Ngành nông nghiệp phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 40 tỷ USD trong năm 2018. Ảnh minh họa: TTXVN
Ngành nông nghiệp cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Trên thực tế, dù sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn, bất cập, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, song những mô hình nông nghiệp thông minh, nông nghiệp 4.0 vẫn đang “len lỏi” ở nhiều doanh nghiệp, địa phương.
Xu hướng tất yếu
Trong vài năm gần đây, nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản đang gặp phải rất nhiều khó khăn do thiếu hụt lao động. Ở Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, một doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới cũng không nằm ngoài xu hướng chung này.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú cho biết, để sản xuất hết công suất của các nhà máy, Minh Phú cần khoảng 20.000 lao động, nhưng hiện chỉ có 14.000 công nhân.
Mặc dù ngành tôm đang có nhiều dấu hiệu tăng trưởng khả quan, tuy nhiên việc thiếu hụt lao động có thể dẫn đến quy mô sản xuất của ngành bị thu hẹp nếu không có giải pháp khả thi.
Đứng trước thực tế này, để giải quyết bài toán thiếu hụt lao động, trong năm 2017, Minh Phú đã bắt đầu đầu tư thiết bị tự động hóa và robot hóa đưa vào tất cả các khâu chế biến của các nhà máy.
Dù chưa thống kê hết, nhưng việc ứng dụng các công nghệ này có thể giảm được trên 50% lao động. Dù số lượng công nhân của doanh nghiệp trong năm 2017 không tăng, nhưng sản lượng chế biến đã tăng trên 20% so với năm 2016. Điều này cho thấy tính hiệu quả của việc đầu tư công nghệ mới trong sản xuất của doanh nghiệp.
“Hiện khoa học và công nghệ đang tiến rất nhanh như vũ bão. Để đáp ứng với nhu cầu mới, chúng tôi buộc phải ứng dụng công nghệ 4.0 vào tất cả các khâu nuôi trồng cho đến chế biến xuất khẩu. Hiện các ao nuôi tôm của Minh Phú đang được giám sát từ xa thông qua internet (IoT).
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nuôi trồng và chế biến tôm, hy vọng điều này sẽ mang lại hiệu quả sản xuất cho doanh nghiệp”, ông Quang chia sẻ.
Còn tại hệ thống trang trại của Công ty TNHH Huy Long An cũng đang được cơ giới hóa khá đồng bộ. Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An (Long An) cho biết, công ty cũng đang tìm cách ứng dụng công nghệ số để tự động hóa thức ăn, nguồn dinh dưỡng cho bò. Đồng thời, ứng dụng công nghệ và thiết bị để đo nhiệt độ, sự sinh trưởng, chỉ số hóa lý môi trường nước trong toàn bộ các khâu nuôi trồng tôm.
Theo ông Huy, thực tế cho thấy, việc ứng dụng công nghệ cao hỗ trợ rất nhiều trong việc đảm bảo năng suất, ổn định chất lượng và an toàn thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe do các thị trường nhập khẩu đề ra. Hiện doanh nghiệp này đang canh tác khoảng 1.000 ha đất nông nghiệp ở nhiều địa phương khác nhau và nổi tiếng với thương hiệu chuối FOHLA xuất khẩu qua Nhật Bản.
Không chỉ riêng các doanh nghiệp trên, một số mô hình nông nghiệp thông minh đang triển khai thực hiện ở nhiều địa phương. Một số tỉnh, thành cũng đang có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân tiếp cận với nền nông nghiệp 4.0.
Dẫu vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam cũng tương tự nhiều nước đang phát triển trên thế giới, hiện vẫn chưa có các mô hình nông nghiệp 4.0 hoàn chỉnh.
Thiếu mô hình hoàn chỉnh
Theo Tiến sĩ Lê Quý Kha, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, nông nghiệp 4.0 là “hàm số mũ” của nông nghiệp thông minh, công nghệ thông minh, thiết kế thông minh và doanh nghiệp thông minh.
Đó là nền nông nghiệp có thể điều chỉnh phân bón, nước tưới, thuốc bảo vệ thực vật, lượng hạt giống gieo trồng... thông qua thiết bị định vị toàn cầu, mạng internet, cảm biến thăm dò từ xa...
Mục tiêu tối thượng phải là quản lý đến từng ô thửa để tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành, giảm thiểu tồn dư hóa chất, tăng lợi nhuận và duy trì chất lượng môi trường.
Ở một số nước như Mỹ, Brazil và Argentina, nông nghiệp thông minh đã giúp hạ tới 50% giá thành sản xuất ngô và đỗ tương. Đồng thời, nông nghiệp 4.0 cũng giúp một số nước tiên tiến sản xuất đủ hoặc dư thừa một số nông sản.
Tiến sĩ Lê Quý Kha cho rằng, tuy chưa thể áp dụng mô hình nông nghiệp 4.0 đầy đủ như các nước tiên tiến, nhưng ở Việt Nam đã và đang xuất hiện một số mô hình ứng dụng giải pháp thông minh trong sản xuất nông nghiệp.
Đơn cử như việc ứng dụng “3 giảm, 3 tăng” trong canh tác lúa, bón phân viên, phân bón nhả chậm thông minh (chỉ bón một lần nhưng đủ dinh dưỡng cả vụ cho cây trồng), hay mô hình tưới tiết kiệm gắn các sensor điều khiển tự động...
Trong số những công nghệ sản xuất hiện đại trong sản xuất nông nghiệp, việc ứng dụng công nghệ IoT đang được nhiều doanh nghiệp, trang trại đưa vào áp dụng, nhất là ở Lâm Đồng, một trong những “thủ phủ” sản xuất nông nghiệp của cả nước.
Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, trên cơ sở phát triển nông nghiệp ứng dụng cao, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp, trang trại ở Lâm Đồng đã tiếp cận ứng dụng công nghệ IoT trong sản xuất nông nghiệp tạo đột phá, cho doanh thu từ 5-8 tỷ đồng/ha/năm. Hiện ở Lâm Đồng có khoảng 15 doanh nghiệp, trang trại đã ứng dụng công nghệ này trong sản xuất.
“Việc có những nhà cung cấp công nghệ IoT và những trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng IoT trong nông nghiệp thông minh sẽ là những cơ sở hạ tầng quan trọng để Việt Nam tiến hành nông nghiệp 4.0 trong tương lai”, ông Phạm S chia sẻ.
Dù vẫn chưa có mô hình hoàn chỉnh, tuy nhiên theo các chuyên gia, việc tiếp cận kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp 4.0 cần phải hài hòa và phù hợp với đặc thù của các địa phương, tránh chạy theo phong trào.
Ông Lê Đức Thịnh, Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh vào sản xuất nông nghiệp đang là xu hướng chung hiện nay.
Tuy nhiên phần lớn các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân lại đang gặp nhiều khó khăn khi triển khai mô hình này.
Theo ông Thịnh, muốn ứng dụng nông nghiệp 4.0 hiệu quả, bắt buộc phải có môi trường dữ liệu đầy đủ, trong khi đây lại là vấn đề mà ngành nông nghiệp Việt Nam còn yếu.
Do vậy, công việc đầu tiên để thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp 4.0 là hỗ trợ xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về sản xuất nông nghiệp, gồm nhiều hệ khác nhau, như hệ về đất, hệ sinh vật, cây trồng vật nuôi, môi trường…. Đồng thời, cần hỗ trợ các “Vườn ươm” phát huy hiệu quả, giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã mới có thể tham gia sâu hơn vào quá trình này.
Các chuyên gia cũng cho rằng, trong khi hạ tầng cơ sở còn chưa đồng bộ theo khái niệm nông nghiệp 4.0 trên quy mô rộng lớn của cả nước, giá thành sản xuất nhiều mặt hàng ở Việt Nam còn cao hơn nhiều nước xung quanh thì Việt Nam nên đầu tư vào nguồn nhân lực trẻ.
Có như vậy, ngành nông nghiệp mới có thể làm chủ được các công nghệ, thiết bị nông nghiệp thông minh, phát huy hiệu quả của mô hình nông nghiệp thông minh trong thời gian tới./.
Theo Hứa Chung/bnews.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn