên trang trại chăn nuôi đà điều của gia đình.
Năm 2016, anh Ích đến Trạm Nghiên cứu chăn nuôi đà điểu Ba Vì học hỏi kinh nghiệm nuôi đà điểu, nhận thấy đây là loài chim nuôi có tiềm năng lớn, phù hợp với điều kiện đất đai của gia đình mình. Anh Ích cải tạo lại trang trại của gia đình, xây dựng chuồng trại theo hướng dẫn. T
háng 5/2016, anh Ích mua 100 con đà điểu giống 01 tháng tuổi về nuôi thử với tổng chi phí 250 triệu đồng. Trong quá trình nuôi, anh Ích luôn tuân thủ đúng kỹ thuật. Khi đà điểu được 3 tháng tuổi, anh chọn lọc 10 con không đảm bảo tiêu chuẩn sinh sản để chuyển sang nuôi thịt. Năm 2017 anh Ích tiếp tục nhập 10 con đà điểu giống thương phẩm nuôi và giao cho một số hộ tại địa phương nuôi thịt.
Anh Ích cho biết, đà điểu dễ nuôi, lớn nhanh, ít dịch bệnh. Thức ăn chủ yếu là cỏ, lá cây, hạt ngũ cốc,…là những loại thức ăn sẵn có, dễ trồng, dễ mua tại địa phương. Gia đình anh cũng trồng trên 4.000 m2 cỏ voi và cỏ VA06 để chủ động cung cấp thức ăn cho đà điểu. Đà điểu rất thích chạy nên anh chia sân làm 8 dãy có chiều dài từ 80 – 100 m. Sân được rải cát vì đà điều có nguồn gốc từ sa mạc thường xuyên tắm cát giúp làm sạch cơ thể và loại bỏ các loại ký sinh trùng ngoài da. |
Anh Trần Quang Ích cho biết, đà điểu nuôi thịt khoảng 11 tháng đạt trọng lượng trên 100 kg. Hiện nay đà điểu có giá bán 90 - 110 nghìn đồng/kg hơi, 250 – 270 nghìn đồng/kg thịt. Với mỗi con đà điểu nếu bán hơi người chăn nuôi lãi khoảng 4 triệu đồng, bán thịt sẽ lãi 5 triệu đồng (năm 2016 và 2017 mỗi năm anh Ích thu lãi gần 50 triệu đồng từ nuôi đà điểu thịt).
“Lấy ngắn nuôi dài”, thu nhập từ chè, cá và đà điểu thịt anh Ích tập trung phát triển đà điểu sinh sản để sản xuất đà điểu giống nuôi thịt và cung cấp cho các hộ chăn nuôi tại địa phương. Khi đà điểu được 2 năm tuổi sẽ bắt đầu đẻ trứng, anh Ích đang chuẩn bị mua máy ấp để ấp trứng để sản xuất con giống.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, anh Ích còn luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ các hộ nông dân trong xã về kinh nghiệm về chăn nuôi đà điểu. Với cương vị là bí thư chi đoàn xóm Hòa Tiến 2, tháng 2 năm 2017 anh Ích mạnh dạn vận động 10 đoàn viên thanh niên trong xã cùng sở thích chăn nuôi thành lập Hợp tác xã Song Mã để tương trợ lẫn nhau trong sản xuất.
Trong năm 2018, Hợp tác xã Song Mã tiếp tục chọn lọc đàn đà điểu đạt tiêu chuẩn đưa vào nuôi sinh sản; có kế hoạch nhập tiếp 100 con đà điểu giống từ Trạm Nghiên cứu chăn nuôi đà điểu Ba Vì; đồng thời chuyển giao kỹ thuật nuôi đà điểu thịt thương phẩm tới các xã viên. Trang trại gia đình anh Ích sẽ là trung tâm với quy mô 120 – 150 đà điểu bố mẹ. Ngoài ra HTX còn tổ chức cho các thành viên chăn nuôi hươu, lợn rừng, gà, vịt và cá… HTX sẽ hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp con giống, thức ăn, thuốc thú y tới các xã viên và bao tiêu đầu ra.
HTX có kế hoạch thành lập các cửa hàng bán thực phẩm sạch tại huyện Đại Từ, thành phố Thái Nguyên; chủ động liên hệ với một số nhà hàng, nhà máy chế biến thực phẩm đông lạnh trong và ngoài tỉnh; tạo thành chuỗi cung cấp sản phẩm sạch, chất lượng ra thị trường, hướng tới xuất khẩu....
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn