Không gian ao làng, làng Chi Quan (Thạch Thất, Hà Nội).
Trong công cuộc xây dựng NTM thực hiện Nghị quyết 26 Hội nghị lần 7 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X, công tác quy hoạch xây dựng NTM là công việc mang tính tiền đề, có tầm quan trọng trước mắt cũng như lâu dài đối với việc xây dựng NTM. Đây là nội dung giúp hoạch định phát triển các không gian trên địa bàn xã một cách toàn diện, đáp ứng tốt các yêu cầu của Đảng và Chính phủ về xây dựng tam nông: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt là việc xây dựng nông nghiệp, nông thôn”. Nội dung của công tác lập quy hoạch xây dựng NTM liên quan chủ yếu đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch sản xuất và quy hoạch sử dụng đất. Trong giai đoạn trước mắt công tác quy hoạch là cơ sở cho việc lập các Đề án xây dựng NTM theo 19 tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM do Chính phủ ban hành. Về mặt lâu dài công tác quy hoạch là cơ sở hoạch định đường lối trong xây dựng phát triển nông thôn theo đúng tinh thần Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X.
Thực trạng công tác quy hoạch NTM trên địa bàn cả nước
Việc lập quy hoạch cho NTM là việc làm cấp thiết của Chương trình xây dựng NTM, quy hoạch xây dựng 19 tiêu chí NTM cho thấy bước đi đúng đắn có tầm nhìn của Đảng và Nhà nước ta. Bởi có lập được quy hoạch tốt thì các bước triển khai xây dựng trên địa bàn các huyện thị mới có thể đẩy mạnh được kinh tế - xã hội. Ngay sau khi có chủ trương lập quy hoạch xây dựng NTM, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 09/2010/TT-BXD ngày 04/8/2010 quy định việc lập nhiệm vụ, đồ án quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng xã NTM.
Qua thực tế triển khai, việc đòi hỏi hợp nhất 3 loại hình quy hoạch (quy hoạch xây dựng, quy hoạch sản xuất và quy hoạch sử dụng đất) trong 1 đồ án quy hoạch xây dựng xã NTM nhằm đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả trong việc lập và quản lý quy hoạch trên địa bàn xã là hết sức cần thiết. Ngày 28/10/2011 Bộ Xây dựng ban hành Thông tư liên tịch số 13/2011/TTLT-BXD-BNNPTNT-BTN&MT quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng xã NTM nhằm đáp ứng yêu cầu này.
Bộ Xây dựng cũng đã kịp thời đưa ra các quy định cụ thể về quy chuẩn, tiêu chuẩn phục vụ công tác lập quy hoạch cũng như xây dựng NTM, ngày 10/9/2009 Bộ đã ban hành Thông tư số 31/2009/TT-BXD về tiêu chuẩn quy hoạch xây dựng nông thôn (cho các vùng miền) và Thông tư số 32/2009/TT/BXD về quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia quy hoạch xây dựng NTM.
Theo tổng kết từ các báo cáo của các địa phương, cho đến nay tỷ lệ số xã trên toàn quốc được phê duyệt quy hoạch xây dựng xã NTM đã được nâng lên 98,2%. Nhìn chung chất lượng các đồ án quy hoạch xây dựng xã NTM còn chưa tốt, nhưng đã đáp ứng được yêu cầu là cơ sở cho việc xây dựng các Đề án xây dựng NTM xã trong giai đoạn trước mắt. Phục vụ tốt cho công tác xây dựng NTM theo Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020.
Hầu hết các đồ án quy hoạch xây dựng xã NTM đều được lập theo Thông tư số 09 và có bổ sung một số nội dung về quy hoạch sản xuất, quy hoạch sử dụng đất được quy định trong Thông tư liên tịch số 13. Các đồ án chưa thể hiện rõ các yêu cầu quy hoạch xây dựng NTM theo tinh thần Nghị quyết 26 NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và thiếu tính liên kết vùng trong các mặt tổ chức sản xuất hàng hóa lớn, xây dựng hạ tầng khung, xây dựng NTM gắn với phát triển đô thị, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn cấp huyện, tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, tiết kiệm trong đầu tư cơ sở hạ tầng và nâng cao điều kiện sống người dân nông thôn gần với điều kiện sống người dân đô thị. Nhìn chung các đồ án quy hoạch xây dựng xã NTM mới đáp ứng được yêu cầu trước mắt, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển lâu dài trên địa bàn xã.
Việc các đồ án quy hoạch đạt chất lượng chưa tốt xuất phát từ nhiều nguyên nhân như trong công tác quy hoạch xây dựng NTM còn rất ít kinh nghiệm và chưa có sự đồng nhất về quan niệm trong thực tế triển khai đối với các tổ chức tư vấn và cả xã hội. Lực lượng tư vấn làm quy hoạch xây dựng NTM không nhiều. Cả nước hiện có 16 viện quy hoạch xây dựng thuộc Trung ương và thành phố, có 47 trung tâm quy hoạch xây dựng trực thuộc Sở Xây dựng các địa phương và khoảng hơn 200 công ty tư vấn, nhưng thực tế đánh giá chỉ có khoảng 10%-15% tham gia công tác lập quy hoạch xây dựng nông thôn. Cuối cùng là hầu như không có tổ chức tư vấn nào có đủ năng lực một cách đồng bộ cả 3 lĩnh vực chuyên môn nói trên để thực hiện chủ động trong việc lập quy hoạch. Trên đây là các nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến chất lượng trong công tác lập quy hoạch xây dựng NTM. Ngoài ra sự hạn chế vê kinh phí lập quy hoạch, phối kết hợp giữa các ngành, các cấp, về số lượng và năng lực cán bộ có chuyên môn thực hiện công tác thẩm định đồ án cũng ảnh hưởng đến chất lượng các đồ án quy hoạch xây dựng NTM.
Về sự ảnh hưởng đến chất lượng các đồ án quy hoạch xây dựng NTM, một khía cạnh cần đề cập thêm đó là tính liên kết vùng trong các đồ án quy hoạch. Sự thiếu hụt liên kết vùng trong các đồ án quy hoạch xây dựng NTM cũng là một nguyên nhân làm ảnh hưởng chất lượng các đồ án quy hoạch xây dựng NTM, cụ thể nó được thể hiện ở các khía cạnh chủ yếu sau: Chưa thể hiện rõ tính đồng bộ trong phát triển hệ thống dân cư nông thôn: Trung tâm nông thôn như thị trấn, thị tứ, các điểm dân cư tập trung; chưa thể hiện rõ tính đồng bộ trong phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng: Khớp nối cơ sở hạ tầng kỹ thuật đầu mối đối với hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn cấp xã; chưa thể hiện rõ tính đồng bộ trong phát triển các khu sản xuất (công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp) và hệ thống cơ sở hạ tầng đầu mối phục vụ sản xuất; chưa hoạch định rõ hệ thống sản xuất nông nghiệp mang tính quy mô.
Đây là sự thiếu hụt tính liên kết vùng trong các đồ án quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới riêng biệt mà chưa có hoạch định của các đồ án cấp trên. Để đảm bảo tính liên kết vùng trong các đồ án quy hoạch xây dựng xã NTM cần thiết phải có các hoạch định mang tính đa ngành cho địa bàn vùng huyện hoặc liên huyện.
Thực trạng công tác quản lý xây dựng NTM theo quy hoạch
Công tác quản lý xây dựng NTM theo quy hoạch trên địa bàn cả nước còn rất ít kinh nghiệm so với quản lý xây dựng theo quy hoạch ở khu vực đô thị. Hiện nay trong khu vực nông thôn việc quản lý xây dựng theo quy hoạch chỉ diễn ra đối với khu vực xây dựng có dự án (chủ yếu đối với xây dựng công trình công cộng xã). Các công cụ giúp cho quản lý xây dựng NTM theo quy hoạch như công bố quy hoạch, cắm mốc quy hoạch, quy định quản lý xây dựng theo quy hoạch được thực hiện rất hạn chế. Sau khi các đồ án quy hoạch xây dựng xã NTM được phê duyệt chỉ có công bố quy hoạch được thực hiện ở tất cả các xã.
Về quy định quản lý xây dựng NTM theo quy hoạch được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quy hoạch xây dựng nông thôn như Nghị định số 08, Thông tư số 09, Thông tư liên tịch số 13. Mặt khác để hướng dẫn cụ thể, thông qua quy hoạch các xã thí điểm cho 6 vùng (trung du và miền núi phía bắc, đồng bằng sông Hồng, miền Trung, Tây Nguyên, Đông nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long) các giải pháp định hướng về quy hoạch, kiến trúc cụ thể theo các đặc trưng của từng vùng, miền và khung quy định quản lý xây dựng theo quy hoạch đã được nghiên cứu đề xuất.
Các sản phẩm trên đã được Bộ Xây dựng ban hành trong toàn quốc như là một công cụ định hướng, hướng dẫn cụ thể về công tác lập quy hoạch xây dựng NTM phù hợp với bản sắc riêng của từng vùng miền, cũng như cơ sở cho việc lập quy định quản lý xây dựng theo quy hoạch. Các giải pháp bao gồm các giải pháp về định hướng sản xuất; tổ chức hệ thống trung tâm và thôn, xóm; tổ chức các loại hình nhà ở, công trình công cộng, cảnh quan đường làng ngõ xóm; tổ chức các công trình phục vụ sản xuất; tổ chức mạng lưới cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Thực tế, cho đến nay tỷ lệ các xã được phê duyệt quy hoạch xây dựng xã NTM xây dựng quy định quản lý này chưa nhiều. Hiện các tỉnh đang tích cực hướng dẫn các xã xây dựng quy định quản lý xây dựng NTM theo tiêu chí của quy hoạch xây dựng NTM. Công việc này cần đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới nhằm nâng cao công tác quản lý xây dựng NTM theo quy hoạch trên địa bàn các xã.
Về mặt tiêu chuẩn cho công tác lập quy hoạch xây dựng NTM cũng được nghiên cứu theo các vùng miền và đã được ban hành. Hiện nay Bộ Xây dựng đang thực hiện nghiên cứu thiết kế điển hình về nhà ở, chợ, đường giao thông nông thôn… Các thiết kế này được ban hành cũng là giải pháp hỗ trợ cho công tác xây dựng NTM phù hợp với bản sắc từng vùng miền.
Về việc cắm mốc quy hoạch được thực hiện còn ít do vấn đề kinh phí và bản đồ nền cho việc lập quy hoạch chưa đủ điều kiện để thiết kế đưa mốc quy hoạch ra ngoài thực địa. Mặc dầu vậy một số tỉnh trong vùng đang chủ động thực hiện công việc này theo điều kiện thực tế của tỉnh.
Xét góc độ 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM thì tiêu chí quy hoạch được đứng đầu tiên, nó cho thấy tầm quan trọng của công tác quy hoạch trong xây dựng NTM. Thực hiện tốt tiêu chí quy hoạch là tạo điều kiện cho việc thực hiện tốt các tiêu chí khác trong Bộ tiêu chí quốc gia, đặc biệt là các tiêu chí về xây dựng cơ sở hạ tầng. Mặc dầu vậy để quản lý tốt xây dựng theo quy hoạch, trong việc thực hiện các tiêu chí khác cần được kết hợp tốt giữa trước mắt và lâu dài, trong từng giai đoạn xây dựng, phù hợp với thực tế từng địa phương. Thí dụ về giao thông cần phải quản lý lộ giới theo quy hoạch cho phát triển lâu dài, nhưng xây dựng trong giai đoạn trước mắt phải phù hợp với thực tế nhu cầu. Về xây dựng nghĩa trang cần xây dựng nghĩa trang tập trung, các nghĩa trang hiện có không phù hợp với phát triển lâu dài cần đóng cửa, chỉnh trang cho đảm bảo môi trường, cảnh quan, có lộ trình xây dựng phát triển nghĩa trang phù hợp với phong tục tập quán từng khu vực địa phương cụ thể…
Vai trò của quy hoạch vùng huyện đối với tái cơ cấu nông nghiệp - xây dựng NTM
Tái cơ cấu nông nghiệp là tổ chức lại sản xuất để có giái trị tăng cao hơn, đưa thu nhập của người làm nông nghiệp cao hơn, thu hẹp khoảng cách về thu nhập, phát triển giữa người dân nông thôn và người dân đô thị. Tái cơ cấu nông nghiệp thành công cần ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp và đẩy nhanh CNH nông nghiệp, HĐH nông nghiệp, nông thôn.
Về mặt kinh tế, tái cơ cấu nông nghiệp cần tập trung khai thác và tận dụng tốt lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới; xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn theo hình thức trang trại, gia trại, khu nông nghiệp công nghệ cao, đạt các tiêu chuẩn quốc tế phổ biến về an toàn vệ sinh thực phẩm. Cơ cấu lại hệ thống tổ chức sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích doanh nghiệp liên kết, ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản với nông dân; phát triển các nhóm nông dân hợp tác tự nguyện, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Phát triển sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Chú trọng phát triển công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp sử dụng nhiều lao động, giải quyết việc làm đảm bảo cho người lao động nông thôn có thu nhập, đời sống ổn định theo tinh thần ly nông, bất ly hương.
Mặt khác tái cơ cấu nông nghiệp phải gắn liền với xây dựng NTM, đây là 2 vấn đề gắn kết chặt chẽ trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội. Cùng với phát triển sản xuất cần phát triển hạ tầng nông thôn, kết nối các làng xã đến thị trấn, trung tâm tỉnh, thành phố. Phát triển các khu đô thị nhỏ, các cụm dân cư với cách thức tổ chức cuộc sống tương tự như dân cư thành thị.
Như vậy tái cơ cấu nông nghiệp - xây dựng NTM sẽ liên quan đến một số mặt trong tổ chức không gian khu vực nông thôn như: Tổ chức các vùng chuyên canh trong sản xuất nông nghiệp; Tổ chức các điểm sản xuất công nghiệp dịch vụ nông nghiệp, chế biến nông sản; Tổ chức các điểm dịch vụ khuyến nông và KHCN trong nông nghiêp; Tổ chức các điểm dịch vụ thị trường sản phẩm nông nghiệp; Tổ chức hệ thống các đô thị nhỏ, thị tứ, điểm dân cư tập trung hoặc cụm dân cư và cơ sở hạ tầng xã hội phục vụ dân cư nông thôn theo hướng đô thị hóa tại chỗ; Tổ chức hạ tầng kỹ thuật khung phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất dân cư nông thôn.
Các mặt trên đây trong tổ chức không gian khu vực nông thôn chỉ được giải quyết cơ bản ở quy hoạch vùng huyện hoặc liên huyện, vì trong quy hoạch vùng tỉnh chỉ giải quyết các định hướng chung cho khu vực nông thôn, không tổ chức mạng lưới cụ thể cho khu vực này, chưa tạo cơ sở định hướng cho việc tổ chức không gian trên địa bàn xã về các mặt trên.
Các vấn đề đặt ra đối với công tác quy hoạch và quản lý xây dựng theo tiêu chí quy hoạch trong trong thời gian tới
Qua thực trạng công tác quy hoạch và quản lý xây dựng NTM theo quy hoạch trên địa bàn xã; thực trạng và triển vọng phát triển khu vực nông thôn trong vùng, một số vấn đề chủ yếu được đặt ra đối với công tác quy hoạch và quản lý xây dựng khu vực nông thôn trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp - xây dựng NTM vùng miền trong cả nước sau đây:
Về định hướng phát triển không gian khu vực nông thôn:
- Hoạch định các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện hoặc liên huyện.
- Tổ chức sản xuất công nghiệp từ nông nghiệp, dịch vụ khoa học trong nông nghiệp và xác định mạng lưới các điểm sản xuất, dịch vụ phù hợp với tổ chức sản xuất, dịch vụ từ nông nghiệp trên địa bàn huyện hoặc liên huyện.
- Hoạch định mạng lưới thị trấn, thị tứ, điểm dân cư tập trung trên địa bàn huyện hoặc liên huyện. Gắn kết hệ thống này với các điểm sản xuất, dịch vụ từ nông nghiệp. Tạo điều kiện cho quá trình đô thị hóa tại chỗ, phát triển dân cư phi nông nghiệp trên địa bàn cấp huyện, xã.
- Hoạch định mạng lưới hạ tầng khung phục vụ sản xuất và liên kết giữa địa bàn sản xuất với khu dân cư, giữa các khu dân cư với nhau trên địa bàn cấp huyện.
- Rà soát, hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn phù hợp với thực tế và phát triển qua kinh nghiệm quá trình xây dựng NTM trên địa bàn toàn quốc.
- Rà soát nâng cao chất lượng tiêu chí các đồ án quy hoạch xây dựng xã NTM trên cơ sở các hoạch định của quy hoạch xây dựng vùng huyện mang tính đa ngành, do các hoạch định này không thể được đề xuất khi lập quy hoạch xây dựng xã NTM cho từng xã riêng biệt.
Quản lý xây dựng NTM theo quy hoạch cần dựa trên việc xây dựng Quy định quản lý xây dựng NTM theo tiêu chí quy hoạch xây dựng xã NTM và cập nhật thay đổi theo các hoạch định của quy hoạch xây dựng vùng huyện có liên quan đến xã đó.
Tóm lại, nông nghiệp nông thôn không phải không có tiềm năng và có rất nhiều việc phải làm, phải thúc đẩy, tiềm năng của nó còn tiềm ẩn, cần phải đánh thức. Quy hoạch xây dựng NTM không chỉ dừng lại ở các quy hoạch trên địa bàn xã, nó còn là sự phát triển hệ thống gắn với phát triển đô thị. Tất nhiên trong giai đoạn hiện nay khu vực nông thôn đã có nhiều khởi sắc nhưng khó khăn còn không ít, sức hút trong mọi lĩnh vực chưa mạnh. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đối với người làm nghề, đòi hỏi người làm nghề cần phải có nhiều tâm huyết. Mặt khác trong phát triển nông thôn rất cần sự quan tâm hơn nữa của xã hội, các ngành, các cấp. Sự quan tâm này được thể hiện bằng hành động thực tế và mang tính chất lâu dài mới có thể làm cho khu vực này phát triển - một khu vực có hơn 70% dân số cả nước đang làm ăn và sinh sống.
Theo TS.KTS Đàm Quang Tuấn/Báo Xây dựng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn