Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng
- Qua khảo sát thực tế mới đây của Ban Kinh tế - Ngân sách (KTNS), bà đánh giá thế nào về tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị trên địa bàn thành phố thời gian qua?
- Thời gian qua, cùng với các chính sách, quy định của Trung ương, Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị. Qua quá trình triển khai thực hiện đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần phát triển nông nghiệp Thủ đô và nâng cao đời sống nhân dân. Đặc biệt, việc phát triển chuỗi không chỉ đem lại lợi ích cho người sản xuất, kinh doanh mà còn cung cấp cho người dân những sản phẩm sạch, an toàn.
Tuy nhiên, trên thực tế thì việc phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp của thành phố còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với tiềm năng. Tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp sản xuất tiêu thụ theo chuỗi còn thấp; chưa có doanh nghiệp đầu tàu trong phát triển chuỗi...
- Đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị chưa đạt được những kết quả như mong muốn, thưa bà?
- Trước hết, có thể khẳng định thành phố chưa làm tốt công tác quy hoạch, dự báo vùng nông nghiệp sạch, chưa tuyên truyền rộng rãi về quy hoạch và định hướng sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi đến nhà sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương còn hạn chế; chậm tham mưu, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các đơn vị trong phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp.
Đáng chú ý, sự vào cuộc chỉ đạo của một số chính quyền địa phương chưa tập trung; công tác kiểm soát an toàn thực phẩm, phối hợp với cơ quan chuyên môn chưa chặt chẽ trong phát hiện và xử lý vi phạm. Trong khi đó, công tác kiểm tra, xử lý chưa nghiêm; ý thức người sản xuất, kinh doanh còn thấp nên chưa thúc đẩy cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm an toàn phát triển theo chuỗi.
Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị sản phẩm đã góp phần vào sự phát triển của ngành nông nghiệp Thủ đô |
Định hướng thói quen dùng sản phẩm sạch
- Trước mắt, để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị, theo bà, cần sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế gì?
- Một trong những tồn tại lớn nhất chính là việc chưa có chính sách đồng bộ, riêng về khuyến khích phát triển chuỗi giá trị trong sản xuất, phân phối sản phẩm nông nghiệp mà chủ yếu vận dụng các cơ chế, chính sách hiện có. Bên cạnh đó, việc thực hiện một số cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp của Trung ương và thành phố chậm và chưa đạt mục tiêu so với yêu cầu. Trong khi đó, một số nội dung hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp của thành phố gặp nhiều khó khăn trong thực hiện, kết quả rất hạn chế; tỷ trọng sản phẩm nông nghiệp được sản xuất, phân phối tiêu thụ qua chuỗi giá trị còn thấp…
- Để giải quyết tình trạng nêu trên, UBND thành phố, các ban, ngành liên quan cần làm gì, thưa bà?
- Ban KTNS đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khẩn trương rà soát tất cả các cơ chế, chính sách của Trung ương, thành phố, nhất là các cơ chế, chính sách HĐND thành phố đã ban hành để đánh giá kết quả triển khai thực hiện, đề xuất điều chỉnh, bổ sung hoặc bãi bỏ cơ chế, chính sách không còn phù hợp.
Đồng thời, UBND thành phố cần tăng cường dự báo tốt thị trường, định hướng sản xuất; tuyên truyền, quảng bá cho các thương hiệu, đơn vị sản xuất, kinh doanh, phân phối các loại sản phẩm nông nghiệp có nhãn hiệu, thương hiệu tốt nhằm tăng sức mua của thị trường đối với các loại nông sản này. Ngoài ra, bên cạnh đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, Hà Nội phải tăng cường các khâu sản xuất, chế biến sâu nông sản để tạo giá trị gia tăng cao, phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu. Chúng ta phải làm tốt công tác kiểm định sản phẩm sạch và công bố kết quả kiểm định công khai trên cổng thông tin cho người dân biết, qua đó định hướng và hình thành thói quen tiêu dùng sản phẩm sạch, an toàn.
- Xin cảm ơn bà!
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn