Chọn chiến lược sản phẩm
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn tâm sự: Kim ngạch xuất khẩu 25 tỷ đô la, bộ mặt nông thôn thay đổi, nhưng nền nông nghiệp mấy năm nay đang chững lại.
Suốt 25 năm sau đổi mới, chúng ta vẫn duy trì cơ chế cũ, đã khai thác triệt để rồi. Cơ chế ấy không tạo ra đột phá gì cho nông dân cả. Nếu tiếp tục thế này thì vô cùng gay go. Cái yếu kém nhất của nông nghiệp là đời sống nông dân quá thấp, nông dân chán ruộng, phải bỏ làng đi kiếm nghề khác sống.
Tôi ngồi tính và thấy giật mình là không ngờ hiệu quả kinh tế của nền nông nghiệp lại kém đến thế. Cả nước hiện nay có khoảng 9 triệu ha đất trồng trọt, chăn nuôi, 1,1 triệu ha nuôi trồng thủy sản, 8 triệu ha rừng trồng. Cộng tất tần tật được khoảng 18 triệu ha.
Tổng doanh thu của năm 2012 là 940 nghìn tỷ đồng, chia cho 18 triệu ha thì mỗi năm giá trị sản lượng chỉ có 50 triệu đồng/ha. Theo kết quả này thì người nông dân sống thế nào nổi. Mấy chục hộ nông dân dựa vào một ha, dựa vào 50 triệu đồng một năm thì sống làm sao?
Nhìn lại những con số đó mà giật mình. Rõ ràng đất là tài nguyên có hạn, chúng ta phải tìm ra năng suất trên đất chứ diện tích đất không thể tăng lên được. Nếu không tìm được cách để tăng năng suất thì nền nông nghiệp lâm nguy. Các cơ quan Nhà nước, các chuyên gia, các nhà khoa học phải thấy được điều đó.
Vậy theo ông, thu nhập của nông dân ở mức bao nhiêu thì mới hết gay go?
Nếu doanh thu nông nghiệp không đạt 200 triệu đồng/ha thì người nông dân không thể làm giàu từ nông nghiệp được. Muốn nông nghiệp đứng vững thì động lực phải đến từ sự giàu có của người nông dân.
Nếu doanh thu nông nghiệp không đạt 200 triệu đồng/ha thì người nông dân không thể làm giàu từ nông nghiệp được
Trí tuệ của nền nông nghiệp đâu rồi? Các nhà khoa học ngồi lại với nhau mà bàn bạc, tìm tòi, nghiên cứu đi chứ. Bản chất của tái cơ cấu kinh tế là chọn chiến lược sản phẩm. Lựa chọn cây gì, con gì để nông dân tăng hiệu quả kinh tế, để cho ra nhiều tiền, để nông dân sống được.
Suốt ngày chúng ta nói này nói nọ nhưng đôi lúc dân người ta không cần, không tiếp thu đâu. Họ phải cần tiền để sống đã. Tôi đã từng nói với ngành lâm nghiệp rằng, dân sống bằng tiền chứ không sống bằng sinh thái.
Làm sinh thái mà không ra tiền thì người dân buộc phải phá hết rừng để mà sống chứ. Thu nhập của nông dân quyết định số phận ngành nông nghiệp, quyết định môi trường, quyết định sinh thái… Nông dân giàu lên chả ai phá rừng làm gì.
Phải nâng vị thế rau quả
Về lý thuyết thì như thế, nhưng trong bối cảnh hiện nay, để nông dân có thể làm giàu, đạt 200 triệu/ha là điều rất khó?
Để ra được năng suất 200 triệu/ha cần phải có 3 điều kiện.
Thứ nhất là thổ ngơi, có nghĩa là phải nghiên cứu đất đai khí hậu của từng vùng. Không thể làm bừa kiểu mang cây ô liu về trồng ở Việt Nam được. Cũng như cây ngân hạnh làm sao có thể đưa lên trồng ở Tây Bắc? Không trồng được thì đừng ép, ép là sự thất bại của khoa học.
Thứ hai là tiền, hiệu quả kinh tế. Muốn làm gì thì làm nhưng phải có hiệu quả thì nông dân mới theo.
Thứ 3 là thị trường. Có cái rất nhiều tiền nhưng chỉ trồng tầm 10 ha thì giàu, còn lên hàng vạn ha không bán được. Thanh hao là điển hình của sự thất bại kiểu như thế, cây bòn bon cũng từng đạt mấy tỷ đồng trên một ha, nhưng đến lúc trồng nhiều quá, ồ ạt quá lại thất bại thảm hại.
Thiếu quy hoạch, đó dường như là lối mòn, rất nhiều bài học, nhưng bao nhiêu năm rồi chúng ta vẫn cứ vấp. Vì sao thế, thưa ông?
Nhà khoa học phải kết hợp với nhà quản lý. 3 điều kiện tôi nói ở trên rất cần đến trí tuệ, nhưng đồng thời cũng cần đến vai trò của Nhà nước. Không thể ào ào mà phải có định hướng, nghiên cứu kỹ lưỡng.
Ví dụ thời tôi còn công tác, khi giá vải thiều xuống thấp nhất, 500 đồng/kg thì nhiều nông dân Lục Ngạn đòi chặt cây, chuyển sang trồng thứ khác. Chúng tôi phải kiên quyết vận động giữ lại với niềm tin rằng sẽ có lúc cây vải lên ngôi. Bây giờ đúng thế thật.
Trước đây, động lực của nông nghiệp là chia lại đất cho nông dân. Đó là điều cần và đủ để nông dân bỏ sức đưa nền nông nghiệp đi lên. Hồi đó KHKT, đầu tư có gì đâu?
Năm 1988 đất nước phải nhập 1.000 tấn gạo, nhưng chỉ sau một năm chúng ta đã xuất khẩu 1,42 triệu tấn gạo. Những câu chuyện kiểu thần kỳ, phép màu như thế bây giờ không thể có, bởi xu thế khác rồi. Sản xuất nông nghiệp hiện nay là hàng hóa, là cơ chế thị trường cạnh tranh, cả trong nước lẫn quốc tế. Phải có giải pháp mang tính hệ thống.
Và ông đã có giải pháp?
Tôi chọn thế này. Đầu tiên là nhóm cây lương thực. Rõ ràng là lúa gạo hiện nay đã kém hiệu quả. Từ khi tôi còn làm cho đến bây giờ, năm nào cũng thế, cứ diện tích trồng lúa tăng thì hoan nghênh, lấy đó là thành tích số một của ngành nông nghiệp. Càng thừa nhiều gạo càng tốt, lấy đó là thành tựu của ngành nông nghiệp.
Nhưng thành tựu ấy làm dân nghèo đi. Khi biểu đồ về sản lượng lúa gạo đi lên thì biểu đồ đời sống nông dân tụt xuống. Theo tôi bây giờ gạo chỉ cần đủ ăn và thừa ra 20% để xuất khẩu và đề phòng bất trắc thiên tai địch họa.
Thứ hai là nhóm cây nông nghiệp lâu năm. Cao su, cà phê, hồ tiêu, điều, chè… Đây là nhóm thế mạnh có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay, hơn 13 tỷ đô la.
Nhưng con số đó đã đạt ngưỡng rồi. Cao su xấp xỉ 1 triệu ha, cà phê hơn 600 ngàn ha. Chè thì đứng yên, điều cũng xuống. Chỉ có tiêu lên nhưng diện tích không nhiều. Đừng ảo tưởng vì những con số. Năng suất đến ngưỡng, diện tích đến ngưỡng nên việc cần là giữ được mức hiện nay, không để tụt chứ không nhảy vọt được nữa.
Nhóm thứ ba, rau, hoa và cây ăn quả. Đây là nhóm có sự đột phá. Sản phẩm từ rau, hoa quả là quý nhất của loài người, là nền nông nghiệp tinh hoa. Người ta gọi rau quả là nền nông nghiệp 5 trong 1. Ngon, bổ, làm thuốc, làm đẹp, tô điểm cảnh quan.
Chả có ngành nào áp dụng công nghệ cao nhất của thời đại, chất xám nhiều bằng ngành rau, hoa quả. Chả cây nào đối tượng quần thể mà một năm thu nhập một triệu đô/ha như là cây hoa. Chả có cây nào cá thể mà một năm có thể thu nhập tới 15-20 triệu đồng như cây ăn quả. Ví dụ cây bơ, một cây có thể cho 0,5 tấn quả, bán 20-30 ngàn đồng/kg.
Rau, hoa quả là cây phổ cập trong mọi vùng miền đất nước, mọi người dân đều được hưởng. Nếu chỉ tính riêng một triệu ha diện tích trồng rau, hoa, cây ăn quả thì việc đạt mục tiêu nông dân giàu 200 triệu đồng/ha không vấn đề gì.
Đấy là chưa cộng thêm chuỗi giá trị gia tăng, chế biến sau thu hoạch. Phải chăng, đột phá của ngành trồng trọt là cần phải đưa rau, cây ăn quả lên vị trí cao?
Phải tìm nghề mới về rau, chuẩn bị đối phó biến đổi khí hậu như cây rau nước, tảo xoắn. FAO đã nói rằng: Nguồn protein cao cấp của thế kỷ 21 là cây tảo xoắn. Đây là thực phẩm chức năng lý tưởng của loài người trong tương lai, hàm lượng protein tới 70%. Một ha ở Mỹ người ta làm 80 tấn, nhân với 10% thành 8 tấn protein/ha/năm.
Trong khi đó đậu tương nhiều lắm một năm cũng chỉ 2 tấn thôi. Bột tảo xoắn bằng 4 lần thịt bò. Một gam của tảo xoắn bằng 1kg các loại rau khác cộng lại, gấp hàng ngàn lần. Người ta đã tính, chỉ cần ăn 8 gam tảo xoắn không ăn bất cứ thứ gì khác có thể sống được 40 ngày.
Xin cảm ơn ông!
+ “Nông dân không thể sống bằng cây lúa nữa. Bà chị tôi làm nông ở quê, mỗi tháng chỉ dùng có 5 ngàn đồng tiền điện. Ti vi đi xem nhờ, điện chỉ bật để mắc mùng rồi tắt. Của ngon vật lạ tống hết cho ông đô thị ăn rồi, có bao giờ được nếm đâu”, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn. + “Sắp tới tổ chức sản xuất nông nghiệp VN sẽ đi theo hai hướng. Có nơi nông dân làm nông nghiệp chủ yếu dựa vào quỹ đất, có nơi dựa vào quỹ lao động. Tôi đã chọn 14 cây nằm trong nhóm cây ăn quả. Mỗi cây phải có một nhà khoa học, chuyên gia giỏi, xứng tầm thì mới làm được. Ngành năng lượng sinh học trong tương lai sẽ chia làm hai nhánh. Một nhánh là diezen bằng sinh khối. Một nhánh ethanol mà khoai lang là số một. Một ha khoai lang một vụ được 10 tấn ethanol. Một năm 2 vụ có thể đủ xăng cho nhu cầu trong nước. Đi theo hai hướng này không lý gì Việt Nam không trở thành cường quốc nông nghiệp”, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn. |
Hoàng Anh
Nguồn nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn