Trang trại rau hữu cơ. Ảnh: H.Chung/TTXVN
Đây là lần đầu tiên nội dung này được tổ chức tại Việt Nam nhằm hưởng ứng Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh Chính quyền địa phương châu Á về Nông nghiệp hữu cơ. Đại diện lãnh đạo các Bộ, ban ngành Trung ương và 19 tỉnh phía Bắc đã tham dự chương trình.
Phát biểu tại lễ phát động, ông Hà Phúc Mịch-Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho biết, ở nước ta, từ những năm 60 trở về trước đều sử dụng hình thức sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Theo quy luật phát triển về dân số và các cuộc cách mạng công nghiệp, nền sản xuất nông nghiệp hơn nửa thế kỷ qua chỉ tập trung sử dụng các nguyên liệu đầu vào hóa chất tổng hợp, dẫn đến mặt trái của sản xuất nông nghiệp, đó là đất bị thoái hóa nghiêm trọng, môi trường ô nhiễm, gia tăng nguy cơ không an toan cho cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng... Chính vì vậy, việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ mang lại hiệu quả cho đơn vị sản xuất, mà còn phát huy giá trị nhân văn, đóng góp cho nền kinh tế phát triển xanh, bền vững, để lại cho thế hệ mai sau một trái đất xanh, sạch, đầy sức sống…
Năm 1998, Hội Làm vườn Việt Nam cùng Tổ chức ORION (Thụy Điển) và Tổ chức CIDSE đã thực hiện mô hình sản xuất chè hữu cơ tại xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Đây cũng là mô hình sản xuất hữu cơ sớm nhất của Việt Nam. Từ đó đến nay, cả nước đã có 30 tỉnh, thành phố có mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tốc độ tăng trưởng nhanh cả về quy mô, sản lượng, giá trị và chủng loại sản phẩm hữu cơ. Diện tích đất canh tác nông nghiệp hữu cơ ngày càng cao với gần 80.000ha. Nhiều đơn vị, cá nhân và các địa phương đã có nhận thức đúng đắn về vai trò bảo vệ môi trường sinh thái, sức khỏe, hiệu quả sản xuất của nông nghiệp hữu cơ, phù hợp với xu thế tất yếu của các nước phát triển trên thế giới.
Tuy nhiên, trong điều kiện nước ta hiện nay, sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng gặp phải không ít khó khăn, thách thức về an ninh lương thực, sự phức tạp về quá trình sản xuất và giám sát, quản lý, quy mô hiệu quả sản xuất, môi trường… Việt Nam là một nước nông nghiệp, diện tích đất nông nghiệp trên đầu người chỉ bằng 8,7% trung bình của thế giới. Để đảm bảo an ninh lương thực, Việt Nam chỉ có một con đường duy nhất là tăng năng suất, mà muốn tăng năng suất thì chỉ có con đường hóa học hóa. Đây là một thách thức trong phát triển nông nghiệp hữu cơ không chỉ đối với Việt Nam mà với cả các nước đang phát triển trên thế giới. Quy trình sản xuất khắt khe, cần thời gian khá dài để cải tạo đất, tạo nguồn nước tưới đáp ứng yêu cầu về chất lượng nên chi phí sản xuất cao. Bên cạnh đó, phần lớn các doanh nghiệp và hộ sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn nhỏ lẻ, chủ yếu dựa vào các dự án hỗ trợ…
Tại lễ phát động, đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp đã và đang đầu tư thành công sản xuất theo hướng hữu cơ cũng đã tham luận chia sẻ về các khó khăn, kinh nghiệm, phương thức trong sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ. Các đại biểu cũng đồng tình cần xây dựng một nền sản xuất nông Việt Nam an toàn, phát triển ổn định, đáp ứng nhu cầu tăng năng xuất, sản lượng, đồng thời cũng vừa đảm bảo môi trường sạch sẽ, giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu,…
Để sản xuất nông nghiệp hữu cơ phát triển tất yếu và bền vững, tại lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đã đề nghị các tỉnh, thành phố cần có kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ tại mỗi địa phương, trong đó chú ý đến quy hoạch xác định vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư. Mỗi địa phương, đơn vị, hộ dân cần thực hiện đầy đủ các chính sách của nhà nước về phát triển nông nghiệp hữu cơ; cú trọng thực hiện theo Tiêu chuẩn sản xuất, chế biến sản phẩm hữu cơ; lồng ghép có kết quả các chương trình phát triển kinh tế xã hội như Chương trình xây dựng nông thôn mới, Xóa đói giảm nghèo bền vững… để phát triển nông nghiệp hữu cơ. Cùng với đó, mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ, xây dựng chính sách và xúc tiến thương mại để phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hữu cơ./.
Theo bnews.vn