Những chính sách có hiệu lực từ tháng 9
Từ ngày 1/9, Thông tư số 10/2017 của Bộ Tài chính có hiệu lực thi hành, bổ sung nhiều quy định mới trên thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP). Điểm mới nhất trong văn bản này là quy định về cho vay trái phiếu để bán. Theo đó, việc vay TPCP thực hiện theo thỏa thuận của các bên và thông qua hệ thống giao dịch tại Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, hoặc trên hệ thống cho vay chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, đảm bảo nguyên tắc sau: Chỉ thành viên giao dịch là thành viên đấu thầu TPCP được vay TPCP để bán theo quy chế; thời hạn vay tối đa là 180 ngày và không được vượt quá thời hạn còn lại tới khi đáo hạn TPCP...
Theo thông tư số 4/2017 hướng dẫn điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng có hiệu lực từ 1/9,mức trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc sẽ được tăng.
Cán bộ nguyên là bí thư Đảng ủy, chủ tịch xã thì được hưởng 1.846.000 đồng một tháng. Cán bộ nguyên là phó bí thư, phó chủ tịch, thường trực Đảng ủy, ủy viên thư ký UBND, thư ký HĐND xã, xã đội trưởng, trưởng công an xã thì được hưởng 1.786.000 đồng một tháng. Các chức danh còn lại hưởng 1.653.000 đồng một tháng. Chính phủ vừa ban hành Nghị định 84 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 173 năm 2013 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ.
Từ 10/9, phát sai lệch bản tin dự báo thiên tai, khi tượng thủy văn sẽ bị phạt 40-50 triệu đồng.
Theo quy định mới, việc truyền, phát sai lệch bản tin dự báo cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn bị phạt 40-50 triệu đồng. Bản tin chậm so với thời gian quy định cũng bị phạt 20-30 triệu đồng. Hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ cũng bị tăng nặng. Nếu quy định cũ chỉ tước quyền sử dụng giấy phép 3-12 tháng với người vi phạm, thì nghị định 84 quy định tước quyền sử dụng giấy phép 3-24 tháng. Nghị định có hiệu lực từ 10/9.
Nghị định số 88/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 56/2015 về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực từ 15/9. Văn bản này đã sửa đổi nhiều tiêu chí phân loại đánh giá viên chức ở mức hoàn thành nhiệm vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ theo hướng bỏ yêu cầu phải đáp ứng tiêu chí có ít nhất một công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả trong việc thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận. Với quy định mới này, từ ngày 15/9 chỉ viên chức được đánh giá ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mới phải đáp ứng tiêu chí về công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến như trên. Việc đánh giá sẽ dựa trên khối lượng công việc thực hiện được. Những tiêu chí để đánh giá sẽ được thủ trưởng các cơ quan đơn vị xây dựng và quyết định.
Chính phủ thông qua dự án luật riêng về đặc khu kinh tế
Chính phủ vừa ban hành nghị quyết về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, trong đó thống nhất thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Theo đó, đây là dự án luật quan trọng, nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng một số đặc khu kinh tế để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế phát triển vùng có tính đột phá, đồng thời thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 về Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Đơn vị).
Chính phủ thống nhất thông qua dự án Luật, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ nghiên cứu tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ tại phiên họp này, chỉnh lý dự án Luật về một số nội dung.
Phú Quốc sẽ là 1 trong 3 đặc khu kinh tế của Việt Nam.
Cụ thể, về nguyên tắc áp dụng pháp luật: Bảo đảm tuân thủ Hiến pháp năm 2013, có thể chế, chính sách ưu đãi vượt trên các luật hiện hành, có khả năng cạnh tranh, thích ứng cao với yêu cầu hội nhập quốc tế; trong đó cần có một số chính sách ưu đãi cao hơn các đặc khu kinh tế, khu kinh tế tự do trong khu vực nhằm thu hút đầu tư. Có quy định cho phép áp dụng luật này đối với các Đơn vị được Quốc hội thành lập sau khi Luật này có hiệu lực, bảo đảm tính ổn định của Luật.
Về áp dụng pháp luật nước ngoài và giải quyết tranh chấp tại tòa án nước ngoài, do đây là vấn đề liên quan đến chủ quyền pháp lý và quyền tài phán quốc gia, Chính phủ thống nhất báo cáo Quốc hội hai phương án để Quốc hội xem xét, quyết định.
Về tổ chức chính quyền Đơn vị, thống nhất phương án tổ chức chính quyền Đơn vị theo mô hình Trưởng Đơn vị do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, không tổ chức Hội đồng nhân dân; quy định phân cấp cho Trưởng Đơn vị một số thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, UBND cấp tỉnh; bổ sung quy định cơ chế giám sát của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với Trưởng Đơn vị; tổ chức và hoạt động của các cơ quan: Tòa án, Kiểm sát, Thi hành án là cấp đặc biệt, có đủ thẩm quyền trong hoạt động tư pháp, tố tụng.
Về nguồn vốn đầu tư cho Đơn vị, quy định kết hợp các nguồn hỗ trợ có mục tiêu của ngân sách Trung ương và để lại hợp lý nguồn tăng thu của Đơn vị để đầu tư hạ tầng thiết yếu ban đầu.
Các Bộ, cơ quan liên quan có trách nhiệm chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc hoàn thiện các quy định tại dự thảo Luật liên quan đến phạm vi quản lý nhà nước được phân công.
Theo kế hoạch, Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt sẽ được áp dụng chung cho ba đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).
Công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng của NHNN còn nhiều thiếu sót
Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa có kết luận thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong công tác thanh tra, giám sát, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
TTCP xác định trong thời gian từ 1/1/2010 đến 30/6/2015, cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, NHNN chi nhánh Hà Nội, NHN chi nhánh TP HCM có một số khuyết điểm, vi phạm.
Cụ thể, khi các đơn vị này tiến hành thanh tra, thời gian thực hiện một số cuộc thanh tra vượt so với quyết định, không thực hiện hết nội dung được phê duyệt trong kế hoạch. Một số kết luận thanh tra việc kiến nghị, xử lý đối với các vi phạm chưa nghiêm theo các quy định của pháp luật. Không xử phạt vi phạm hành chính đối với các đối tượng có vi phạm; Chưa kịp thời có biện pháp xử lý, chấn chỉnh hữu hiệu đối với một số tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng chi trả.
Theo TTCP, các tổ chức tín dụng có nhiều vi phạm nhưng trong công tác thanh tra, kiểm tra giám sát chưa kịp thời phát hiện để xử lý ngăn chặn. Chất lượng một số cuộc thanh tra chưa cao.
Việc đôn đốc kiểm tra giám sát việc thực hiện kết luận thanh tra quyết định xử lý về thanh tra của NHNN còn nhiều hạn chế, dẫn đến tình trạng khắc phục sửa chữa, thực hiện kiến nghị sau thanh tra của một số tổ chức tín dụng còn kéo dài, chưa đúng tiến độ về thời gian yêu cầu.
NHNN chưa áp dụng biện pháp theo thẩm quyền để xử lý hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý đối với hành vi vi phạm của đối tượng thanh tra không thực hiện kết luận chỉnh sửa sau thanh tra theo quy định; Chậm ban hành quyết định đặt tổ chức tín dụng vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, khi tổ chức tín dụng lâm vào một trong các trường hợp theo quy định.
Ngoài ra, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo có khuyết điểm, vi phạm như: thời hạn tiếp nhận xử lý và giải quyết tố cáo đối với một số đơn tố cáo vượt thời hạn quy định của Luật Tố cáo. Thời hạn thụ lý giải quyết khiếu nại và thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu đối với một số đơn khiếu nại vượt thời hạn quy định.
Bộ Y tế khẳng định thuốc H-Capita của VN Pharma không phải là thuốc giả
Trong cuộc họp báo Chính phủ diễn ra vào chiều 30/8, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, về góc độ chuyên ngành, Bộ Y tế khẳng định thuốc H-Capita không phải là thuốc giả. Căn cứ vào khoản 24, Điều 2, Luật Dược 2005 (vụ việc xảy ra vào năm 2014) thì "thuốc giả" là sản phẩm được sản xuất dưới dạng thuốc với ý đồ lừa đảo, thuộc một trong những trường hợp sau: thuốc không có dược chất; có dược chất nhưng không đúng hàm lượng đã đăng ký; có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn; mạo tên, kiểu dáng công nghiệp của thuốc đã đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp của cơ sở sản xuất khác.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Tiến cho biết, thuốc H-Capita là thuốc có dược chất Capecitabine. Hàm lượng dược chất theo kết quả giám định là 97,5%, trong khi tiêu chuẩn chất lượng cho phép không thấp hơn 93% và không lớn hơn 105%. Thuốc H-Capita có chứa dược chất Capecitabine như ghi trên nhãn, đúng dược chất ghi trên nhãn. Đồng thời, thuốc này không mạo tên hay kiểu dáng công nghiệp của thuốc nào đã đăng ký sở hữu công nghiệp của cơ sở khác.
Như vậy, căn cứ vào khoản 23, Điều 2 quy định “Thuốc kém chất lượng là thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền”, Thứ trưởng cho biết, kết luận giám định thuốc H-Capita là thuốc kém chất lượng. Thuốc có kết quả kiểm nghiệm tạp không định danh lớn nhất là 0,17%, trong khi phải thấp hơn 0,1%. Màu sắc viên thuốc thực tế là màu hồng, không giống với màu viên trong tiêu chuẩn là màu đỏ, do đó, không đạt tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký.
Cũng tại phiên họp này, lãnh đạo Chính phủ đã yêu cầu xử lý nghiêm mọi vi phạm, làm rõ mọi góc khuất liên quan vụ việc xảy ra tại Công ty Dược VN Pharma. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Thanh tra Chính phủ thanh tra toàn diện việc cấp phép của Bộ Y tế.
Ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho biết, Thủ tướng đã giao cho Thanh tra Chính phủ làm rõ nên tới đây, Tổng Thanh tra sẽ chỉ đạo thanh tra làm rõ các vấn đề của Bộ Y tế.
Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bị bắt
Ngày 1/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) khởi tố ông Nguyễn Xuân Sơn (nguyên chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN), Ninh Văn Quỳnh (nguyên kế toán trưởng PVN, hiện là phó tổng giám đốc) về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị cáo buộc về cùng hành vi còn có ông Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường (nguyên thành viên Hội đồng thành viên PVN).
Ông Quỳnh và ông Thắng tại cơ quan điều tra.
Động thái này được nhà chức trách đưa ra trong tiến trình điều tra giai đoạn II, vụ án tiêu cực xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương - OceanBank. Các bị can bị cho là "gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc PVN góp vốn điều lệ vào OceanBank".
Ngoài ông Sơn đang bị TAND Hà Nội xét xử, ông Quỳnh và Thắng bị bắt giam, hai người còn lại bị cấm đi khỏi nơi cư trú.
PVN thông báo đang thực hiện thủ tục đình chỉ công tác với ông Quỳnh. Những ngày qua, tại phiên xử đại án sai phạm xảy ra tại OceanBank, ông Quỳnh bị triệu tập tới tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Theo hồ sơ vụ án, đến ngày 31/3/2014, OceanBank có vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng, cổ đông lớn là PVN - chiếm 20%; Công ty CP Tập đoàn Đại Dương (OGC) 20%, Công ty TNHH VNT 20% và Công ty CP Đầu tư và xây dựng Sông Đà chiếm 6,65%.
Năm 2008, PVN ký hợp đồng với OceanBank và trở thành cổ đông, đối tác chiến lược. Lúc này, Nguyễn Xuân Sơn giữ chức Tổng giám đốc công ty Tài chính dầu khí (PVFC) được PVN giới thiệu làm thành viên HĐQT kiêm chức vụ Tổng giám đốc OceanBank. Đến cuối năm 2010 ông Sơn lại về PVN làm Phó tổng giám đốc.
Trong đại án xảy ra tại OceanBank đang được TAND Hà Nội xét xử, cơ quan điều tra cáo buộc ông Sơn 3 tội danh: Tham ô tài sản, Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông này với tư cách đại diện góp vốn của PVN bị quy kết đã có hành vi lợi dụng chức vụ được giao để ban hành, tổ chức và chỉ đạo các hoạt động trái pháp luật chiếm đoạt 246 tỷ đồng. Ngoài ra, ông Sơn còn bị cáo buộc chiếm đoạt 69 tỷ trong chi chăm sóc khách hàng qua BSC (công ty sân sau của Hà Văn Thắm).
Danh Hùng (tổng hợp)/kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn