Túi ni lông: Tiện nhưng không lợi
Theo chân ông Cao Xuân Thìn, Phó Giám đốc Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn – Hà Nội) đến bãi rác Nam Sơn cũ đã được chôn lấp cách đây 20 năm, chúng tôi thực sự “sốc” khi tận mắt chứng kiến lớp đất đá mà nhân viên Khu liên hợp vừa đào lên.
Mỗi chiếc túi ni lông cần từ 500 đến 1.000 năm mới phân hủy hết. Ảnh: IT
20 năm trôi qua, các loại rác hữu cơ đã biến thành mùn nhưng túi ni lông thì còn nguyên vẹn bởi vật dụng mỏng, nhẹ này cần từ 500 năm đến 1.000 năm mới có thể phân huỷ hết. “Theo phân tích của ngành môi trường, trước đây tỷ lệ ni lông trong rác rất thấp, chỉ khoảng dưới 5%, nhưng hiện nay thói quen tiêu dùng của người Việt Nam đã nâng con số này lên trên 10% - một con số quá lớn trong rác sinh hoạt” – ông Thìn thông tin.
Túi ni lông chính là nguyên nhân gây nên nạn "ô nhiễm trắng" ở khắp nơi trên thế giới. Ảnh: IT
Từ lâu “ô nhiễm trắng” đã trở thành cụm từ quen thuộc được các nhà khoa học dùng để gọi về loại ô nhiễm do túi ni lông gây ra. Theo báo cáo của Liên hợp quốc, mỗi năm lượng rác nhựa thải ra đủ để bao quanh Trái đất 4 lần. Mỗi phút có 1.000 túi nhựa được tiêu thụ, nhưng chỉ có 27% trong số chúng được xử lý và tái chế. Chính vì vậy, chủ đề của Ngày Môi trường thế giới (5/6) năm nay là “Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông”
Thực tế này hoàn toàn dễ hiểu, bởi túi ni lông và các sản phẩm bằng nhựa đã trở thành những vật dụng khó có thể thiếu trong cuộc sống thường ngày. Nó gắn với thói quen cố hữu của không ít người dân. Với ưu điểm bền, chắc, tiện dụng và giá thành thấp, nó được sử dụng phổ biến và hầu như có mặt ở mọi nơi.
Bên cạnh túi ni lông, rác thải nhựa cũng là vấn đề nhức nhối không kém. Ảnh: IT
Theo thống kê, mỗi hộ gia đình Việt Nam thường thải ra hơn 01 túi ni lông một ngày bao gồm cả túi to, túi nhỏ và những túi siêu nhỏ... Như vậy hàng triệu túi nilon được sử dụng và thải ra môi trường hàng ngày.
Thông tin từ Bộ TNMT cho biết: chỉ riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi ni lông. Mỗi ngày Hà Nội thải ra từ 4.000 đến 5.000 tấn rác, trong đó rác thải ni lông chiếm đến 7-8%. Đáng chú ý là lượng túi ni lông này tăng theo từng năm và tạo thành gánh nặng lớn cho môi trường.
Bắt đầu từ thay đổi thói quen
Tác hại của nhựa và túi ni lông đến môi trường và sức khỏe con người là rất lớn, tuy nhiên đến nay con người chưa thể dùng các loại vật liệu khác để thay thế hoàn toàn. Do vậy, để hạn chế, giảm thiểu việc sử dụng các sản phẩm từ nhựa và túi ni lông đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng.
Tiện lợi, giá thành rẻ là những ưu điểm mà người nội trợ yêu thích tui ni lông. Ảnh: IT
Tại một số địa phương đã giảm thiểu sử dụng túi ni lông hiệu quả nhờ những mô hình, phong trào cụ thể. Đơn cử, từ năm 2009 lãnh đạo TP Hội An và người dân trên đảo Cù Lao Chàm đã bắt đầu thực hiện chương trình “Nói không với túi ni lông”.
Mỗi hộ dân được phát 2 giỏ nhựa và hướng đến thói quen sử dụng “túi sinh thái”. Các chương trình truyền thông cũng được tổ chức với những câu slogan độc đáo như: “Xách giỏ đi chợ, phong cách của người nội trợ"; “Không túi ni lông, bảo vệ môi trường” được treo trên đường làng, ở cầu cảng đón khách du lịch.
Theo Phó chủ tịch UBND xã Tân Hiệp (TP.Hội An) Phạm Thị Mỹ Hương, chương trình đã đạt được hiệu quả tốt nhờ sự triển khai đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân và sự chung tay của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, địa bàn triển khai cũng phân theo từng khu cụm nhỏ để dễ quản lý, vận động.
Hình ảnh các bà nội trợ xách giỏ đi chợ ở Cù Lao Chàm - một hình ảnh rất đẹp và ý nghĩa. Ảnh: IT
Theo TS. Nguyễn Văn Hồng, Phân viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, cần áp dụng đồng bộ và lâu dài các giải pháp quản lý, các giải pháp kinh tế, các giải pháp khuyến khích và tuyên truyền cả ngắn hạn và dài hạn. Cụ thể: không phát không túi ni lông tại các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn các thành phô, người tiêu dùng muốn mua phải trả giá cao; hạn chế sản xuất, mua bán và phân phối túi ni lông tại các địa phương; tính phí thu gom và tái chế túi ni lông cho người sản xuất, không được chuyển phí sang người tiêu dùng thông qua giá thành sản phẩm.
Đồng tình với quan điểm này, bà Dương Thị Phương Anh, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TNMT) cho rằng, việc thu thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông cũng đã cải thiện được ý thức của nhà sản xuất trong việc hạn chế sử dụng nguyên liệu khó phân hủy để sản xuất túi ni lông.
Rác thải nhựa rất nhiều nằm lại dưới đáy đại dương, nơi mà chúng sẽ tồn tại nhiều thế kỷ, và trở thành một phần thức ăn đầu độc các loài sinh vật biển. Theo dự báo của các nhà khoa học, khối lượng rác nhựa đến năm 2050 ở các đại dương, sẽ nặng hơn khối lượng của cá. Và Việt Nam được xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác nhựa lớn trên thế giới. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn