Chương trình tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ đông - xuân 2012 - 2013 theo chỉ đạo của Chính phủ đã khép lại từ ngày 31/3 vừa qua. Dù các doanh nghiệp đã mua đủ số lượng gạo, đạt 100% kế hoạch và bảo đảm giá lúa cao hơn giá định hướng của Bộ Tài chính đưa ra nhưng vẫn còn lo ngại về hiệu quả của chính sách này.
Sau hơn 1 tháng triển khai 116 đơn vị, doanh nghiệp đã mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo, với giá lúa cao hơn giá định hướng từ 100 đến 200 đồng/kg. Đánh giá về kết quả mua tạm trữ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho rằng, kết quả chưa được như mong muốn của doanh nghiệp và nông dân trồng lúa. Do đặc thù mỗi địa phương không giống nhau dẫn đến tình trạng có những nơi nông dân không đạt lợi nhuận 30% như mục tiêu đề ra.
Có những nơi nông dân không đạt lợi nhuận 30% như mục tiêu đề ra (Ảnh: vtv.vn) |
Thứ trưởng Vũ Văn Tám phân tích: “Mong muốn là người nông dân thu được lợi nhiều hơn nhưng trên thực tế do đặc thù các vùng miền, điều kiện sản xuất và giá xuất khẩu nên việc nông dân hưởng lợi như mức 30% là không nhiều, và một số nơi không đạt được. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, thị trường xuất khẩu không thuận lợi thì đây cũng là việc mà các bộ ngành, chính phủ cũng như nông dân cùng phải chia sẻ”.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, sản phẩm nông sản của nước ta hầu hết không bán trực tiếp đến doanh nghiệp mà đều thông qua hệ thống thương lái. Doanh nghiệp chưa đủ nguồn lực tổ chức hệ thống thu mua tận ruộng của nông dân. Nông dân cũng không thể chở lúa đi sấy rồi giao trực tiếp cho doanh nghiệp. Về phía doanh nghiệp, trong thời điểm nhu cầu thị trường giảm mà nguồn cung lại tăng, xuất khẩu khó khăn thì việc tạm trữ cũng trở thành áp lực giải phóng hàng để trả nợ ngân hàng. Ðiều đó lý giải việc các doanh nghiệp tạm trữ lúa gạo buộc phải hạ giá bán ra để xoay vòng vốn.
Ông Võ Thành Đô, Phó cục trưởng Cục chế biến Thương mại Nông lâm thủy sản và nghề Muối phân tích: Năm 2013 sau khi mua tạm trữ giá đã lên 100-200 đồng/kg, rõ ràng nếu không tổ chức mua tạm trữ thì giá còn xuống rất thấp, đầu tiên là nông dân chịu thiệt, còn doanh nghiệp hiện chưa biết lãi hay lỗ. Bởi vì sau thời gian mua tạm trữ, sẽ xuất khẩu, nếu giá xuất khẩu thấp, DN thấy không hiệu quả tại thời điểm hiện nay. Nhưng những năm trước trước, vụ đông xuân và trước vụ hè thu giá còn thấp, vào vụ giá cao doanh nghiệp cũng sẽ được hưởng lợi.
Một vấn đề khác đặt ra là lượng lúa, gạo tạm trữ chỉ đạt 15% so với tổng sản lượng cần tiêu thụ, thì 85% còn lại sẽ tiêu thụ như thế nào, với mức giá ra sao? Mặc dù cả Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đều khẳng định, thu mua tạm trữ lúa, gạo không phải là giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho nông dân mà là giải pháp để nâng đỡ thị trường, hỗ trợ thu mua lúa trong giai đoạn cao điểm thu hoạch lúa nhằm đẩy giá lúa lên theo chiều hướng có lợi cho nông dân. Hiện, chưa có giải pháp nào khả thi hơn khi giá lúa thị trường có xu hướng giảm.
Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng: Các Bộ ngành và chính phủ đang tìm 1 cơ chế phù hợp làm thế nào cho người dân hưởng lợi tốt nhất mà ở đây là hưởng lợi trực tiếp. Làm thế nào người nông dân tiêu thụ được sản phẩm thuận lợi, được giá, mà được giá ở đây là so sánh với giá thế giới chứ không phải được giá theo mong muốn của mình. Như Thái Lan, Ấn Độ là Chính phủ đứng ra thu mua lúa cho nông dân nhưng ở nước ta thì nguồn lực của chúng ta còn hạn chế chưa thể làm được.
Hiện nay, Hiệp hội Lương thực Việt Nam kiến nghị Chính phủ giao việc thu mua tạm trữ lúa, gạo về các địa phương. Phương án này sẽ giúp địa phương căn cứ vào sản lượng lúa trên địa bàn và năng lực của doanh nghiệp để phân bổ trực tiếp sản lượng thu mua, giúp giải quyết tốt hơn bài toán sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu gạo. Trong khi khả năng xúc tiến thương mại của nhiều doanh nghiệp còn khá hạn chế thì nguy cơ lượng gạo tồn kho sẽ tăng lên, ảnh hưởng đến giá lúa, gạo trong nước và xuất khẩu.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn