Khi ra Nha Trang, nghe ông bạn đồng nghiệp rủ đi xem lão nông Võ Ngọc Ân làm “trang trại” nuôi trăn trên sân thượng với 40m2 thu 200 triệu đồng/năm, tôi lao đi ngay lập tức.
Giã từ biển cả lên sân thượng… nuôi trăn
Dưới nắng chiều nhợt nhạt, gió biển lồng lộng, chúng tôi cho xe chạy dọc bờ biển Nha Trang tìm đến “trang trại” nuôi trăn của lão nông Ngọc Ân. Khoảng mươi phút sau, chiếc xe đỗ trước sân một khu nhà cao tầng khá cũ kỹ. Người bạn đồng nghiệp chỉ tay lên sân thượng ngôi nhà cao tầng: “Ông Ân nuôi trăn trên ấy”.
Ông Võ Ngọc Ân đang chăm sóc đàn trăn. Ảnh: T.Đ
Ông Ân cho biết, cứ vài tháng ông lại xuất bán vài chục con trăn, thương lái đến tận nhà thu mua. Mỗi năm ông thu nhập khoảng 200 triệu đồng từ việc bán trăn. Sắp tới ông sẽ cho mở rộng chuồng trại, tăng tổng đàn. |
Mặc dù ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông Ân vẫn cho thấy nội lực của một người từng là “đứa con của biển cả”. Dưới làn da bánh mật là một cơ thể săn chắc. Dẫn chúng tôi lên sân thượng, ông kể gia đình mấy đời làm nghề biển, từ đánh bắt khơi xa đến nuôi tôm, nuôi ốc… Khoảng chục năm trước, ông giã từ biển cả khi thua lỗ vụ tôm hùm hơn 2 tỷ đồng. “Cú sẩy chân đó quá nặng, làm cạn kiệt tài sản gia đình, Nó cũng giúp tôi nhận ra sức khỏe không cho phép bám biển, ra khơi nữa” - ông Ân chia sẻ.
Trăn trở nhiều đêm liền để tìm cuộc mưu sinh mới trên cạn vốn không phải sở trường đã làm ông Ân lao tâm khổ tứ. Mặc dù làm nghề biển đã lâu, nhưng tính thích đọc sách và tìm hiểu nên ông nhận thấy việc nuôi trăn có vẻ phù hợp với người cao tuổi và không chiếm nhiều diện tích. Bàn với gia đình, ông Ân quyết định “khởi nghiệp” với 4 con trăn khi đã bước qua tuổi 60.
Câu chuyện về “khởi nghiệp” nuôi trăn của ông Ân chỉ tạm dừng khi chúng tôi chạm mặt “trang trại”. Chỉ vào căn nhà lợp tôn tuềnh toàng khoảng vài chục mét vuông, ông cười nói: “Trang trại trăn của tôi đó”.
Gọi là trang trại nhưng thực chất chỉ là khoảng sân thượng gần 40m2. Bên trong căn nhà, ông Ân thiết kế thành 3 gian kệ. Mỗi gian cao ba tầng, mỗi tầng chứa nhiều thùng phi bằng nhựa được cưa đôi và khoan lỗ để nuôi nhốt trăn. Mỗi phi nhựa nuôi nhốt 1-2 con trăn, tùy kích thước. Theo ông Ân, nước tiểu trăn rất nóng nên ăn mòn sắt rất cao, do đó thay vì dùng lồng sắt, ông chế lồng nhựa có đế bằng gỗ để tăng độ bền cho chuồng khi nuôi trăn.
Lúc đầu, vì chưa có kinh nghiệm, cũng chưa thấy ai làm chuồng nuôi trăn, nên ông thiết kế chuồng bằng lồng sắt rồi thả giống vào nuôi. Sau một thời gian nuôi trăn, ông phát hiện lồng nuôi bằng sắt bị mục rất nhanh do nước tiểu của trăn. Sau bao đêm trằn trọc vắt óc tìm vật liệu chống ăn mòn, ông nghĩ đến mấy cái thùng nhựa dùng đựng nước. Thế là ông mua về chẻ đôi làm lồng nuôi trăn.
Cùng lúc, ông cũng nhận ra việc nuôi nhiều con giống trong cùng một chuồng khiến chúng chậm phát triển do tranh giành thức ăn của nhau. Cũng như việc cho ăn đại trà sẽ không kiểm soát được thời gian cung cấp thức ăn cho mỗi con. “Thế là tôi khắc phục bằng cách phân ra mỗi con một chuồng nuôi khác nhau và ghi chép cụ thể ngày tháng cho ăn của chuồng đó” - ông Ân chia sẻ.
Với cách nuôi của mình, ông Ân nhẩm tính, cứ mỗi 3-4kg mồi (chuột, đầu cổ gà công nghiệp) sẽ cho một kilôgram trăn thịt. Trung bình, 1-2 tuần ông cho trăn ăn một lần. Sau một năm nuôi nhốt, trăn giống sẽ đạt trọng lượng 5-10kg và có thể xuất bán. Riêng việc vệ sinh chuồng trại, ông tắm tưới, lau dọn mỗi ngày để tránh bệnh tật cho trăn và giữ môi trường sạch sẽ. Hiện, “trang trại” của ông Ân có hơn 100 con trăn.
Của để dành…
“Tôi bắt đầu nuôi trăn từ năm 2009. Thời điểm đó, Khánh Hòa chưa có ai nuôi nên không có người đi trước học hỏi kinh nghiệm. Từ 4 con trăn giống, tôi tìm tòi và thiết kế chuồng trại cho phù hợp. Hiện, “trang trại” của tôi có gần 100 con. Đây là một công việc thú vị với một người có tuổi như tôi” - ông Ân tâm sự.
Nói đoạn, ông nhón mở lồng. Một con trăn to đùng nghe tiếng động, bèn thò đầu ra khỏi chuồng, lè lưỡi thở phì phì khiến chúng tôi giật mình. Rất bình thản, ông Ân vuốt đầu nó, rồi cười hề hề: “Thấy vậy chứ nó hiền lắm, ăn no rồi nằm yên trong lồng. Chỉ lúc đói mới ló đầu đòi ăn”.
Đây là một trong những cặp trăn bố mẹ ông Ân đang nuôi để nhân giống. Nhằm tiết kiệm chi phí mua giống, ông Ân còn nuôi thêm 1 cặp trăn bố mẹ cho sinh sản. Ông Ân cho biết, thường thì trăn sẽ giao phối trong khoảng tháng 10-11 âm lịch. Sau khi giao phối, 4 tháng sau trăn cái đẻ từ 70-80 trứng và đạt tỷ lệ nở khoảng 60-80%.
Theo ông Ân, nuôi trăn không tốn nhiều công chăm sóc. Tiền thức ăn cũng không nhiều. Điều quan trọng trong việc nuôi trăn là con giống. Nếu con giống tốt việc nuôi nhốt sẽ đảm bảo trăn ít bệnh và tăng trường tốt. Ông Ân cho biết thêm, để nuôi trăn trong phố, ông phải xin giấy phép của cơ quan chức năng. Định kỳ, nhân viên kiểm lâm đến kiểm tra đánh giá chuồng trại, cách nuôi trăn của ông có đảm bảo các quy định chăn nuôi hay không.
Vài hôm trước khi chúng tôi đến thăm, ông Ân xuất bán một lứa trăn tổng trọng lượng hơn 300kg, với giá 300.000 đồng/kg trăn thương phẩm. Theo ông Ân, với những người muốn khởi nghiệp, trăn là con vật có thể làm giàu an toàn. Bước đầu chỉ đầu tư chuồng trại và con giống như ông chỉ mất vài chục triệu đồng. “Nuôi trăn rất an toàn và không tốn nhiều diện tích nên có thể nuôi được trong nội ô” - ông Ân khẳng định.
Theo ông Ân, so với cái nghề biển “hồn treo cột buồm”, nghề nuôi trăn kém nhọc nhằn gấp bội, lại thu nhập cũng chẳng kém là bao. Ông Ân cho biết, cứ vài tháng ông lại xuất bán vài chục con trăn, thương lái đến tận nhà thu mua. Mỗi năm ông thu nhập khoảng 200 triệu đồng từ việc bán trăn. Sắp tới ông sẽ cho mở rộng chuồng trại, tăng tổng đàn. “Nghề này không khó làm đâu. Làm cỡ như tôi, giàu thì không dám, nhưng cũng kiếm được đồng ra đồng vô, phụ giúp con cháu. Bây giờ ngày nào tôi không lên sân thượng để thăm lũ trăn là thấy khó chịu lắm. Với tôi, nuôi trăn ngoài là công việc còn là một thú vui của tuổi già” - ông tâm sự.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn