Còn nhớ năm 2017, nông dân Phú Bình thắng lớn nhờ ớt khi giá từ 20.000 đồng/kg bỗng “phi mã” tăng vùn vụt, đạt 50.000 – 60.000 đồng/kg, lúc cao điểm lên tới hơn 90.000 đồng/kg. Chỉ cần trồng vài sào ớt là bà con có thu vài triệu đồng/ngày nên ai cũng ham.
Ớt giảm giá, nông dân chả buồn hái vì thu không đủ chi.
Đây là lý do khiến diện tích ớt sau đó tăng chóng mặt. Ngay sau vụ ớt 2017, ông Nguyễn Văn Chất, ở xã Thanh Ninh, một trong những người đầu tiên trồng ớt ở Phú Bình đã xuất 12 vạn cây ớt giống cho bà con trồng vụ mới, diện tích ớt ở Thanh Ninh vụ tiếp theo đã tăng gấp rưỡi mùa trước.
Tương tự, tại xã Tân Đức, bên cạnh diện tích cây hoa màu thì diện tích ớt năm 2017 đã chiếm tới hơn 40ha, trong đó có 20ha được Công ty TNHH Kibaco (trụ sở ở Quế Võ, Bắc Ninh) ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm ớt của bà con.
Hiện, giá ớt giảm đáng kể, chỉ còn 1/4 so với năm 2017.
Khi còn thịnh, nhiều chỗ đất trước đây bỏ hoang nông dân xã Tân Đức đều tận dụng triệt để để trồng ớt. Có gia đình còn sẵn sàng đổi ruộng cấy lúa lấy ruộng chân vàn để trồng ớt. Và ngay sau vụ mùa thắng lợi của năm 2017, xã Tân Đức lên kế hoạch mở rộng diện tích cây ớt.
Khi còn thịnh, ai cũnh thấy cây ớt dễ trồng, nhanh thu hoạch, ít bị sâu bệnh, chịu hạn tốt; lại giải quyết được việc làm, tận dụng được thời gian nông nhàn của nông dân. Và chỉ cần bán được với giá 15.000 – 25.000 đồng/kg là nông dân có lãi khá, trên dưới 20 triệu đồng/sào.
Ớt nay có thêm vị đắng. Ảnh: IT.
Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang” khi mấy ngày gần đây, giá ớt liên tục xuống dốc không phanh. Anh Dương Văn Dương, cán bộ Trạm Khuyến nông thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên) cho biết, gia đình anh ở xóm Núi, xã Xuân Phương (huyện Phú Bình) có 0,5ha ớt, vài tuần trước, giá ớt từ các tỉnh Tây Nguyên ra miền Bắc còn đạt 13.000 – 15.000 đồng/kg, sau cứ giảm dần, xuống mức 7.000 – 8.000 đồng/kg (loại đẹp), còn ớt xấu chỉ có giá 5.000 – 6.000 đồng/kg, và hiện chỉ còn 5.000 đồng/kg với ớt đẹp, loại 1. Theo anh Dương, với mức giá này, nông dân lỗ nặng khi công thu hái đã lên đến 3.000 – 4.000 đồng/kg.
“Nhìn ớt chín đỏ đồng, tiếc quá nên tôi thuê người thu hái, chứ nếu giá vẫn tiếp tục xuống thì chắc đành để cho ớt rụng ngoài vườn, vì càng hái càng lỗ”, anh Dương ngán ngẩm nói.
Điều đáng nói là, nhiều nông dân phá vỡ hợp đồng với doanh nghiệp, bán ra ngoài cho thương lái khi giá ớt cao nên năm nay không có doanh nghiệp nào thu mua.
Cũng theo anh Dương, hiện trên địa bàn Thái Nguyên, Bắc Giang, diện tích trồng ớt tương đối lớn, lên đến hàng nghìn hecta. Điều đáng nói là, việc tiêu thụ vẫn chủ yếu phụ thuộc vào thương lái và thị trường vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc và chỉ xuất khẩu qua đường tiểu ngạch nên đầu ra vô cùng bấp bênh.
“Trước cũng đã có những doanh nghiệp ký bao tiêu sản phẩm cho nông dân nhưng do bà con hay phá vỡ hợp đồng, lúc đắt bán ra ngoài, lúc rẻ mới kêu doanh nghiệp nên không còn ai cam kết bao tiêu sản phẩm”, anh Dương cho biết thêm.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn