Ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm môi trường trong ngành chăn nuôi do hậu quả của việc phát triển nóng, của chăn nuôi ồ ạt không có quy hoạch đã là câu chuyện quá cũ. Nhiều người không ngần ngại khẳng định việc ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi là “đụng đâu sai đó”. Bởi trên thực tế, với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hay những doanh nghiệp đầu tư cho chăn nuôi phần đông đều có tâm lý “nhắm mắt làm liều”, do tư tưởng và xuất phát của chăn nuôi trong nước đi lên từ nhỏ lẻ. Với doanh nghiệp, do chi phí đầu tư xử lý chất thải trong chăn nuôi tốn kém, luật pháp quy định và chế tài xử phạt còn như “ném đá ao bèo”. Doanh nghiệp sẵn sàng chịu nộp phạt cho hành vi vi phạm của mình.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi vẫn ở mức cao, đặc biệt trong chăn nuôi nhỏ lẻ. Nguyên nhân do ngành chăn nuôi chưa xây dựng được chuỗi liên kết từ chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Công tác quản lý của các cấp chính quyền cũng như cơ quan chuyên môn còn nhiều hạn chế, có nơi chưa được quan tâm tập trung chỉ đạo. Việc xử lý các vi phạm trong xả thải chất thải trong chăn nuôi chưa được xử lý theo quy định của pháp luật. Chế tài xử lý chưa đủ tính răn đe nên ý thức chấp hành của chủ hộ, cơ sở chăn nuôi chưa cao. Cơ chế chính sách của Nhà nước đầu tư cho hoạt động quản lý, thanh tra kiểm tra, đầu tư công nghệ xử lý môi trường chăn nuôi còn thiếu, chưa đồng bộ. Bên cạnh đó công tác tuyên truyền xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi còn nhiều hạn chế.
Chăn nuôi nhỏ lẻ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng Ảnh: Phan Thanh Cường
Là vùng bị ô nhiễm nặng nề từ chăn nuôi heo với danh hiệu “thủ phủ” nuôi và cung cấp thịt heo cho nhiều tỉnh thành phía Bắc, hiện nay người dân xã Ngọc Lũ (Bình Lục, Hà Nam) đang còng lưng chống chọi với tình trạng ô nhiễm môi trường do chính hoạt động chăn nuôi gây ra. Tình trạng ô nhiễm ở đây đang diễn biến ngày càng phức tạp và trầm trọng. Ý thức về vấn đề này, các hộ chăn nuôi đều có làm hầm biogas, nhưng mỗi hầm chỉ có dung tích 25 - 30 m3. Với dung tích này, hầm chỉ giải quyết chất thải cho đàn lợn 20 - 30 con. Phần lớn phân, nước thải còn lại vẫn xả thẳng ra môi trường.
Việc ô nhiễm môi trường đã được cơ quan chức năng nói tới nhiều, đã có những hình thức xử phạt và mức xử phạt được quy định trong luật pháp nhưng bấy lâu nay, việc này chỉ dừng lại theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”. Các quy định, quy chế dường như vẫn chỉ là “nước đổ lá khoai”. Các cơ quan đổ thừa lỗi cho nhau, “mất bò mới lo làm chuồng”, do đó, hậu quả xảy ra liên tục và cả xã hội lãnh đủ.
Tại xã Ngọc Lũ, trước thực trạng ô nhiễm Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hỗ trợ xây dựng thí điểm nhà máy xử lý chất thải. Theo tính toán, nhà máy cũng chỉ xử lý được chất thải cho gần 200 hộ, trong khi đó ở đây có tới 1.500 hộ gia đình trực tiếp tham gia chăn nuôi. Chính vì vậy, công trình nhà máy xử lý chất thải đã phải đóng cửa ngay khi xây dựng xong không lâu. Nhưng đây mới chỉ “bề nổi của tảng băng” bởi còn rất nhiều những vụ ô nhiễm, địa phương đang hàng ngày sống trong ô nhiễm bởi tình trạng chăn nuôi tràn lan, xả thải “vô tư”. Và hậu quả thì đã quá rõ.
Gần đây, trước sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân cả nước hy vọng vào sự “nói thẳng, làm thật” của đội ngũ lãnh đạo, của toàn Đảng, toàn dân. Để mọi việc được diễn ra minh bạch, công khai, đúng người đúng việc, nhân dân cũng nên được tham gia giám sát. Nhưng mọi việc dường như mới bắt đầu, kết quả còn ở phía trước.
Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, mỗi tổ chức, cá nhân đều phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường với từng hoạt động trên nguyên tắc không đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Vấn nạn trong chăn nuôi cũng là hiện trạng tương tự như ở nhiều lĩnh vực khác. Vấn đề thực thi luật pháp trong thực tế có khoảng cách xa so với quy định như nhiều vụ rất lớn về vi phạm môi trường đã, đang và sẽ xảy ra nếu việc thực thi không được thực hiện hiệu quả và hiệu lực.
Và trong khi chờ đợi guồng quay này hoạt động nhuần nhuyễn, vấn nạn ô nhiễm môi trường vẫn treo lơ lửng chưa được tháo bỏ.
>> Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội: cần thực hiện tốt việc quy hoạch trong chăn nuôi để tăng cường quản lý, thúc đẩy sản xuất, từng bước giảm phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, tạo cơ chế chính sách cho chăn nuôi theo quy hoạch trong đó có chính sách hỗ trợ về xử lý môi trường. Xử lý nghiêm vi phạm về môi trường trong chăn nuôi. Xây dựng chuỗi liên kết từ chăn nuôi, giết mổ chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền nhất là chăn nuôi sinh học, phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn