Điển hình là hộ ông Lâm Quang Long (SN 1960, trú ấp Bình Tiến, xã Bình Châu), người nuôi số lượng nai lớn nhất vùng, đem lại hiệu quả kinh tế cao so với tất cả các vật nuôi khác tại địa phương.
Bỏ lợn nuôi nai
Từ năm 2012, ông Long, một người thợ điêu khắc, đã có cơ duyên đến với con nai. Ông tìm hiểu qua sách, báo, mạng internet và ra tận các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình để tìm hiểu các mô hình nuôi nai lấy nhung.
Nhung nai được gia đình ông Lâm Quang Long chế biến ngay tại chỗ. Ảnh: P.T
Theo ông Trần Văn Phương - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc, Hội luôn khuyến khích bà con nông dân sản xuất sản phẩm an toàn, chất lượng, kết nối các tour du lịch đưa khách về tham quan trang trại, vườn cây. Hội còn hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp giới thiệu tại hội chợ triển lãm trong thời gian diễn ra Festival Biển Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm quảng bá, kết nối cung cầu, giúp bà con mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập. |
Đầu năm 2013, ông gom được 200 triệu đồng để xây dựng chuồng trại và mua 5 con nai giống ở xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc.
“Tại thời điểm đó, một con nai trưởng thành cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng từ bán nhung. Nghe rất hấp dẫn nên tôi bàn với vợ bán hết lợn nái, lợn thịt và nhím đang nuôi, vay mượn thêm bạn bè để làm chuồng trại, mua nai về nuôi. Thời gian đầu, chưa có kinh nghiệm, nai èo uột, chậm lớn, thậm chí bị chết. Đến nay, việc nuôi nai của tôi đã thuận lợi hơn nhiều” - ông Long cho biết.
Sau nhiều năm nuôi nai, ông Long đã rút được kinh nghiệm chọn con giống: Nai đực dáng cao to cho nhung đẹp; nai cái sinh sản tốt. Đến nay, đàn nai nhà ông đã phát triển lên 16 con gồm 4 con nai cái sinh sản, 3 nai con và 9 con nai đực đang thu hoạch nhung.
Hiện cơ sở nuôi nai Ba Long đã gây dựng được thương hiệu, được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết, đến tham quan, mua các sản phẩm nhung nai. Mỗi năm, ông Long thu hoạch gần 30kg nhung nai. Với giá bán 14 triệu đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu hơn 350 triệu đồng.
Với những con nai cho nhung không đạt, ông Long sẽ bán thịt. Ngoài ra, nhằm đa dạng các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách, ông nuôi thêm chim trĩ, chim bồ câu, gà đông tảo… và liên kết với các hộ nông dân trong vùng.
Tương tự, với kinh nghiệm hơn 15 năm nuôi nai, anh Nguyễn Đức Trọng (trú ấp Phú Lộc, xã Hòa Hiệp) hiện có đàn nai 11 con gồm 5 con đang cho thu hoạch nhung, 3 con sinh sản và 3 nai con. Mỗi năm, anh cắt bán hơn 14kg nhung nai, thu về gần 200 triệu đồng.
Mô hình hiệu quả, xúc tiến mở rộng
Qua 5 năm nuôi nai, ông Long nhận thấy, nai dễ nuôi, lại cho hiệu quả kinh tế cao. Dự tính, cuối năm nay, ông sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại, phát triển thêm đàn.
Song song với việc nuôi nai lấy nhung, ông còn nhân giống bán. Vào tháng 7, ông đã bán 3 con nai giống (1 con đực, 2 con cái) với giá 65 triệu đồng. Mới đây, do nhu cầu khách hàng, ông cũng đã bán 1 con nai thịt nặng gần 100kg, với giá 300.000 đồng/kg.
Theo kinh nghiệm của ông Long, nai 2 năm tuổi bắt đầu cho thu hoạch khoảng 1kg nhung. Nai trưởng thành từ 5 - 6 năm tuổi, mỗi lần cắt được gần 2kg nhung, nếu chăm sóc tốt, mỗi năm có thể cho 2 lần cắt nhung.
Nhung tươi cắt xong đem chế biến thành phẩm ngay tại chỗ, trong lúc xay nhuyễn, cho thêm mật ong rừng, bột quế để tăng dưỡng chất, tạo hương vị đặc trưng riêng. Người mua chỉ việc đem về sử dụng, nấu cháo ăn hoặc ngâm rượu.
Theo Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc, hiện nay, trên địa bàn huyện có 12 hộ nuôi nai với tổng đàn hơn 60 con. Mô hình nuôi nai đã đem lại hiệu quả kinh tế cao so với bất kỳ vật nuôi nào khác tại địa phương. Bên cạnh hộ ông Long, anh Trọng, hộ ông Võ Huấn (xã Hòa Hiệp); ông Liệu, ông Hướng (xã Hòa Bình)… cũng có thêm thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ việc nuôi nai.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn