Những năm qua, thông qua các kênh tín dụng, trong đó có tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng CSXH, Hội Nông dân (ND) huyện Minh Hóa (Quảng Bình) đã tập trung hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập vươn lên khấm khá.
Quản lý tốt nguồn vốn
Hội ND Minh Hóa đã phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện thành lập 149 tổ Tiết kiệm và vay vốn (TKVV) với tổng dư nợ các chương trình tín dụng hiện đạt trên 150 tỷ đồng. Nguồn vốn này đang cho hơn 5.000 lượt hộ vay phát triển sản xuất, tạo việc làm, làm nhà, công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn...
Nhiều hộ vay vốn Ngân hàng CSXH trên địa bàn huyện miền núi Minh Hóa đầu tư nuôi ong lấy mật cho hiệu quả kinh tế cao. Có hộ doanh thu từ nuôi ong đạt hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Lâm An
Nguồn vốn ưu đãi từ các chương trình tín dụng Ngân hàng CSXH được quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả, giúp hội viên, nông dân có nguồn lực đầu tư sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Chị Hồ Thị Thanh (xã Trọng Hóa) cho biết: “Cách đây hơn 10 năm, tôi được Ngân hàng CSXH huyện cho vay 5 triệu đồng để thực hiện mô hình nuôi heo bản. Với số tiền vay được, ban đầu, tôi mua một con heo giống làm nái và 5 con lợn thịt…”. Sau đó, với những lứa lợn thắng lợi, chị Thanh mở rộng quy mô và đa dạng hóa loại hình chăn nuôi bằng việc mua bò giống về nuôi. Hàng năm, chị luôn duy trì được đàn bò trên 15 con và đàn lợn bản từ 20 đến 30 con. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình có thu nhập trên dưới 70 triệu đồng. Từ một hộ nghèo, gia đình chị đã vươn lên khấm khá.
Vốn giúp nông dân vươn lên làm giàu
Theo đại diện lãnh đạo Hội ND huyện Minh Hóa, mỗi năm, toàn huyện có trên 4.500 hộ nông dân đăng ký thi đua đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp (ND SXKD giỏi). Tất cả những hộ nông dân nêu trên đều được hỗ trợ ban đầu từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH và các “kênh” tín dụng thông qua Hội.
Nhờ vậy, đến nay, toàn huyện Minh Hóa đã có trên 1.300 hộ đạt danh hiệu ND SXKD giỏi các cấp; trong đó, có trên 105 hộ có thu nhập từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng/năm. Điển hình mô hình nuôi ong của hội viên Đinh Xuân Khách, xã Xuân Hóa; mô hình trang trại tổng hợp của hội viên Đinh Xuân Trung, xã Xuân Hóa; mô hình trồng cây ăn quả của hội viên Đinh Xuân Chiến, thị trấn Quy Đạt…
Bà Đinh Thị Kim Quý, Chủ tịch Hội ND huyện Minh Hóa cho biết, để giúp dòng vốn bền vừng, Hội sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời những tồn tại, thiếu sót trong quá trình thực hiện uỷ thác, bảo đảm an toàn và phát huy hiệu quả nguồn vốn vay chính sách. “Chúng tôi tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành, chính quyền địa phương khảo sát địa bàn cho vay, bảo đảm đúng đối tượng, tư vấn phương án sản xuất, kinh doanh, cách quản lý, sử dụng vốn vay”- bà Quý nói.
Cũng theo bà Quý, Hội ND huyện cũng sẽ tăng cường phối hợp tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật về phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, dịch bệnh cho đàn vật nuôi; thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt trao đổi kinh nghiệm, tham quan những mô hình sử dụng vốn có hiệu quả để hội viên, nông dân học hỏi…
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn