Ông Hoàng Trọng Hưng, Chánh văn phòng Ban Tổ chức Trung ương, cho biết vừa qua Ban đã dự thảo chuyên đề kiểm soát quyền lực và phòng, chống "chạy chức, chạy quyền" trong công tác tổ chức cán bộ, đưa ra lấy ý kiến lãnh đạo các bộ ngành, địa phương.
Mục tiêu Ban Tổ chức Trung ương hướng tới là bốn không, gồm: "Không thể chạy, không dám chạy, không cần chạy và không muốn chạy".
Cơ quan này đưa ra sáu nhóm giải pháp, trong đó trước mắt tập trung vào "không thể chạy và không dám chạy".
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi cùng các Phó trưởng ban tổ chức Trung ương Hà Ban và Nguyễn Thanh Bình (theo thứ tự từ trái qua) bên lề Hội nghị. Ảnh: TTX |
Khắc phục tình trạng "thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh"
Nhóm giải pháp đầu tiên là "nâng cao nhận thức và phát huy vai trò công tác giáo dục chính trị, tư tưởng". Trong đó, Ban tổ chức Trung ương nhấn mạnh phải coi các hành vi, các biểu hiện chạy chức, chạy quyền là kẻ thù của bản thân, là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ; cần lên án, đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi.
Cơ quan tổ chức cũng nhấn mạnh việc nâng cao nhận thức, phẩm chất đạo đức, trách nhiệm của cán bộ tham mưu về công tác tổ chức cán bộ, nhất là người đứng đầu; chú trọng xây dựng hình ảnh người cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng trong sáng, gương mẫu, tinh thông, công tâm, khách quan.
Đặc biệt, dự thảo đề cập đến việc phải nâng cao sức chiến đấu của cán bộ, đảng viên và các tổ chức cơ sở đảng, khắc phục biểu hiện nể nang, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh.
Thi tuyển cạnh tranh chọn người thực tài
Nhóm giải pháp thứ hai là "lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác tổ chức cán bộ, khắc phục những bất hợp lý, tiêu cực, kịp thời chấn chỉnh công tác cán bộ".
Ban tổ chức Trung ương cho rằng, để những đối tượng cơ hội không thể chạy và không dám chạy, phải cụ thể hóa các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định chặt chẽ, đồng bộ về công tác cán bộ ở tất cả các khâu.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu dự hội nghị toàn quốc ngành tổ chức xây dựng Đảng năm 2016 hôm 26-3,
Cùng với đó, ngành tổ chức xây dựng Đảng sẽ nghiên cứu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về xây dựng chế độ phân cấp, phân quyền theo hướng đổi mới tổ chức bộ máy hệ thống chính trị đồng bộ, tinh giản, thực quyền; kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, xây dựng nền đạo đức công vụ trách nhiệm, liêm chính, các mô hình thi tuyển cạnh tranh để lựa chọn người thực tài.
Vừa qua Ban tổ chức Trung ương đã tổ chức thi tuyển chức danh vụ trưởng các vụ Chính sách cán bộ, cơ sở Đảng, vụ Địa phương 3 và đang tiếp tục tổ chức thi tuyển một số trưởng phòng.
Ban Tổ chức Trung ương cũng yêu cầu thực hiện nghiêm hàng loạt quy định đã được ban hành như quy định về luân chuyển cán bộ, phân cấp quản lý cán bộ, bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử; khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, trong đó có tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban chấp hành Trung ương, Bộ chính trị, Ban bí thư quản lý.
Cấp uỷ phải kiểm soát được tài sản và thu nhập của cán bộ
Nhóm giải pháp thứ ba là "thực hiện nghiêm và tích cực hoàn thiện thể chế, cơ chế kiểm soát quyền lực, phòng ngừa và ngăn chặn những tiêu cực trong công tác tổ chức cán bộ".
Trong đó, cấp có thẩm quyền sẽ ban hành quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu; xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền; quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc; thực hiện chế độ kiêm nhiệm và nhất thể hoá một số chức danh phù hợp.
Việc kê khai tài sản, thu nhập cá nhân theo quy định cũng được yêu cầu thực hiện nghiêm. Cấp uỷ có thẩm quyền quản lý cán bộ phải kiểm soát được tài sản và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ có chức vụ, quyền hạn; có biện pháp phù hợp để nắm bắt và xử lý thông tin về các hành vi chạy chức, chạy quyền.
Xây dựng bộ tiêu chí về đạo đức công vụ
Nhóm giải pháp thứ tư là "nâng cao chất lượng đội ngũ, xây dựng đạo đức công vụ của cán bộ tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị".
Cơ quan tổ chức cho biết sẽ xây dựng bộ tiêu chí về đạo đức công vụ với các phẩm chất: Công tâm, trung thực, luôn xuất phát vì lợi ích chung, nói đi đôi với làm và nói không với tiêu cực...
Xoá bỏ đặc quyền, đặc lợi
Nhóm giải pháp thứ năm là "hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo động lực cho cán bộ, công chức; phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong công tác tổ chức cán bộ".
Ban tổ chức Trung ương đề cập đến việc điều chỉnh cơ chế, chính sách theo hướng xóa bỏ đặc quyền, đặc lợi; tiến tới cán bộ lãnh đạo, quản lý được hưởng đúng quyền lợi gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng từng bước cải cách, điều chỉnh chính sách nhà ở, đất ở và các điều kiện làm việc đối với cán bộ, công chức theo hướng nhiều chủ thể tham gia, hạn chế tối đa việc sử dụng ngân sách nhà nước; từng bước bảo đảm cán bộ, công chức đủ sống bằng lương; áp dụng chế độ khoán tiêu chuẩn đãi ngộ đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý vào lương.
Tăng cường giám sát của người dân
Nhóm giải pháp cuối cùng là "tăng cường kiểm tra, giám sát; phát huy vai trò của nhân dân, các cơ quan dân cử, của mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và cơ quan báo chí trong kiểm tra, giám sát".
Ban tổ chức Trung ương nhấn mạnh, để kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền, cần thực hiện hiệu quả chế độ kiểm tra, giám sát, kiểm soát, phản biện, chất vấn, giải trình, truy vấn trách nhiệm. Mặt khác, phải quy định rõ trách nhiệm cá nhân trong các công việc quan trọng để tránh đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm; có cơ chế kiểm soát quyền lực và đề cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu.
Cơ quan tổ chức cũng nêu việc thể chế hóa cơ chế kiểm soát quyền lực bằng các quy định pháp luật cụ thể, như xác định thẩm quyền của HĐND các cấp, vai trò của mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc giám sát và phản biện xã hội; thực hiện nghiêm các nguyên tắc bầu cử dân chủ theo quy định...
Một giải pháp khác cũng được đề xuất là tăng cường đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội nhằm có thêm kênh thông tin kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời biểu hiện chạy chức, chạy quyền; thiết lập hệ thống đường dây nóng tiếp nhận thông tin tố cáo trong lĩnh vực nêu trên.
Theo ông Hoàng Trọng Hưng, dự thảo chuyên đề nêu trên được soạn thảo trong thời gian ngắn và mới chỉ là đề xuất ban đầu. Ban tổ chức Trung ương đang tiếp tục lấy ý kiến, tổ chức hội thảo để bổ sung, hoàn thiện chuyên đề.
Dự kiến trong năm 2018, Ban sẽ tham mưu Bộ chính trị, Ban bí thư ban hành quy chế "Kiểm soát quyền lực và phòng, chống chạy chức, chạy quyền trong công tác tổ chức cán bộ".
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn