LTS: NNVN đã giới thiệu một số bài viết về phong trào xây dựng nông thôn Hàn Quốc. Lần này, xin giới thiệu bài viết của tác giả Phạm Xuân Liêm, cán bộ Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, người vừa dự khóa đào tạo tại “Học viện trung ương bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo đổi mới nông thôn” tại Hàn Quốc.
Viện trợ của chính phủ là vô nghĩa nếu...
|
Một ngôi làng nông thôn Hàn Quốc |
Hàn Quốc vào đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX là một nước nghèo sau chiến tranh, GDP bình quân đầu người chỉ có 85 USD, không đủ lương thực và phần lớn người dân không đủ ăn. Nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp nhưng hạn hán và lũ lụt thường xuyên xảy ra khắp đất nước. Xã hội Hàn Quốc thời đó như nhận xét của người trong cuộc là "một xã hội thờ ơ, hỗn độn và vô vọng".
Mối lo lớn nhất của chính phủ là làm sao thoát khỏi đói nghèo. Sau hai kế hoạch 5 năm tiến hành từ năm 1962 có kết quả, nền kinh tế Hàn Quốc bắt đầu có dấu hiệu cất cánh. Tuy nhiên, một vấn đề lớn nảy sinh là chính phủ tập trung phát triển công nghiệp đã làm khu vực đô thị phát triển nhanh chóng trong khi khu vực nông thôn vẫn chìm trong đói nghèo và lạc hậu.
Đến năm 1970 vẫn còn 70% dân số sống ở nông thôn, trong số đó 80% sống trong nhà vách đất, dùng đèn dầu, đường làng nhỏ hẹp thậm chí xe bò xe ngựa không qua lại được, gần như không có các công trình vệ sinh, y tế, văn hóa, đói ăn, thất học…
Sau trận lụt lớn năm 1969, người dân phải tu sửa lại nhà cửa, đường sá, ruộng vườn mà không có sự trợ giúp của chính phủ. Trong khi đi thị sát tình hình dân chúng, Tổng thống Hàn Quốc lúc bấy giờ là Park Chung Hy nhận ra rằng viện trợ của chính phủ cũng là vô nghĩa nếu người dân không nghĩ cách tự cứu lấy mình. Hơn thế nữa, khuyến khích người dân tự hợp tác và giúp đỡ nhau là điểm mẫu chốt để phát triển nông thôn.
Những ý tưởng này chính là nền tảng của phong trào “Saemaulundong” được đích thân Tổng thống Park phát động vào ngày 22/4/1970. “Saemaul” theo nghĩa tiếng Hàn là “Sự đổi mới của cộng đồng” được ghép với “undong” có nghĩa là một phong trào và cụm từ “Saemaulundong” có nghĩa là phong trào đổi mới cộng đồng. Vì phong trào bắt đầu từ nông thôn nên “Saemaulundong” được hiểu là “Phong trào đổi mới nông thôn”.
Sự ra đời kịp thời của “Saemaulundong” vào đúng lúc nông thôn Hàn Quốc đang trì trệ trong đói nghèo cần có sự bứt phá mạnh mẽ và những kết quả khả quan đạt được ngay sau đó đã làm nức lòng nông dân cả nước. Tới năm 1974, chỉ sau 4 năm phát động “Saemaulundong”, sản lượng lúa tăng đến mức có thể tự túc lương thực, phổ biến kiến thức nông nghiệp đã tạo nên một cuộc cách mạng trong phương pháp canh tác, thu nhập một năm của hộ nông dân (674 nghìn won tương đương 562 USD) cao hơn so với hộ ở thành thị (644 nghìn won tương đương 537 USD).
Vào năm 1980, bộ mặt nông thôn có thể nói đã hoàn toàn thay đổi với đầy đủ điện, đường, nước sạch, công trình văn hóa… “Saemaulundong” từ một phong trào ở nông thôn đã lan ra thành một phong trào đổi mới toàn xã hội Hàn Quốc.
Chăm chỉ - Tự lực - Hợp tác
Ngay từ đầu, phong trào đổi mới nông thôn đã đề cao “Tinh thần Saemaul” gồm 3 thành tố: “Chăm chỉ - Tự lực - Hợp tác”. Cơ sở để hình thành tinh thần này là: “Chăm chỉ” là động cơ tự nguyện của người dân, không ngừng vượt qua khó khăn để tiến tới thành công, “Tự lực” là ý chí bản thân, tinh thần làm chủ, chịu trách nhiệm về cuộc sống và vận mệnh của bản thân và “Hợp tác” là nhận thức về mong muốn phát triển cộng đồng phải nhờ vào nỗ lực của tập thể.
“Tinh thần Saemaul” đã quyết định thành công của phong trào, đã vượt ra khỏi một phong trào về nông thôn, được người dân Hàn Quốc xem như “hạt nhân tinh thần” của công cuộc xây dựng một xã hội tiên tiến và một quốc gia thịnh vượng.
Trước khi phát động phong trào đổi mới nông thôn, những kinh nghiệm thất bại từ công cuộc vận động tái thiết đất nước sau chiến tranh, hay từ chương trình đặc biệt tăng thu nhập trong nông - ngư nghiệp của chính phủ đã làm nản lòng nông dân, khiến họ mất đi sự tự tin vốn có.
Thực ra lúc đầu “Saemaulundong” không phải là kế hoạch lớn của chính phủ, cũng không phải là cuộc vận động có lý luận một cách chính quy. Sau 3 năm triển khai thực tế, chính phủ nhận thấy nếu không có sự nỗ lực của người dân phong trào sẽ thất bại. Do vậy, đặc trưng của phong trào không đơn thuần là một kế hoạch hành động mà là một cuộc “vận động cải cách ý thức” cùng với “vận động thực hiện hành động”.
Cuộc cải tổ ý thức của người dân dựa trên các khẩu hiệu tinh thần: “Đã làm là được”, “Tất cả đều có thể làm được” và “Nhất định phải làm”. Với những kết quả đạt được ngay từ đầu, người dân nông thôn đã lấy lại được sự tự tin, phấn khởi bắt tay xây dựng ngôi làng của mình khang trang và cuộc sống tốt đẹp hơn. Từ thực tế này, nông dân thấy tin vào sức mình, tin ở chính phủ, tin vào tương lai tươi sáng cho con cháu mai sau. Và họ đã tích cực hưởng ứng phong trào và có được những gì mình muốn!
Nghiêm túc, chính quy
“Saemaulundong” được Tổng thống - người đứng đầu Quốc gia phát động và sau đó được triển khai rất bài bản để trở thành một phong trào toàn quốc. Ở cấp trung ương, Bộ Nội vụ được giao chỉ đạo và quản lý toàn bộ phong trào, bên dưới có các Vụ đảm nhận các nhiệm vụ cụ thể. Ở tỉnh, thành phố đến cấp quận, huyện có cơ quan chuyên trách đảm nhận phong trào. Ở cấp phường, xã thành lập ủy ban điều hành phong trào thường do chủ tịch hành chính đứng đầu. Ở thôn, xóm thành lập “Ban phát triển tự quản” mà người lãnh đạo là do dân bầu.
Để tuyên truyền quảng bá trong cộng đồng, phong trào có biểu trưng (logo), có các khẩu hiệu (slogan), có cờ và bài hát truyền thống. Biểu trưng của phong trào có hình một lá non mầu xanh lá cây với 3 thùy tượng trưng cho “Tinh thần Saemaul” là “Chăm chỉ - Tự lực - Hợp tác”. Một trong những khẩu hiệu của phong trào là “Khắc phục nghèo đói, chúng ta cùng có cuộc sống sung sướng”. Nhiều bộ phim truyện, vở kịch lấy chủ đề “Saemaulundong” được phổ biến rộng rãi. Trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài, truyền hình luôn có các chương trình tuyên truyền cho phong trào. Các điển hình nông dân có ý chí, thoát nghèo được bồi dưỡng thành báo cáo viên để tuyên truyền trong các hội nghị, trên các phương tiện truyền thông… |
Nhận ra tầm quan trọng của người đứng đầu dự án, năm 1972 sau một năm triển khai phong trào, Chính phủ đã thành lập “Viện đào tạo lãnh đạo Saemaul” và sau này trở thành “Học viện trung ương bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo đổi mới nông thôn”. Mỗi xã được cử 1 cán bộ đi học. Khóa học nhấn mạnh vào sự cống hiến quên mình và nêu gương cho quần chúng của người lãnh đạo.
Học viên sinh hoạt tập thể, làm việc theo nhóm, chia sẻ kinh nghiệm và có sự trợ giúp của giáo viên. Chính những học viên này sẽ là người lãnh đạo và hướng dẫn cho dân làng, đóng vai trò quan trọng trong thành công của các dự án. Thời lượng của các khoá học ban đầu là 2 tuần tập trung, sau rút ngắn còn 1 tuần và hiện nay là 3 ngày và 2 đêm.
Trong dịp tham gia “Hội thảo về chính sách phát triển nông thôn” tại Hàn Quốc vừa qua, tôi đã dự một khóa đào tạo tại Học viện này. Khi nhập học, học viên được phát áo đồng phục và đeo thẻ tên để sử dụng thường xuyên trong khóa học. Buổi sáng học viên dậy vào lúc 6 giờ, tự dọn phòng ở và vệ sinh cá nhân, khi nghe bài hát Saemaul như một hiệu lệnh thì tập trung ở sân vận động để tập thể dục.
Lên lớp cả ngày nghe giảng bài và nghỉ ăn trưa 1 tiếng, các bữa ăn tự chọn và miễn phí. Buổi tối có 2 tiếng hội thảo để học viên thảo luận theo chủ đề, chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng chương trình hành động sau khóa học. Bằng nhiều hình thức, khóa học đã trang bị những bài học cơ bản về tổ chức triển khai phong trào và khơi dậy “Tinh thần Saemaul” trong học viên. (Còn nữa).
Theo NNVN