Mảnh đất hoang vu heo hút ở Tân Bình vốn là vùng kinh tế mới của các hộ dân vùng hạ Can và một số hộ ở trung tâm xã Gia Hanh lên khai hoang. Theo thời gian, bàn tay cần cù của người dân và tác động từ chính sách phát triển cây ăn quả vùng trà sơn đã trở thành động lực, yếu tố khơi dậy sức sống mới trên những vùng đồi.
Ông Lê Xuân Hồng (thôn Tân Bình) cho biết: “Với diện tích gần 1 ha trồng cam bưởi, năm vừa rồi thu hoạch bói, chúng tôi đã có nguồn thu khoảng 30 triệu đồng. Năm nay, với 250 gốc cam cho thu hoạch, năng suất cũng cao hơn nên ước tính thu nhập từ cam cũng đạt khoảng 200 triệu đồng”.
Để có vườn cây trái sum suê với nguồn thu hàng trăm triệu với ông Hồng là cả một hành trình vất vả. Nghề giáo với mức thu nhập hạn chế không đủ nuôi con, năm 1978, ông đã mạnh dạn rời quê hương Bình Lộc, trở thành 1 trong 15 hộ đầu tiên cơm đùm cơm nắm lên mảnh đất hoang vu này để khai phá.
Từ cây sắn, chuối, chè, hoa màu, cuộc sống của các gia đình đã dần khá hơn, dân cư ở Tân Bình cũng ngày càng đông. Thế nhưng, mãi đến năm 2014, khi chính sách phát triển cây ăn quả trên vùng trà sơn đi vào cuộc sống, thôn Tân Bình mới được tiếp thêm sức sống mới để khơi dậy tiềm năng, thế mạnh vùng đồi.
Với chính sách hỗ trợ về cây giống, từ mô hình vườn cây ăn quả của ông Hồng, phong trào phát triển cây ăn quả đã lan tỏa ở thôn Tân Bình. Cam khe mây, bưởi Phúc Trạch, cam giòn Thượng Lộc theo từng chuyến đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm của người dân dần bén duyên trên vùng đất mới. Đến nay, thôn đã có hàng chục ha cam, bưởi với tổng số 130/151 hộ trồng cam.
Cũng là một trong những hộ đầu tiên từ Ích Hậu (Lộc Hà) di dân về đây, tuổi thơ của anh Phạm Oanh đã gắn liền với những lần theo cha đi phát bờ mở ruộng. Lớn lên nơi vùng rừng núi, ý tưởng về phát triển kinh tế vườn đồi cũng lớn dần trong suy nghĩ của anh. Từ những mô hình đi trước và biến ước mơ làm giàu trở thành hiện thực, anh đã mạnh dạn phá bỏ rẫy sắn, nương chè để phát triển cây bưởi Phúc Trạch và cam giòn Thượng Lộc.
Nhìn vườn cây ăn quả bạt ngàn với tổng số 250 gốc đã bắt đầu cho thu hoạch, anh Oanh không dấu nổi niềm vui: “Năm nay, cam phát triển tốt, quả sai hơn so với trước nhiều. Vườn cam của tôi chủ yếu lấy giống cam giòn Thượng Lộc. Đây là cây ăn quả đã có thương hiệu và phù hợp với chất đất vùng trà sơn. Dù quả hơi nhỏ nhưng da mỏng, tép giòn và đặc biệt là thơm, ngọt nên khách hàng rất ưa chuộng. Năm 2017, cam của tôi đã được lựa chọn bày bán tại lễ hội cam, nhờ đó, thương hiệu làng cam Tân Bình nói chung được thị trường biết đến nhiều hơn”.
Dù thu hoạch bói nhưng năm 2017, vườn cam của anh Oanh cũng đã mang về nguồn thu 120 triệu đồng.
Ông Lê Xuân Thược – Bí thư Chi bộ thôn Tân Bình cho biết: “Gia đình tôi cũng có khoảng 150 gốc, trong đó 100 gốc đã cho thu hoạch. Ước tính năm nay, nguồn thu từ cam cũng đạt khoảng 80 triệu đồng. Sự phát triển của làng cam chúng tôi không chỉ nhờ lợi thế của vùng đồi mà còn nhờ sự đoàn kết nhất trí, hỗ trợ nhau của bà con về kinh nghiệp sản xuất, chăm sóc, thị trường tiêu thụ. Nhờ thế, hầu hết các hộ trong thôn đều đã tận dụng hết diện tích đất để trồng cam. Làng cam Tân Bình từng bước tạo dựng được thương hiệu trên thị trường, thu hút ngày càng nhiều thương lái đến thu mua”.
Cam được xác định là cây chủ lực trong đề án phát triển kinh tế nên chính sách hỗ trợ cây giống, việc khuyến khích mở rộng diện tích trồng cam ở Gia Hanh đang được đẩy mạnh. Và, làng cam Tân Bình đã trở thành vùng đất hứa để xã thực hiện những chính sách này. Đó cũng là động lực, niềm tin để Tân Bình tiếp tục củng cố và phát triển cây cam trở thành một trong những vựa cam chất lượng ở vùng thượng Can Lộc.
Theo baohatinh.vn