Ông Lê Quốc Thanh
Sờ đâu cũng tiến bộ, nhưng dân vẫn làm theo cách cũ
Thực tế đã có nhiều tiến bộ kỹ thuật khi đưa vào sản xuất liền gặp thất bại, vì sao vậy, thưa ông?
Trong sản xuất nông nghiệp, hiện nay tiến bộ kỹ thuật (TBKT) có nhiều nhưng tích hợp các TBKT riêng lẻ để trở thành một gói công nghệ hoàn thiện chuyển giao cho nông dân thì còn nhiều vấn đề cần xem xét và cải tiến.
Theo quan điểm của tôi, gói TBKT hoàn thiện cần tập hợp một cách hữu cơ các kỹ thuật riêng lẻ trong một chuỗi các kỹ thuật… Một số TBKT chuyển giao cho sản xuất của chúng ta hiện nay không thành công bởi vì chưa tập hợp đủ tiến bộ, chưa tích hợp thành gói công nghệ hoàn thiện đã đưa xuống cho dân.
Trong công nghiệp, công nghệ thường mang tính chất ổn định vì được kiểm tra, thử nghiệm ở hệ thống máy móc tương đối chính xác, ít phụ thuộc vào môi trường, chuyển giao, lắp đặt là vận hành được ngay.
Đối với sản xuất nông nghiệp lại khác, không phải chỉ cộng một cách cơ học một giống cây trồng mới, một loại phân bón mới, một chủng loại thuốc BVTV… là trở thành một công nghệ sản xuất mới vì phụ thuộc nhiều vào yếu tố môi trường.
Chúng ta, sờ vào đâu cũng thấy TBKT cả nhưng cuối cùng nông dân vẫn sử dụng theo cách của họ.
Ví dụ có nhiều giống được công nhận chứng minh có năng suất, chất lượng tốt hơn những đối chứng như Khang Dân, Q5, Bắc Thơm số 7 nhưng bao nhiêu năm nay chưa có giống nào đạt được diện tích trong sản xuất như các giống đó.
Tại sao lại có chuyện đó?
Muốn một giống được phát huy phải làm tốt các khâu như quy trình chăm sóc, bón phân, thị trường tiêu thụ… Và điều quan trọng cuối cùng là người nông dân hiểu và chấp nhận nó.
Ví dụ giống lúa LT2 là giống có chất lượng gạo rất ngon, khi đưa vào sản xuất tại huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, lãnh đạo huyện ăn cơm thấy ngon, quyết định hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình 5,0 ha.
Lúa LT2 sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất cao, gạo ngon, tuy nhiên năm sau các đồng chí lãnh đạo huyện bảo: “Anh ơi, bây giờ dân không sản xuất LT2 nữa vì làm ra không bán được”.
Vấn đề là ở chỗ, không bán được không phải vì gạo kém mà bởi thị trường trong tỉnh trước đây chưa có thứ ấy. Tôi đã khuyên thương lái mua lại toàn bộ sản phẩm gạo LT2 bán cho thị trấn, cho các phòng, ban trong huyện ăn họ đều nói chưa có gạo nào ngon thế.
Sang năm huyện lại chỉ đạo xây dựng mô hình và hiện địa phương đã có trên 500 ha LT2. Ở đó đã hình thành kênh tiêu thụ sản phẩm gạo LT2, họ đưa gạo vào trong miền Trung bán và chở những gạo chất lượng trung bình cung cấp lại cho các thị trường có yêu cầu chất lượng thấp hơn.
Tham quan giống lúa chất lượng tại Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông
Mong có những mô hình mẫu
Ông có thể nói một chút về vai trò của người làm chuyển giao công nghệ?
Vai trò của người làm công tác chuyển giao công nghệ, TBKT là phải biết cách tích hợp những tiến bộ mới thành một gói công nghệ hoàn chỉnh, chứ không dựa hoàn toàn vào từng tiến bộ kỹ thuật gốc để chuyển giao tới từng vùng sinh thái.
Nhiều người hỏi tại sao giống A, giống B khuyến cáo tốt thế mà dân không dùng. Chúng ta không hiểu hết nông dân, lựa chọn thông minh nhất là họ.
Chúng ta không cung cấp cho họ đủ dữ liệu để người ta lựa chọn. Không ai giới thiệu cho nông dân làm thế nào để có một công nghệ, một chuỗi sản phẩm đến giá trị cuối cùng thì cần phải làm gì. Nông dân chỉ biết một khúc, họ làm theo khúc ấy thì chắc chắn sẽ không đi đến cái như mình mong muốn.
Dù chúng ta đã cố gắng lắm, rất nhiều người đam mê nhưng đội ngũ làm chuyển giao công nghệ của chúng ta hiện thiếu và tính chuyên nghiệp không cao.
Như bản thân chúng tôi xuất phát từ những chuyên môn khác nhau. Cần phải đào tạo, tăng cường cho đội ngũ này… Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam với 18 đơn vị thành viên, nếu đơn vị nào làm được tất cả nhiệm vụ đưa sản phẩm ra được sản xuất thì chắc khó. Chúng tôi đủ sức làm điều đó.
Là viện đầu ngành thì phải đi theo tái cơ cấu, phải xác định những công trình nghiên cứu chủ lực để phục vụ cho nó chứ không làm riêng nữa.
"Người chuyển giao là cầu nối thực giữa khoa học và thực tế sản xuất, là đầu mối liên kết các nhà và bao giờ cũng nhận thông tin từ hai chiều. Họ là người công bằng nhất, vô tư nhất trong đánh giá các tiến bộ kỹ thuật. Việc đó sẽ định hướng cho các sản phẩm nghiên cứu khoa học có giá trị thực tiễn, đồng thời hạn chế những sản phẩm nghiên cứu không phù hợp",ông Lê Quốc Thanh. |
Mong muốn của tôi là có được những mô hình mẫu, tích hợp tiến bộ mới nhất, thể hiện được sức mạnh của viện với từng vùng sinh thái. Chỉ như vậy mới lôi kéo được doanh nghiệp, mới hấp dẫn được sản xuất, mới kêu gọi được đầu tư.
Các nhà nghiên cứu nên đưa các công nghệ, sản phẩm của mình góp phần vào cho hoạt động chuyển giao, bởi qua chuyển giao người ta chỉ làm tốt hơn cho sản phẩm của các nhà khoa học, chứ không nên lo sợ mất bản quyền và quyền lợi.
Cụ thể đơn vị ông đang làm những cái gì?
Chúng tôi đang làm chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, đang có những mô hình lớn tại ĐBSCL mà tích hợp được trí tuệ của các nhà khoa học, công nghệ mới nhất và thậm chí kinh nghiệm sản xuất của địa phương và doanh nghiệp.
Các mô hình đó hiện tương đối thành công. Chúng tôi đang triển khai mô hình nâng cao năng suất, hiệu quả của ngô đông ở đồng bằng sông Hồng cũng với hình thức như vậy. Phải có yếu tố mới trong công nghệ, phải có kinh nghiệm của nông dân, phải có đầu tư của doanh nghiệp, phải có quản lý nhà nước trong đó.
Tính chất vùng, miền trong sản xuất nông nghiệp là vô cùng quan trọng, tổ chức triển khai mô hình cánh đồng mẫu ở trong ĐBSCL tương đối dễ, số lượng người tham gia ít, cánh đồng rộng, điều kiện đồng đều.
Nhưng câu chuyện đó ở đồng bằng sông Hồng, mô hình 50 ha thôi là phải có trên 600 hộ gia đình, với trên 1.000 lao động tham gia, vô cùng khó. Nên chăng chúng ta từng bước làm, trước mắt nên dùng cánh đồng một giống để theo một quy trình, một chế độ bón phân, chăm sóc…
Về chuyển đổi, cây trồng chỉ là những thứ được sắp đặt trên điều kiện hạ tầng. Chúng ta lựa chọn cây trồng theo thị trường. Muốn làm được việc ấy thì hạ tầng phải thông minh hơn.
Ví dụ đang thừa lúa thiếu ngô thì chuyển sang ngô. Nhưng hạ tầng ấy có đủ điều kiện chuyển cho ngô không? Trước đây chúng ta làm hệ thống thủy lợi cho sản xuất lúa chứ có phải cho ngô đâu?
Công cụ và kinh nghiệm sản xuất ở khu vực ấy cũng chỉ cho lúa thôi. Kỹ thuật trồng trọt là phần không đáng phải bàn nhiều, nhưng phần tổ chức và hạ tầng là câu chuyện rất lớn. Nếu nơi nào quy hoạch, điều hành, tổ chức tốt thì chuyển đổi không có gì quá khó khăn.
Thời HTX trước đây có hẳn đội sản xuất giống. Kỹ năng ngâm ủ rất tốt như ba sôi, hai lạnh, thuốc nấm nhưng giờ hầu như là nông dân tự làm. Bởi thế, có giống tốt nhưng chưa chắc đã có cây tốt. Vậy nên có những nhóm hộ gia đình chuyên sản xuất giống để thực hiện điều đó.
Hiện nay đang manh nha công nghiệp hóa sản xuất bầu ngô để phục vụ cho ngô đông ở đồng bằng sông Hồng còn ở lúa sẽ là mạ khay, máy cấy. Chúng tôi sẵn sàng làm dịch vụ cung cấp gói quy trình, công nghệ sản xuất những thứ ấy.
Xin cảm ơn ông!
DƯƠNG ĐÌNH TƯỜNG
Theo: nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn