Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển, so với Luật Đất đai hiện hành, dự án luật mới giữ nguyên 21 điều, sửa đổi bổ sung 101 điều và có 68 điều mới hoàn toàn.
Tờ trình của Chính phủ tại phiên họp nêu rõ, một trong những hạn chế của Luật Đất đai năm 2003 là các quy định của pháp luật chưa làm rõ cơ chế thực hiện các quyền định đoạt của Nhà nước với vai trò là đại diện chủ sở hữu đất đai và chưa giải quyết hài hòa về lợi ích giữa nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất chưa được quy định đầy đủ, nhất là điều kiện thực hiện các quyền. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng đất chưa nghiêm…
Vẫn theo Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển, dự án luật sửa đổi đã quy định Nhà nước chủ động thu hồi đất theo quy hoạch, tạo quỹ đất sạch, sau đó giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng hoặc đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Dự luật bỏ cơ chế giao đất theo dự án, hạn chế giao đất không thu tiền sử dụng đất, các đơn vị sự nghiệp sẽ chuyển sang thuê đất, tăng cường đấu giá đất để tránh xin - cho và tham nhũng…
Đồng tình với quy định tạo quỹ đất sạch, song Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn cho rằng, nếu sử dụng đất cho mục đích thương mại thì cần đấu giá nhưng không phải trường hợp nào cũng đấu giá được. Dự án lên đến mấy trăm tỷ USD thì khó có thể tiến hành đấu giá nên vẫn có thể giao đất cho một số trường hợp, song phải minh bạch và chặt chẽ để đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội.
Một nội dung đáng chú ý khác là dự án luật đã sửa đổi quy định nguyên tắc định giá đất “do nhà nước quyết định bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá thị trường” thay cho nguyên tắc “sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường”. Thời hạn giao đất trong hạn mức sử dụng cho hộ gia đình, cá nhân lên 50 năm thống nhất cho các loại đất nông nghiệp để khuyến khích nông dân gắn bó hơn với đất đai và yên tâm đầu tư sản xuất.
Theo Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế, TS Trần Du Lịch, nên thực hiện giao đất cho một người đứng tên cụ thể trong một gia đình chứ không nên giao cho hộ gia đình, dẫn đến thủ tục phiền hà.
Tuy nhiên, theo Tờ trình của Chính phủ, hiện vẫn còn tới 10 nội dung có ý kiến khác nhau.
Liên quan đến cơ chế thu hồi đất, dự thảo luật quy định đối với dự án sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhà đầu tư trong nước thực hiện nhận quyền chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án.
Nhiều ý kiến từ phía cơ quan thẩm tra đề nghị nhà nước thực hiện thu hồi đất đối với tất cả các trường hợp, bỏ cơ chế nhà đầu tư tự nhận chuyển quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư để tránh việc tạo ra chênh lệch giá dẫn đến khiếu kiện về đất đai khi nhà nước thu hồi đất.
Về thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại ngân hàng ở nước ngoài để vay vốn cũng còn hai luồng ý kiến. Luồng thứ nhất đề nghị chưa nên quy định, còn luồng ý kiến thứ hai lại cho rằng cần quy định rõ trong luật theo hướng: Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc này để huy động vốn đối với một số trường hợp cụ thể. Việc thế chấp phải đảm bảo chủ quyền quốc gia, lợi ích của đất nước…
A.Thư
sggp.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn