Từ hai bàn tay trắng đến tài sản chục tỷ
Mấy năm gần đây, nếu ai có dịp về thị trấn Nông trường Mộc Châu - một huyện miền núi của tỉnh Sơn La - sẽ quen dần với hình ảnh những chiếc xe hơi bóng loáng đỗ ngay trước mỗi trang trại bò sữa. Sau khi kết thúc công việc của mình, nông dân ở đây dành những phút giây thành thơi lái ô tô dạo phố hay đến thăm thú họ hàng, bạn bè,...
5 giờ chiều, tranh thủ chờ công nhân chất đầy những thùng sữa lên xe cải tiến để chở ra trạm thu mua, ông Lâm Thanh Trân - thị trấn Nông trường Mộc Châu - dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh trang trại bò sữa bề thế của mình. Vừa đi ông vừa chia sẻ, tính cả bê lần bò, trại này của ông có gần 130 con bò sữa, mỗi ngày cho sản lượng sữa trên một tấn.
Nông dân sở hữu những đàn bò sữa có giá lên đến hàng chục tỷ đồng |
Tham quan một vòng trang trại, ông Trân đến cạnh con bò sữa đang đứng nhai cỏ, tay xoa đầu nó rồi nói: “Bò sữa đã giúp gia đình tôi đổi đời, giờ không chăn bò thì chẳng biết làm gì khác”.
Ông Trân tiết lộ, đàn bò này ước tính giá trị lên đến gần chục tỷ, mỗi năm giúp gia đình ông thu lãi khoảng 2 tỷ đồng từ tiền bán sữa sau khi trừ hết chi phí. Thế nên, cách đây mấy năm, ông đã mạnh dạn mua chiếc xe hơi gần tỷ đồng để những lúc rảnh rỗi có thể lái ô tô đưa gia đình đi chơi.
Cũng là một trong số những người nông dân được đổi đời nhờ con bò sữa, anh Dương Văn Nội ở thị trấn Nông trường Mộc Châu kể, quê gốc anh ở Nam Định, sau khi tốt nghiệp cấp 3 anh lên thị trấn này làm thuê cho các gia đình với khoản thu nhập bấp bênh. Khi đó, cuộc sống nghèo khổ bữa đói bữa no. Một thời gian sau, anh được người ta bán chịu cho hai con bò sữa về nuôi. Kể từ đó cuộc đời anh phất lên thành ông chủ trại bò gần 80 con, giá trị gần chục tỷ đồng.
Có những người tỷ bàn tay trắng giờ thành tỷ phú nhờ con bò sữa |
“Giờ thì mỗi ngày đàn bò cho thu một tấn sữa. Tính ra, mỗi năm cũng lãi gần tỷ bạc sau khi đã chi trả hết tiền lương cho 4 nhân công”, anh nói.
Anh kể thêm, trước kia nuôi bò khá vất vả, phải dậy từ 3-4 giờ sáng để vắt sữa; ban ngày thì hết tắm cho bò, dọn phân bò lại cắt và băm cỏ cho bò ăn. Song, giờ thì dùng máy móc hết. Chẳng hạn, vắt sữa có máy, cắt cỏ có máy, băm cỏ cũng có máy, trồng cỏ có máy cày,... rất thuận tiện và nhanh, tiết kiệm được công lao động và đặc biệt là giúp người chăn nuôi an nhàn hơn.
Kiếm hàng trăm triệu từ xử lý phân bò tự động
Sau khi chia sẻ về công việc chăn bò, anh Nội dẫn chúng tôi ra thăm khu xử lý phân bò mà anh tâm đắc nhất. Anh khoe: “Đây là dây chuyền xử lý phân bò tự động, chỉ cần lấy tay ấn nút một cái là phân được xử lý, cực sạch sẽ lại gọn gàng”.
Anh Nội cho biết, trước kia việc dọn phân bò, ủ phân rất vất vả, đặc biệt là khu vực ủ phân có mùi hôi gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Thế nhưng, từ đầu năm 2017, anh mạnh dạn đầu tư gần 600 triệu đồng để làm dây chuyền xử lý phân bò tự động.
Ngoài thu tiền tỷ từ bò sữa, nông dân chăn bò giờ còn đầu tư dây chuyên ép phân bò tự đồng bảo vệ môi trường |
Theo đó, phân bò ở chuồng được dọn về chung một hố, máy được bật sẽ tự động hút phân bò tươi lên ép thành phân khô. Kết quả, thành phẩm sẽ là phân riêng (phân khô tơi xốp có độ ẩm khoảng 15-25%), còn nước sẽ chảy về một bể khác có hệ thống sục với men vi sinh. Qua bể sục, nước sẽ được lọc một lần nữa để đạt mức tiêu chuẩn có thể đem tưới rau, cỏ, cây hoa màu,...
Riêng về sản phẩm phân ép khô, anh đem dùng bón cỏ, ngô. Số còn thừa ra anh đóng bao đem bán ra ngoài thị trường cho những hộ trồng hoa màu với giá 2.500 đồng/kg.
“Loại phân này bán khá chạy vì phân tơi xốp, lại không có mùi hôi. Do đó, từ đầu năm đến giờ anh thu được gần 70 triệu tiền bán phân bò, dự tính con số này sẽ tăng dần”. Với anh Nội, đây là số tiền khá lớn, bởi trước đó, anh không những không thu được đồng nào mà còn phải mất thêm tiền thuê nhân công ủ phân.
Nhờ dây chuyền ép phân tự động, họ thu hàng trăm triệu đồng nhờ bán phân bò khô |
Tương tự, đầu năm nay gia đình anh Trần Văn Kiên (Hoàng Quốc Việt, Thị trấn Nông trường Mộc Châu) cũng quyết định đầu tư hơn 800 triệu đồng để làm dây chuyền ép phân bò khô tự động. Dây chuyền này ngoài tác dụng bảo vệ môi trường còn giúp anh có thêm khoản thu nhập kha khá.
“Mới là bước đầu thôi, thời gian tới tôi sẽ làm bài bản hơn để đưa ra được loại phân hữu cơ thích hợp với từng loại cây trồng khác nhau. Như thế, phân bò bán ra cũng sẽ có giá hơn rất nhiều”, anh Kiên nói.
Chia sẻ với PV. VietNamNet, lãnh đạo Công ty Bò sữa Mộc Châu cho biết, hiện nhiều hộ dân ở nông trường này tự đầu tư những dây chuyền xử lý phân tự động như vậy.
Theo vị lãnh đạo trên, Mộc Châu là điểm đến du lịch rất nổi tiếng của tỉnh Sơn La, trong khi nuôi bò lại là ngành kinh tế chủ lực của nông trường. Vì vậy, việc xử lý phân bò từ các trang trại sẽ bảo vệ được môi trường, không làm ảnh hưởng đến ngành du lịch, lại giúp bà con tăng thu nhập.
Hiện công ty cũng lên kế hoạch thành lập một nhà máy xử lý phân tự động để xử lý phân bò của tất cả các trang trại chăn nuôi, đồng thời xử lý cả nguồn phân cực lớn của các trang trại chăn nuôi lợn, gà tại địa phương, vị lãnh đạo tiết lộ.
Theo vinanet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn