Theo thông kế từ huyện, năng suất hành tươi dao động từ 8,5 tạ đến một tấn mỗi sào. Tỏi tươi cho năng suất cao hơn đến 9,5-11 tạ một sào. Tổng sản lượng hành, tỏi đạt trên 55 nghìn tấn, tiêu thụ nội tỉnh và nhiều địa bàn lân cận.
Thời điểm thu hoạch, thương lái thu mua hành tươi với giá 10.000-15.000 đồng, tỏi có giá 20.000 đồng mỗi kg. Vào cận Tết, bà con bán được giá hơn, mỗi loại tăng thêm khoảng 5.000 đồng.
Vựa hành, tỏi Kinh Môn. Ảnh: Bizmedia
Như vậy, nếu chỉ tình bình quân với giá 15.000 đồng/kg hành tỏi thì nông dân trồng hành tỏi ở huyện Kinh Môn đã thu về tới gần 900 tỷ đồng mỗi năm.
Huyện Kinh Môn nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Hải Dương với diện tích tự nhiên 163,26 km2. Được bao bọc bởi 4 con sông lớn: Kinh Thầy, Kinh Môn, Đá Vách và Hàn Mấu, vùng đất này được bồi đắp liên tục tạo nên những cánh đồng phù sa màu mỡ.
Ngoài nếp cái hoa vàng, cam ngon, ổi ngọt…, Kinh Môn còn là một trong những vựa hành, tỏi lớn nhất cả nước. Giống cây cho vị cay, thơm; năng suất cao, củ mẩy chắc hơn nhiều vùng khác.
Hành Kinh Môn chắc củ, mùi thơm đặc trưng. Ảnh: Bizmedia
Hành, tỏi là loại cây thâm canh vụ đông, thời gian sinh trưởng khoảng 3-4 tháng. Thu hoạch hành, tỏi xong vừa lúc vào vụ lúa chiêm xuân. Được trồng trên vùng đất hợp thổ nhưỡng và khí hậu, nông dân lại có kinh nghiệm từ khâu chọn giống, áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc và bảo quản, nên hành tỏi Kinh Môn có hương vị đặc trưng, củ to chắc, cay xè mắt khi cắt thái.
Theo người dân, trồng hành, tỏi không khó nhưng phải biết kỹ thuật, đúc rút ra kinh nghiệm sử dụng phân bón, lên luống, lấp củ, chăm sóc hành đẻ nhánh vừa phải. Ở vùng đất chiêm trũng này, hành, tỏi có thể bảo quản được cả năm trời trong điều kiện khô ráo, mà không sợ thối mốc.
Năm 2017, hành Kinh Môn cùng với gạo nếp cái hoa vàng lọt top 150 sản phẩm đạt thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để huyện xúc tiến thương mại, giao thương với các vùng, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn