- Mặc dù vớt vát thu hoạch được một ít ớt giống Trung Quốc nhưng gia đình
ông Nguyễn Chương (Duy Xuyên, Quảng Nam) vẫn không thể bán - Ảnh: Đoàn Cường
Những ngày này, đi qua những cánh đồng bên dòng sông Thu Bồn đoạn qua hai xã Duy Trinh, Duy Châu (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) sẽ thấy nhiều ruộng ớt chết trắng hoặc cây đang héo hon khắp nơi.
Ông Nguyễn Chương (xã Duy Châu) là một trong những trường hợp ôm nợ, thất thu vì giống ớt Trung Quốc, kể lại: hồi tháng 9-2012, một số người đi mua ớt đến vùng này đã đưa ớt giống tới và phát miễn phí cho nhiều người dân. Những người này cũng hứa hẹn đến mùa sẽ mua ớt với giá cao hơn thị trường. Ớt giống được gói trong bao bì in toàn chữ Trung Quốc, trên bề mặt có hình chùm ớt xanh.
Dù không biết là giống gì nhưng ông Chương cũng như nhiều người dân khác ở Duy Châu bắt đầu ươm giống để trồng. Ban đầu ớt cũng phát triển bình thường, lá to. Tuy nhiên khi cao được khoảng 20cm cây bắt đầu có hiện tượng rụi lá, thối rễ và ớt gục chết hàng loạt. Một số cây ớt còn sống sót cho ra quả nhưng vì chiều cao hạn chế nên quả ớt chạm đất khiến ớt bị thối nát hết.
Tiếc của, ông Chương ra đồng vớt vát được vài ký ớt tươi hi vọng bán được đồng nào để gỡ gạc vốn. “Khi mang ớt về nhà, tư thương đến hỏi nghe ớt Trung Quốc thì nói không mua hoặc ép giá chỉ còn 3.000 đồng/kg” - ông Chương nói. Theo ông Chương, những năm trước vào mùa ớt gia đình ông thu từ 45-60 triệu đồng, nhưng năm nay... trắng tay.
Ông Chương chỉ là một trong hàng trăm nông dân ở hai huyện Duy Xuyên, Đại Lộc. Theo ông Thái Minh Thứ - phó ban nông nghiệp xã Duy Trinh (huyện Duy Xuyên), thống kê đến nay trên địa bàn xã có 15 hộ sử dụng giống ớt Trung Quốc gieo trồng trên diện tích khoảng 2ha. Trong đó, khoảng 30% cây bị chết hoàn toàn, một số bị bệnh hoặc quả sắp thu hoạch thì bị thối. Không chỉ vậy, năng suất giống ớt Trung Quốc này rất thấp. Mỗi sào thu hoạch được khoảng 800kg trong khi những loại ớt khác như Ấn Độ 138 năng suất đạt đến 1,5-1,7 tấn/sào.
Còn ông Lê Phước Hải - phó ban nông nghiệp xã Duy Châu - cho biết cây ớt là một thế mạnh về phát triển kinh tế nông nghiệp ở xã này vì hiệu quả kinh tế hơn hẳn cây lúa. Diện tích trồng ớt của Duy Châu lên đến 90ha, nhưng năm nay đã có 21 hộ trồng giống ớt Trung Quốc. Hậu quả là ớt chết hàng loạt, người dân ôm nợ vì cây ớt.
Ông Phạm Đình Xuân - phó Phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên - thừa nhận rất khó quản lý trong việc trao đổi giống vì nông dân thường lấy giống của tư thương nhập qua đường tiểu ngạch nên rủi ro rất cao.
ĐOÀN CƯỜNG
Theo tuoitre.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn