Để ngành nông nghiệp phát triển bền vững thì công tác quy hoạch sản xuất phải gắn với thị trường tiêu thụ, lựa chọn các sản phẩm đặc thù, liên kết với các vùng khác, tạo điều kiện cho nông ngư dân yên tâm sản xuất theo quy hoạch, tránh rủi ro.
Liên tục mấy năm qua, nông dân nuôi cá tra và tôm ở ĐBSCL gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh và giá cả bấp bênh. Những tháng đầu năm 2014, hai mặt hàng thủy sản chủ lực này luôn hút hàng, giá tăng mạnh, nguồn cung không đủ.
Tuy nhiên, việc “phát triển nóng” đã lập tức kéo giá tôm thẻ rớt xuống nhanh chóng. Hiện giá tôm thẻ chân trắng chỉ còn từ 92.000 - 97.000 đồng/kg (loại 60 - 80 con/kg). Giá cá tra nguyên liệu đang sụt giảm mạnh xuống mức 22.000 - 23.000 đồng/kg. Đây là mức giá mà người nuôi cá chỉ có thể từ lỗ đến hòa vốn.
Vòng luẩn quẩn
"Để ngành nông nghiệp phát triển bền vững thì công tác quy hoạch sản xuất phải gắn với thị trường tiêu thụ và được tiến hành trước hết ở cấp độ quốc gia, trên cơ sở đó các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất và tiêu thụ cho mình, lựa chọn các sản phẩm đặc thù, liên kết với các vùng khác, tạo điều kiện cho nông - ngư dân yên tâm sản xuất theo quy hoạch, tránh rủi ro" Tiến sĩ Hồ Văn Hoành Phó chủ tịch Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực - nhân tài VN
Lúc thua lỗ thì dẹp bỏ, lúc được giá thì đổ xô vào nuôi trồng, lại rớt giá. Đó là vòng luẩn quẩn nhiều năm nay mà nông dân VN phải chung sống.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, phân tích: “Tốc độ mở rộng đàn vật nuôi trong vài tháng gần đây đã tăng rất nhanh. So với hồi đầu năm, tổng đàn heo đã tăng tới gần 20%, từ 1,2 triệu lên 1,4 triệu con. Đầu năm người chăn nuôi có lãi đến hơn 1 triệu đồng trên mỗi con heo bán ra nhưng với giá heo giống mới là 2,2 - 2,4 triệu đồng/con, ngay cả trong trường hợp giá cám giữ nguyên thì không có gì đảm bảo giá heo sẽ cao mãi như hiện nay. Khi đó người đầu tư heo bây giờ sẽ không có lời mà còn lỗ ở khoản tiền công, khấu hao”. Ông Công cho biết, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đã khuyến cáo người dân bình tĩnh và thận trọng trong đầu tư mở rộng chăn nuôi, nếu không sẽ dẫn tới nguồn cung dư thừa, giá bán giảm và lại thua lỗ như năm 2013 và đầu năm 2014. “Nhưng người chăn nuôi chỉ biết có lợi là làm, đâu có gì ràng buộc được họ”, ông Công nhìn nhận.
Trao đổi với Thanh Niên về thực trạng bấp bênh của ngành cá tra, ông Dương Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty CP Hùng Vương, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN, cũng trăn trở: “Chúng ta phải chấp nhận một thực tế là nông dân VN hiện nay luôn chạy theo thị trường, luôn tự phát, cái gì có lời là người ta làm, lỗ thì chặt bỏ. Mà đầu tư tự phát thì phá vỡ phát triển bền vững. Như năm ngoái ai nuôi tôm đều có lãi đến 150.000 đồng/kg, nên năm nay ai cũng nuôi tôm hết. Đến hôm nay là không còn lãi nữa. Có cảnh báo kiểu gì người ta cũng không nghe. Ngành cá tra cũng vậy, nếu quy hoạch được thì tốt nhất, nhưng chúng ta đã phá vỡ quy hoạch từ năm 2008 rồi, bây giờ cải tổ lại rất khó. Chúng ta đã khuyến khích người dân đầu tư tiền bạc rất lớn vào đó, giờ kêu họ ngưng thì ai mà chịu. Người dân thua lỗ nhưng khi thị trường có nhu cầu thì họ lại đổ tiền vào nuôi. Một số hội cá tra ở địa phương đang bị nông dân phản ứng về chuyện quy hoạch lại”.
Quy hoạch sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ
Tại Tây Ninh, nghịch lý kéo dài nhiều năm qua là việc tiêu thụ nông sản của bà con nông dân hoàn toàn lệ thuộc vào thương lái. Thậm chí, người nông dân với tư cách chủ hàng cũng chấp nhận “bán hàng trước, thỏa thuận giá sau”. Để phá vỡ nghịch lý này, mới đây, UBND tỉnh Tây Ninh đã có công văn chỉ đạo Hội Nông dân và Sở Công thương đưa sản phẩm rau màu của nông dân vào siêu thị như một cách bao tiêu đầu ra, giải quyết khó khăn trước mắt cho nông dân. Dự kiến trong năm nay, sẽ có 2 đơn vị là P.Ninh Thạnh (TP.Tây Ninh) và ấp Sân Cu (xã Long Thành Bắc, H.Hòa Thành) có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP để đưa vào Co.opMart Tây Ninh.
Ở góc độ vĩ mô, tiến sĩ Hồ Văn Hoành, Phó chủ tịch Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực - nhân tài VN, cho rằng để ngành nông nghiệp phát triển bền vững thì công tác quy hoạch sản xuất phải gắn với thị trường tiêu thụ và được tiến hành trước hết ở cấp độ quốc gia, trên cơ sở đó các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất và tiêu thụ cho mình, lựa chọn các sản phẩm đặc thù, liên kết với các vùng khác, tạo điều kiện cho nông - ngư dân yên tâm sản xuất theo quy hoạch, tránh rủi ro. Công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ cần tập trung vào các đối tượng cây trồng, vật nuôi nhằm mục đích rải vụ, giảm tổn thất do thu hoạch dồn dập, tiêu thụ không kịp thời.
Ngoài ra, theo tiến sĩ Hoành, cần tăng cường củng cố các hiệp hội hiện có; đồng thời phát triển thêm các hiệp hội mới theo các ngành hàng. “Đây chính là tổ chức giúp cho nông - ngư dân tìm kiếm các đối tác và các thị trường tin cậy, hướng dẫn ký kết hợp đồng tiêu thụ, đồng thời cũng là đại diện cho nông - ngư dân đàm phán, chống các rào cản thương mại, phối hợp với các ngành các cấp ngăn chặn thương lái việc ép phẩm cấp sản phẩm, ép giá”, tiến sĩ Hoành nhấn mạnh.
Việt Nam vào vòng ngắm của các tập đoàn đa quốc gia
Hãng tư vấn Frontier Strategy Group (FSG - Mỹ) ngày 8.6 đã công bố Việt Nam là một trong 3 nước được các tập đoàn đa quốc gia của châu Âu và Mỹ quan tâm đầu tư nhất tại các thị trường mới nổi có quy mô nhỏ. Theo đó, chỉ số cảm tình thị trường biên (Frontier markets sentiment index) được FSG thực hiện trên cơ sở lấy ý kiến khoảng 200 tập đoàn đa quốc gia là khách hàng của hãng này. Trong top 20 quốc gia, Việt Nam xếp thứ ba, đạt 24,72% mức độ quan tâm của nhà đầu tư trong thời gian tới, sau Nigeria (29,57%) và Argentina (25,54%). Ng.Nga
Quang Thuần - Giang Phương/ Báo Thanh Niên
Theo tintucnongnghiep.com