Buổi chiều, trên bãi biển ở xóm 1 xã Cẩm Lĩnh, hàng chục lao động nữ tất bật, miệt mài tách vỏ con sôn. Con sôn hay còn gọi là con “hà”, là loài hải sản sống ở biển có giá trị kinh tế cao. Mùa khai thác sôn diễn ra từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm.
Hiện nay, bình quân mỗi ngày, người dân trong xã khai thác khoảng 3-4 tấn sôn vỏ. Toàn xã hiện có gần 100 người thu mua sôn để tách vỏ bán ruột. Nghề thời vụ này đang mang lại thu nhập khá cho lao động nữ vùng biển Cẩm Lĩnh.
Chị Trần Thị Thuận - chủ thu mua sôn cho biết, bình quân mỗi ngày gia đình chị thu vài tấn sôn do ngư dân ở xã khai thác ở các vùng biển Cẩm Xuyên, Kỳ Anh (Hà Tĩnh) và Quảng Bình… Một tấn sôn vỏ có giá 1 triệu đồng. Sau khi tách vỏ, ruột con sôn được bán ở các thị trường trong và ngoài nước. Thời tiết thuận lợi, nguồn hàng ổn định, mỗi ngày chị Thuận tạo việc làm cho hơn 10 lao động.
Sôn là loài hải sản có giá trị dinh dưỡng cao, có thể chế biến nhiều món ăn hấp dẫn. Một kg ruột sôn có giá từ 100-120 ngàn đồng.
Sôn được khai thác về, sau đó chia ra từng rọ...
... luộc chín...
... tách lớp vỏ cứng...
...lấy ruột, rửa qua nước đá...
... và đóng gói, cấp đông để mang đi tiêu thụ. Chị Hà, một lao động tách vỏ sôn cho biết: Tiền công để tách 1 tạ sôn là 70 ngàn đồng, một ngày làm khoảng 3-4 tiếng, chị có thu nhập khoảng 100-150 ngàn đồng.
Theo Nam Giang - Hoàng Bách/baohatinh.vn