Đến từ tỉnh Quảng Ninh, đại biểu (ĐB) Trần Văn Minh thẳng thắn: đọc báo cáo của Chính phủ về việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và những biện pháp tháo gỡ của Chính phủ nhưng nói thật, tôi e rằng sẽ khó có thể giúp cho doanh nghiệp (DN) thoát được những khó khăn trong việc tiếp cận vốn ưu đãi từ ngân hàng, trong việc không thể lưu thông được nguồn hàng. Theo ĐB Minh, chỉ khi nào hàng tồn kho được giải phóng, DN mới phục hồi phát triển. Nó đồng nghĩa với việc lúc này Chính phủ cần có chính sách tài khóa, vực nền kinh tế bằng những giải pháp đặc biệt.
ĐB Minh đưa một dẫn chứng cụ thể mà cá nhân ông rất thán phục: “Nhiều nước trên thế giới ngạc nhiên và thán phục bởi sự phục hồi nền kinh tế của Nhật Bản trong những tháng vừa qua. Tất cả bởi họ có nhiều chính sách tiền tệ khá tốt, tăng đầu tư công và những chính sách tiền tệ ưu đãi dành cho doanh nghiệp”.
Chủ tịch nước thăm mô hình trồng hoa tại xã Tây Tựu
ĐB Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) thì nhận xét: Cách làm của Chính phủ quá chậm, thậm chí chủ quan khi cho phép đấu thầu quản lý giá vàng, để các tập đoàn, tổng công ty tự tái cấu trúc. Tại sao không có một cơ quan có thẩm quyền lập đề án trình Chính phủ quyết định, rồi chỉ đạo các DN làm theo. Tiền thì của Nhà nước, đưa DN kinh doanh. Lãi thì DN nhận, lỗ chuyển cho Nhà nước. Đấy có phải là sự công bằng không? Trong khi những đầu tư thiết yếu bị bỏ qua như đầu tư hạ tầng cơ sở, đường sá để tránh ùn tắc giao thông.
Dưới góc độ cá nhân, ĐB Tuân cho rằng, không chỉ có nền kinh tế đang gặp khó khăn, mà xã hội cũng có sự đảo lộn trật tự về luân lý đạo đức khi con giết cha, vợ không ngại giết chồng. Rồi cả những quy định vô lý như phạt người đội mũ giả, đi xe không chính chủ hay bồi thường đất đai không hợp lý khiến người dân bức xúc, không thể chấp nhận… Theo ĐB Tuân, nguyên nhân xuất phát từ việc trách nhiệm của Chính phủ, các bộ ngành quản lý, ban hành văn bản chưa rõ ràng. Theo ĐB Tuân, chỉ khi nào các bộ trưởng, thành viên của Chính phủ nếu để một quy định, nghị định (kể cả nhỏ thôi) không thực hiện được phải chịu trách nhiệm, nhận lỗi trước Chính phủ thì mới hạn chế dần những bất cập đang gây bức xúc cho nhân dân.
ĐB Lê Văn Học (Lâm Đồng) nhận xét: Báo cáo lần này của Chính phủ chưa thể hiện rõ những nguyên nhân, yếu kém năm 2012 và vẫn còn mờ nhạt đối với những vấn đề đang gây bức xúc trong nhân dân thời gian qua. ĐB này dẫn giải cụ thể bằng hàng loạt vấn đề như: Sự chênh lệch giá vàng vừa qua khiến nhà giàu càng giàu hơn, người nghèo càng nghèo đi; vấn đề khoáng sản bauxite ở Tây Nguyên, thị trường bất động sản với gói hơn 30.000 tỷ của Chính phủ; nạn cờ bạc nở rộ ở nhiều nơi, thậm chí toàn đối tượng có học như trong TP.HCM; nạn cướp giật ngày càng gia tăng, táo tợn...
Đặc biệt là vấn đề xây dựng nông thôn mới rất quan trọng, thế nhưng báo cáo lần này lại không dòng nào liệt kê có bao nhiêu xã đã xây dựng được? Khó khăn nào mà người dân đang mắc phải? Chính phủ đã bỏ ra hàng tỷ USD với mục tiêu đào tạo cho 1 triệu lao động nông thôn/năm có việc làm, đã thực hiện đến đâu rồi?... Đây là những việc đáng làm mà Chính phủ cần có câu trả lời sớm cho người dân ngay trong kỳ họp này.
“Theo tôi, chúng ta đừng bao giờ nghe nhân viên báo cáo mà hãy đến tận nơi để xem bức xúc của nhân dân có đúng không để có giải pháp giải quyết nhanh nhất. Đặc biệt, chủ trương đúng nhưng nếu không làm đúng đường lối thì chắc chắn không thực hiện được” - ĐB Học kiến nghị.
Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia: Phải tiếp tục giảm lãi suất cho vay
Theo ông Ngoạn, chỉ số CPI 3 tháng đầu năm tăng thấp phản ánh đúng thực trạng của nền kinh tế và không nằm ngoài dự kiến của nhiều chuyên gia. Bởi vì tổng cầu của nền kinh tế thấp, cầu đầu tư thấp, cầu tiêu dùng thấp…
Vậy, ông dự báo sao về sự phát triển của nền kinh tế trong những tháng tới?
Tôi cho rằng, trong tháng tới đây, CPI tiếp tục diễn biến ở mức thấp, không tăng cao được. Nguyên nhân bởi khi nhìn vào tổng cầu thấy rất rõ, tháng tới đây cũng chưa có yếu tố làm tăng cầu một cách mạnh mẽ được dù có được cải thiện. Ngay cả giá hàng hóa trên thế giới mấy tháng tới vẫn được dự báo là thấp nên càng không tác động đến giá cả hàng hóa của Việt Nam.
Một số ý kiến cho rằng, không giải quyết vấn đề tồn kho, nợ xấu thì có hạ lãi suất doanh nghiệp cũng không dám vay để đầu tư, ông nghĩ sao về việc này?
Cái đó đúng một phần thôi, bởi hiện nay chúng ta xác định không ít doanh nghiệp được vay lãi suất 0% cũng không vay bởi họ có sản xuất, tiêu thụ được sản phẩm đâu.
Theo ông, Chính phủ cần có giải pháp mang tính đột phá gì nhằm khôi phục nền kinh tế từ nay tới cuối năm?
Tôi cho rằng năm 2013 cần quan tâm đặc biệt 5 giải pháp sau: giảm lãi suất cho vay; khai thác mọi nguồn vốn đầu tư để đảm bảo mức tổng vốn đầu tư toàn xã hội ở mức tương đương 30% GDP như mục tiêu đề ra; tăng cường tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước; đẩy nhanh triển khai xử lý nợ xấu gắn liền với tái cơ cấu các tổ chức tín dụng; đẩy mạnh triển khai trên thực tế tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên, đây sẽ là bài toán khó bởi vì dư địa chính sách của chúng ta rất hẹp, nợ công khống chế trần, cân đối ngân sách đang rất khó khăn. Thêm nữa, tín dụng đang ở mức tăng trưởng rất thấp nên ảnh hưởng toàn bộ tổng vốn đầu tư của xã hội. Thêm vào đó, chính sách tín dụng phải có bước đột phá bằng cách tiếp tục giảm lãi suất để khuyến khích cho DN tiếp cận vốn ngân hàng để đầu tư vào sản xuất.
Xin cảm ơn ông!
Theo NNVN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn