Vốn xã hội như là một “chất liệu mới” và quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam hiện nay. Nguồn: internet
Đến cuối năm 2011 trên cả nước có 1,2% xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí; 3,3% xã đạt từ 12 - 14 tiêu chí; 13% xã đạt từ 8 - 9 tiêu chí; 22% xã đạt từ 5 - 7 tiêu chí; 32,3% xã đạt từ 3 - 5 tiêu chí; còn 28,2% số xã đạt dưới 3 tiêu chí(1). Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, từng bước đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng và điều kiện phát triển của khu vực tam nông, song vẫn còn nhiều vấn đề nan giải. Một trong những bất cập đó là chưa thực sự nhận thấy hết tầm quan trọng và có giải pháp phù hợp của các cơ chế xã hội ở nông thôn Việt Nam trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Chẳng hạn, làm sao người nông dân thực sự đóng vai trò chủ thể quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới?...
Xác định vốn xã hội như là một “chất liệu mới” và quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam hiện nay, bài này bước đầu nhận diện mối liên hệ và phân tích sự cần thiết phải phát huy vốn xã hội trong quá trình xây dựng nông thôn mới; đề cập vốn xã hội ở ba khía cạnh: niềm tin; giá trị và chuẩn mực; liên kết và mạng lưới xã hội.
Nhận diện các thành tố của vốn xã hội trong quá trình xây dựng nông thôn mới
Niềm tin trong xây dựng nông thôn mới
Xây dựng nông thôn mới theo 19 tiêu chí mà Chính phủ xác định trước hết chính là một quá trình phổ biến và xây dựng niềm tin cho người dân nông thôn về nhu cầu, khả năng, cách thức và mục tiêu phát triển toàn diện, bền vững và phù hợp với từng cộng đồng. Niềm tin là bản chất, linh hồn, biểu hiện của vốn xã hội. Do vậy, vấn đề đặt ra ở đây là cần làm rõ mối quan hệ giữa niềm tin của người dân ở nông thôn với quá trình xây dựng nông thôn mới?
Niềm tin là cơ sở tạo nên sự gắn bó của người dân ở khu vực nông thôn Việt Nam.Tuy nhiên, để có niềm tin phải có một quá trình hình thành lâu dài.Và niềm tin chính là nền tảng để vốn xã hội xuất hiện và hoạt động trong xây dựng nông thôn mới.Khi có niềm tin trong quá trình xây dựng nông thôn mới, mọi người trong cộng đồng sẽ tự nguyện tôn trọng các mục tiêu như một sự ràng buộc thiêng liêng. Do đó nó làm giảm chi phí các nguồn lực, và sự vận hành trong quá trình xây dựng nông thôn mới được thông thoáng,nhanh chóng và hiệu quả.
Thực tế cho thấy, niềm tin giữa các hộ gia đình ở nông thôn Việt Nam hiện nay là khá cao, nhất là đối với nhóm hộ sản xuất phi nông nghiệp. Đặc biệt, không có sự khác biệt rõ rệt giữa nhóm hộ giàu và nghèo. Kết quả nghiên cứu cho thấy 87,3% người dân nông thôn được hỏi trả lời rằng: hầu hết mọi người trong xã về cơ bản là thật thà và có thể tin tưởng được. Và có 81,6% trả lời rằng vấn đề này sẽ tiếp tục được phát triển trong vòng 5 năm tới(2). Trong khi đó, một khảo sát khác cho biết: Khoảng 3/4 số người trả lời đều cho rằng có nhiều người đáng tin cậy ở xung quanh họ. Quan hệ cộng cảm, tình làng, nghĩa xóm củng cố cho họ niềm tin xã hội. Không có ai nghĩ rằng xung quanh họ không có người đáng tin cậy. Hầu hết những người được hỏi đều sống trong cộng đồng trên 30 năm. Vì vậy, họ có thể tin nhau dễ dàng(3). Một nghiên cứu khác đã khẳng định: tận dụng niềm tin cao hiện có để tổ chức các nhóm hợp tác ở nông thôn: tín dụng, đổi mới công nghệ, tìm kiếm thị trường, đào tạo nghề, bảo hiểm sản xuất; hình thành và trao quyền cho các tổ chức xã hội dân sự, đặc biệt là hội nghề trong các hoạt động sản xuất phi nông nghiệp: tham gia đóng góp chính sách, cung cấp thông tin thị trường, hỗ trợ đầu tư, đào tạo nghề, đổi mới công nghệ(4). Niềm tin đã thúc đẩy người dân chia sẻ liên kết với nhau nhằm mục tiêu xóa đói, giảm nghèo không chỉ trong phạm vi dòng họ, cộng đồng mà còn ở phạm vi bên ngoài dòng họ, cộng đồng.
Thực tế cho thấy, cách thức tổ chức, vận hành của các mô hình phát triển kinh tế, tổ chức sản xuất ở nông thôn sẽ đạt hiệu quả cao nếu biết phát huy vốn xã hội, mà cụ thể hơn là ở khía cạnh gây dựng niềm tin giữa các cá nhân, nhóm xã hội, tổ chức trong cộng đồng.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy vốn xã hội ở nông thôn Việt Nam đang có chất lượng thấp. Điều này thể hiện sự khủng hoảng về lòng tin của cá nhân trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt là lòng tin của người dân vào cuộc chiến chống tham nhũng ở nông thôn. Dường như, vốn xã hội và tham nhũng có mối quan hệ nghịch chiều với nhau. Tình trạng tham nhũng càng bành trướng, thì vốn xã hội có nguy cơ càng suy giảm. Bên cạnh đó, xã hội nông thôn Việt Nam đang được vận hành bằng những mối quan hệ “thân thuộc” mang đặc trưng “lợi ích nhóm”. Có thể nói, loại vốn xã hội này tuy làm lợi cho một số ít cá nhân ở các nhóm lợi ích nhưng xét trên tổng thể về vốn xã hội nó không đóng góp tích cực cho sự phát triển của xã hội và làm tổn hại đến niềm tin xã hội. Ngoài ra chúng ta có thể nhận thấy ở khu vực nông thôn đang xuất hiện, tình trạng “quan hệ ngắn”. Đặc điểm chung của thế giới khi bước vào giai đoạn hậu công nghiệp là rút ngắn và “tăng tốc” các mối quan hệ xã hội. Điều này phù hợp với tốc độ phát triển khoa học công nghệ, tăng trưởng kinh tế… Tuy nhiên, nó cũng gây khó khăn cho việc tạo dựng lòng tin, xác lập các mối quan hệ giao tiếp cần thiết ở khu vực nông thôn. Một cộng đồng tin cậy lẫn nhau, nhưng điều đó chưa đủ để các thành viên có thể trông chờ sự giúp đỡ nào đó của các tổ chức và nhóm xã hội ngoài gia đình. Điều này cho thấy, chất lượng vốn xã hội - khía cạnh niềm tin ở khu vực nông thôn Việt Nam vẫn còn nhiều rào cản trong quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Quá trình xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam hiện nay cần phải giải quyết vấn đề là làm thế nào để chuyển đổi sự tin cậy của một nhóm xã hội nhỏ sang toàn thể cộng đồng; làm thế nào để niềm tin trong xã hội trở thành đòn bẩy cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, nhất là ở khía cạnh chuyển đổi cơ cấu lao động, việc làm, nâng cao thu nhập, xây dựng hạ tầng…
Các chuẩn mực và giá trị trong xây dựng nông thôn mới
Xây dựng nông thôn mới với mục tiêu hướng đến là thực hiện quy hoạch nông thôn; xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất; phát triển hài hòa về văn hóa, xã hội và môi trường; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Quá trình này thực chất là xây dựng, thực hiện và phát triển các chuẩn mực giá trị ở nông thôn phù hợp với điều kiện mới. Mà giá trị, chuẩn mực là một thành tố quan trọng của vốn xã hội. Các chuẩn mực và giá trị đóng góp vào việc duy trì và củng cố các quan hệ trong cộng đồng làng - xã. Tuy nhiên, không phải mọi quy tắc ứng xử và các giá trị có thể tạo nên vốn xã hội tích cực. Như vậy, giá trị, chuẩn mực vừa là động lực cũng là mục tiêu của quá trình xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam hiện nay. Quá trình xây dựng nông thôn mới, đã và đang tác động đến các giá trị, chuẩn mực xã hội ở nông thôn. Bên cạnh các giá trị, chuẩn mực truyền thống được duy trì và các quan hệ mới hình thành cũng có nhiều giá trị, chuẩn mực sẽ bị mai một, thay đổi. Thực tế cho thấy, các chuẩn mực và giá trị ở nông thôn là một hệ cấu trúc rất phức tạp. Và chúng thường là sự phản ánh mô hình ứng xử hay một kiểu cố kết cộng đồng xã hội.
Giá trị, chuẩn mực ở nông thôn Việt Nam trước hết được nhìn nhận ở khía cạnh “tình làng nghĩa xóm”. Vì nó là một giá trị tiêu biểu, phổ biến ở nông thôn hiện nay. Cộng đồng thường tự giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ. Khoảng 78% những người được hỏi khẳng định nếu có mâu thuẫn giữa những người dân trong cộng đồng, họ sẽ tự giải quyết được. Cũng chính vì tình làng nghĩa xóm nên mọi người trong cộng đồng đều phải có mặt trong những sự kiện trọng đại của các thành viên khác như cưới hỏi, ma chay. Đó là một dạng trao đổi xã hội để duy trì sự cố kết vốn có. Tuy nhiên, chính đặc trưng này cũng thể hiện sự bất cập của vốn xã hội ở nông thôn Việt Nam. Bởi vì, nếu nhìn theo phương diện sử dụng hiệu quả nguồn lực, rất có thể việc duy trì sự cố kết này đã làm giảm nguồn lực của cả cộng đồng. Đặc điểm này vừa là điều kiện thuận lợi nhưng cũng là rào cản trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nhất là ở khía cạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Khi đặt giá trị, chuẩn mực trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới chúng ta không thể không đề cập đến vấn đề lựa chọn giữa trọng nông - ly nông trong các cộng đồng nông thôn. Thực tế ở nông thôn Việt Nam hiện nay đang xảy ra tình trạng “giằng co” giữa trọng nông và ly nông. Qua một khảo sát cho thấy, những người ở lại làng - xã duy trì công việc đồng áng có một “tình yêu ruộng đất”. Dĩ nhiên, người nông dân biết rằng công việc này rất vất vả và thặng dư thấp, nhưng không thể không làm. Làm đồng áng không chỉ là một hoạt động sinh kế mà là một thái độ đối với giá trị của làng - xã, giá trị trọng nông(5). Bên cạnh giá trị trọng nông trong lòng xã hội nông thôn đang xuất hiện một ứng xử mới là ly nông. Đó là giá trị mới của xã hội, nhất là ở độ tuổi thanh niên. Bởi vì, sản xuất nông nghiệp không có giá trị kinh tế cao, nên giới trẻ muốn thoát ly nông nghiệp. Chính các cha mẹ cũng có định hướng như vậy để thoát ly nông nghiệp, nông thôn. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới phải chú ý đặc điểm này ở các cộng đồng nông thôn. Từ đó mới có những giải pháp cụ thể, phù hợp, hiệu quả trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở từng cộng đồng, nhất là ở khía cạnh chuyển đổi cơ cấu lao động, nghề nghiệp và thu nhập...
Bên cạnh yếu tố tác động tích cực thì những bất cập rào cản của các giá trị, chuẩn mực khi tiếp cận ở giác độ vốn xã hội trong quá trình xây dựng nông thôn mới cũng cần được làm rõ. Từ đó sẽ giúp hình dung chất lượng và khả năng phát huy vai trò của vốn xã hội trong xây dựng nông thôn mới. Vì nhiều lý do khác nhau, đã dẫn đến ý thức và hành động chính trị của phần lớn người dân nông thôn chưa theo kịp so với yêu cầu của thực tiễn. Chỉ có một tỷ lệ thấp quan tâm đến chính trị. Đời sống hằng ngày của người nông dân không để ý nhiều đến các vấn đề chính trị vượt khỏi giới hạn làng - xã. Ứng xử này phản ánh về một đời sống xã hội nông nghiệp và ý thức chính trị của người nông dân. Nhờ vốn xã hội của dòng họ, một cá nhân có thể có lợi thế trúng cử. Tuy vậy, xét trên bình diện toàn thể làng xã, một cá nhân, một dòng họ có ưu điểm chưa hẳn đã giúp cho một cộng đồng làng - xã mạnh hơn. Bên cạnh đó, một biểu hiện khác thể hiện tình trạng xói mòn các giá trị, chuẩn mực ở nông thôn là hiện tượng “Chí Phèo”. Ở không ít địa phương, cộng đồng xuất hiện những phần tử không chấp hành các luật lệ chung. Tuy nhiên, các địa phương, cộng đồng thường có xu hướng buông xuôi, thậm chí khoanh tay, lùi bước, a dua, bắt chước cái xấu. Hay xu hướng quan tâm tới mục đích hơn là phương tiện, coi trọng thành tích hơn là nỗ lực, phương pháp và con đường đạt tới mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Tác hại của chủ nghĩa thành tích là rào cản trong xây dựng nông thôn mới, nhất là ở khía cạnh quy hoạch, xây dựng hạ tầng, xây dựng hệ thống chính trị...
Các liên kết xã hội và mạng lưới xã hội trong xây dựng nông thôn mới
Mặc dù đã có nhiều biến đổi, nhưng sự gắn kết xã hội khu vực nông thôn ở nước ta vẫn còn khá cao,được thể hiện thông qua các mối quan hệ xã hội, gia đình, dòng họ, nhất là ở hình thức tổ chức xã hội tự nguyện(6). Một trong những hiện tượng xã hội quan trọng ở nông thôn Việt Nam từ khiđổi mới là sự ra đời và phát triển của các tổ chức xã hội phi chính thức. Mặc dù mục đích, nội dung, phương thức hoạt động không giống nhau, nhưng nhìn chung các tổ chức này đã thu hút được sự tham gia đông đảo của các cá nhân thuộc nhiều nhóm xã hội, từ làng đến xã và cả người ngoài xã. Sự liên kết giữa các thành viên trong một tổ chức, cũng như sự liên kết giữa các thành viên của tổ chức này với các tổ chức khác, đã tạo ra một mạng lưới xã hội rộng khắp. Trong điều kiện trình độ dân trí chưa đồng đều ở khu vực nông thôn thì sự liên kết cộng đồng chặt chẽ giúp cho người dân tự tin hơn trong việc tham gia các hoạt động chung của cộng đồng, cũng như bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của bản thân. Các thành viên sẽ có khả năng ý thức về vị thế, vai trò, trách nhiệm của mình. Từ thực tế này cho thấy, trong quá trình xây dựng nông thôn mới không thể không tính đến một cách thỏa đáng sự hiện diện của các liên kết và mạng lưới xã hội ở nông thôn.
Chất lượng của các liên kết và mạng lưới xã hội trong xây dựng nông thôn mới được thể hiện như thế nào? Vấn đề này, các nghiên cứu cho biết, đa số người dân cho biết lý do tham gia vào các tổ chức phi chính thức là xuất phát từ nguyện vọng cá nhân, mà trước hết là thỏa mãn các nhu cầu về văn hóa tinh thần, phát triển kinh tế và tham gia vào đời sống chính trị. Có không ít người tham gia đến 10 tổ chức khác nhau ở nông thôn. Đây là một hình thức mở rộng quan hệ xã hội, qua đó khai thác và sử dụng các nguồn vốn xã hội tiềm ẩn trong đời sống của mỗi con người nơi làng xã. Đối với đại đa số người dân, các nguồn vốn xã hội này có thể được chuyển hóa thành vốn kinh tế, vốn văn hóa, để giúp nhau trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như thỏa mãn các nhu cầu về tinh thần. Đối với những người làm quản lý, mạng lưới xã hội này còn tạo ra một diễn đàn tốt để họ chuyển tải các chủ trương, chính sách đến các nhóm xã hội khác nhau. Việc người dân nông thôn vào hội để thực hiện chức năng liên kết và trao đổi xã hội. Người ta tham gia vì đó là nơi có thể chia sẻ chuyện xã hội. Sân chơi là một môi trường cung cấp thông tin nhanh hằng ngày, nhất là trong bối cảnh nông thôn… Việc cá nhân tham gia vào nhiều tổ chức, đoàn thể, nhiều sinh hoạt hội nhóm là một sự bảo đảm cho uy tín của cá nhân và gia đình trong con mắt người làng. Khi nhà có công việc mà có nhiều người đến thăm hỏi, động viên, chúc mừng thì người ta coi đó là niềm vinh dự cho cả gia đình.
Ở chiều cạnh phân tích mang tính thực chứng, mối quan hệ giữa những người hàng xóm với nhau được đo từ mức độ thân thiết nhất (coi nhau như người nhà), cho đến mức độ hời hợt nhất (không có liên hệ nào cả). Số liệu cho biết, có 47% những người được hỏi khẳng định họ giữ quan hệ với những người hàng xóm một cách thân thiết như người nhà. 49% khẳng định họ giữ quan hệ thân thiết với nhau trên cơ sở giúp đỡ, khuyên nhủ, động viên, thậm chí có thể xin nhau nắm rau, củ hành, củ tỏi…Chỉ có 4% cho biết mối quan hệ chỉ ở mức chào hỏi khi gặp nhau. Những người nông dân tự hào về quan hệ thân thiết của họ với những người họ hàng, hàng xóm và bạn bè(7). Một cộng đồng ổn định, các thành viên nhận ra nhau trong giao tiếp hàng ngay và đồng thuận. Không những vậy, chất lượng của các liên kết và mạng lưới xã hội đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn còn được thể hiện ở khía cạnh chuyển đổi cơ cấu lao động, việc làm. Chẳng hạn, liên kết và mạng lưới xã hội đã thúc đẩy xu hướng lựa chọn vươn ra bên ngoài, tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn ở các đô thị. Họ gia nhập vào một mạng lưới liên kết rộng lớn ở thành phố, tham gia vào các trao đổi kinh tế, trao đổi xã hội. Mức độ liên kết của những người đến từ Giao Tân có thể không bền chặt bằng những mối quan hệ họ đã thiết lập được từ nhỏ trong cộng đồng gốc, song chính sự gắn kết có phần lỏng lẻo lại giúp họ cơ động hơn. Nghiên cứu cũng cho biết mạng lưới phi chính thức đóng vai trò quan trọng đối với việc giúp đỡ khi hộ gia đình gặp cú sốc (91%) và họ hàng (82%). Đồng thời, mạng lưới phi chính thức có khả năng hỗ trợ hộ sản xuất trong việc vay vốn tốt hơn so với các hội chính thức, hộ giàu có khả năng tận dụng được mạng lưới phi chính thức để vay vốn nhiều hơn so với nhóm
hộ nghèo.
Bên cạnh biểu hiện tích cực thì chất lượng vốn xã hội ở nông thôn Việt Nam nhìn ở phương diện liên kết xã hội và mạng lưới xã hội còn khá thấp, nhất là ở phương diện phát triển kinh tế. Bởi vì, tỷ lệ hộ gia đình tham gia các hội thuộc lĩnh vực kinh tế (nhóm sở thích, hợp tác thủy lợi, hiệp hội kinh doanh, tổ chức tín dụng, hợp tác xã) còn rất thấp (2,96%). Đồng thời, khả năng cung cấp thông tin của các hội còn hạn chế đối với các thay đổi chính sách và thông tin thị trường (chiếm 10%), trong khi đó, internet, điện thoại, đài báo, ti vi chiếm khoảng 55% và 40%. Không những vậy, việc tham gia các nhóm xã hội đang tập trung chủ yếu ở nhóm hộ giàu. Chẳng hạn, ở nhóm giàu trong vòng 12 tháng có 27% ý kiến khẳng định tham gia thường xuyên; trong khi đó ở nhóm nghèo tỷ lệ này là 13%.Chất lượng vốn xã hội thấp ở khía cạnh liên kết và mạng lưới xã hội còn được thể hiện ở chỗ, các thành viên mong muốn được trợ giúp khi gặp khó khăn, nhưng thực tế rất ít được những người trong mạng lưới giúp đỡ. Một khảo sát cho thấy, có hơn một nửa số người cho biết họ đã không nhận được sự giúp đỡ của ai cả. Trong số này có khoảng 2/3 đã từng hy vọng nhưng không được giúp đỡ và 1/3 cho biết đã không hy vọng ai giúp cả. Trong khi, chỉ có 4% những người trả lời cho rằng cuộc sống sẽ được cải thiện nếu lập một nhóm tương hỗ, giúp đỡ lẫn nhau. Một số người khác trông đợi vào sự giúp đỡ của người thân. Bên cạnh đó, các liên kết mạng lưới tại chỗ chưa tạo ra sự huy động lao động trở về và phát triển việc làm tại chỗ. Các lao động trẻ đang kéo nhau rời làng. Các liên kết kinh tế tại chỗ chưa phải là những liên kết mang tính phụ thuộc, đan xen và quy định lẫn nhau.
Nhìn chung, những người ở lại khu vực nông thôn đang cố gắng duy trì cố kết cộng đồng truyền thống; một bộ phận, nhất là giới trẻ lại tìm cách vươn ra bên ngoài để xây dựng những mối liên kết mới. Tuy nhiên, những kiểu liên kết này chưa thưc sự là điều kiện thuận lợi cho quá trình xây dựng nông thôn mới, nhất là ở khía cạnh tổ chức sản xuất, mở rộng thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ...
Một số nhận định và giải pháp phát huy vai trò của vốn xã hội trong quá trình xây dựng nông thôn mới
- Vốn xã hội của cộng đồng nông thôn Việt Nam đang có ở một mức độ nhất định nào đó. Sự tin tưởng, giá trị, chuẩn mực, những mối liên kết đồng thuận... Nếu nhìn ở góc độ tình cảm, tương trợ lẫn nhau thì có lẽ các cộng đồng ở khu vực tam nông giàu vốn xã hội. Tuy nhiên, nếu nhìn theo góc độ tăng trưởng, đa dạng hóa nghề nghiệp, việc làm, chuyển đổi cấu trúc xã hội nông nghiệp, nông thôn theo mục tiêu xây dựng nông thôn mới thì có lẽ vốn xã hội chưa thực sự mạnh. vốn xã hội ở nông thôn chưa đủ sức để tạo nên những cú hích phát triển về kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội từ bên trong.
- Nếu đảm bảo được vốn xã hội sẽ tăng cường tính hiệu quả các nguồn vốn khác của quá trình xây dựng nông thôn mới, như:nguồn vốn tài chính, con người, đất đai...Việc xây dựng nguồn vốn xã hội đồng nghĩa với việc xây dựng tổ chức,xây dựng mối liên kết của các tổ chức đó với nhau, với chính quyền cơ sở, các dịch vụ công ở trong và ngoài cộng đồng.
- Vốn xã hội ở khu vực nông thôn đang thể hiện tính hai mặt, vừa thúc đẩy phát triển vừa kìm hãm phát triển; vừa tạo nên sự hài hòa trong xã hội vừa tạo nên sự xung đột xã hội giữa các cá nhân và cộng đồng. Chính vì vậy, vốn xã hội không nên chỉ xem xét ở phương diện tích cực hay tiêu cực mà cần phải xem xét ở cả khía cạnh phù hợp hay không phù hợp, thích hợp hay không thích hợp với một yêu cầu nào đó. Trong nghiên cứu vốn xã hội rất cần tập trung ở khía cạnh so sánh giữa các cộng đồng xã hội và chất lượng của vốn xã hội theo tiêu chuẩn nào đó. Vấn đề quan trọng là chất lượng của vốn xã hội và khả năng huy động vốn xã hội cho sự phát triển ở khu vực nông thôn.
Một số giải pháp nhằm phát huy vốn xã hội trong xây dựng nông thôn mới:
Một là, cần phát huy vốn xã hội trong xây dựng nông thôn mới dựa trên cơ sở về niềm tin, giá trị chuẩn mực, sự liên kết giữa các thành viên trong mạng lưới tổ chức phi chính thức… để đề ra và áp dụng các chính sách và giải pháp phát triển trong Chiến lược xây dựng nông thôn mới, mà cụ thể ở đây là chính sách vay vốn tín dụng theo nhóm, việc dồn điền đổi thửa và tích tụ ruộng đất, phát triển thị trường, đầu tư kỹ thuật và áp dụng công nghệ mới trên đồng ruộng…
Hai là, tập trung khai thác vốn xã hội cho xây dựng nông thôn mới trên cả ba cấp độ: cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng, nhất là ở phương diện chuyển đổi ngành nghề, đa dạng hóa thu nhập, nâng cao mức sống; hướng vào xây dựng các giá trị ứng xử liên quan đến kinh tế - xã hội, văn hóa, môi trường… của từng cộng đồng.
Ba là, việc xây dựngvà phát huyvốn xã hội cần phải được coi là một nhiệm vụtrong quá trình xây dựng nông thôn mới. Mặc dù vốn xã hội được tạo ra không phải bởiquyết sách của Nhà nước, tuy nhiên Nhà nước có vai trò quan trọng trong phát triển vốn xã hội. Những chính sách sáng tạo của Chính phủ giúp phát triển vốn xã hội, gắn kết giữa các công dân và cơ quan chính phủ; đồng thời, nâng cao hiệu lực của Chính phủ trong xây dựng nông thôn mới. Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các tổ chức mạng lưới, quy tắc, chuẩn mực của cộng đồng trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Bốn là, trong quá trình xây dựng nông thôn mới phải chú ý đến tính độc lập tương đối của cấu trúc làng, xã. Phải hướng đến sự năng động hóa mối quan hệ, liên kết và mạng lưới làng xã. Thực sự coi đó như là môi trường để phát huy các nguồn lực xã hội, vốn xã hội phục vụ cho quá trình xây dựng nông thôn mới.
Năm là, về mặt chiến lược lâu dài, vốn xã hội chỉ có thể phát triển và phát huy tốt trong điều kiện xã hội dân sự phát triển. Do vậy, phải xây dựng và phát triển xã hội dân sự ở khu vực nông thôn. Đây là cách thức tốt nhất để xây dựng, thu hút và phát huy tính hiệu quả của vốn xã hội trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
_____________________
(1)Vốn xã hội và phát triển kinh tế, Hội thảo khoa học do Báo Tia sáng thực hiện, 2006.
(2)Xem: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Xã hội học số 4-2011.
(3)Vốn xã hội cho phát triển kinh doanh phi nông nghiệp tại nông thôn: Nhận định từ các kết quả thống kê hiện có, Hội thảo vốn xã hội với việc phát triển các ngành nghề trong xây dựng nông thôn mới, do Viện Khoa học Thủy lợi tổ chức, 2003.
(4), (6) Vốn xã hội của nông thôn Việt Nam đương đại (Một nghiên cứu trường hợp xã Giao Tân, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định),Tạp chí Xã hội học, số 4-2011.
(5)Mạng lưới tổ chức phi chính thức ở nông thôn trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay, Tạp chí Xã hội học số 4-2011.
(7)Tại xã Đồng Quang, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh hiện nay có 22 loại hình tổ chức xã hội tự nguyện khác nhau (Đặng Thị Việt Phương và cộng sự, 2011, tr 32). Tại xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh hiện có 36 tổ chức xã hội thuộc mạng lưới tổ chức xã hội phi chính thức. Trong đó có 28 tổ chức thuộc lĩnh vực văn hóa-xã hội và 8 tổ chức thuộc lĩnh vực kinh tế. Với 36 tổ chức xã hội mang tính tự nguyện, tạo thành một mạng lưới xã hội dày đặc.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn