Theo các chuyên gia y tế, độc tố của sứa biển khi xâm nhập vào cơ thể con người có thể gây đau đầu, tức ngực, tím tái, vã mồ hôi, khó thở, buồn nôn, nôn khan, đau bụng và tiêu lỏng nhiều lần, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp tụt...
Ở thể tối cấp, tai biến xảy ra tức thì sau khi độc tố của sứa biển xâm nhập vào máu bệnh nhân. Bệnh nhân nôn nao, nhức đầu, tức ngực, tím tái, vã mồ hôi, khó thở nhanh, buồn nôn, nôn khan, đau bụng và tiêu lỏng nhiều lần, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp tụt. Bệnh nhân đi vào trạng thái lơ mơ, nhiều khi co giật, có thể hôn mê, cần đưa ngay bệnh nhân vào bệnh viện để chống sốc phản vệ.
Ở thể cấp hay bán cấp, sau chừng 15 phút chạm phải sứa, nạn nhân ngứa ở bàn tay, bàn chân, trên da nổi ban đỏ từng vùng, nổi mày đay toàn thân, phù ở mắt, môi, mặt, thanh quản nên ngạt thở, mạch nhanh, yếu. Tim đập nhanh đều, huyết áp hạ thấp, ho khan. Thanh quản phù gây khó thở. Bệnh nhân buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, chảy nước mắt, chảy nước mũi, vã mồ hôi. Đây là biểu hiện sốc phản vệ, cần đưa ngay vào bệnh viện chống sốc. Ở thể nhẹ, bệnh nhân chỉ có phản ứng ngoài da, tại chỗ nổi rát, mẩn đỏ và ngứa nhiều. Toàn thân chỉ cảm thấy khó chịu.
Ốc ruốc (hay còn gọi là ốc chép) là một loại ốc biển có kích cỡ loại nhỏ, có màu sắc sặc sỡ phân bố ở vùng biển miền Trung nước ta, đặc biệt tập trung ở vùng Quảng Nam, thường xuất hiện trên vùng biển từ tháng 3-7 dương lịch hằng năm. Hiện nay nguồn gốc của độc tố trong các loài ốc chưa được biết rõ ràng do chúng có tính chất khá phức tạp: không phải tất cả các cá thể trong cùng một loài đều mang độc tố và độc tố cũng rất khác biệt trong từng cá thể. Nguyên nhân của tính chất phức tạp này rất có thể độc tố của ốc cũng có nguồn gốc từ vi sinh vật cộng sinh.
Ốc ruốc thường được người dân sử dụng làm thức ăn, vì vậy trong quá trình chế biến cần lưu ý loại bỏ sạch tạp chất bám trên con ốc để tránh gây ngộ độc.
Mùa xuân hè là thời điểm sinh sản của sứa biển nên chúng thường tích lũy nhiều độc tố có thể gây ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Để đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, Cục ATTP khuyến cáo người dân không nên sử dụng sứa biển làm thức ăn, làm gỏi ăn sống, đặc biệt không sử dụng làm thức ăn cho trẻ em; không nên sử dụng sứa biển chế biến thành sản phẩm thực phẩm để kinh doanh. Đối với ốc ruốc biển, khi sử dụng làm thức ăn cần ngâm với nước sạch nhiều lần và loại bỏ hết tạp chất, không sử dụng ốc ruốc làm thức ăn cho trẻ em để phòng ngừa tiêu chảy cho trẻ.
Trước đó, chỉ trong vòng 3 ngày (từ ngày 5-7/2/2014) tại huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam đã ghi nhận 14 trường hợp bị ngộ độc thực phẩm do ăn sứa biển và ốc ruốc biển.
Hiền Minh
Theo baodientu.chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn