Bên cạnh đó, trong khu vực doanh nghiệp đã có những “con chim đầu đàn” trưởng thành về mặt quản trị, và các doanh nghiệp cũng có nhiều khát vọng để trở thành hạt nhân trong các ngành hàng… Đặc biệt, với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của Chính phủ, các ngành chức năng cùng sự cố gắng của người dân, doanh nghiệp sẽ tạo thành hệ sinh thái khép kín từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ. Đó là những tín hiệu, yếu tố tích cực để ngành Nông nghiệp khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của mình.
Doanh nghiệp phải “chớp” cơ hội
Để “chớp” cơ hội từ EVFTA, các doanh nghiệp nông nghiệp đã và đang lên kế hoạch chi tiết từ cơ cấu kinh doanh đến đầu tư mở rộng sản xuất…
Ông Ryan W.Galloway, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Nafoods cho biết, khi có thông tin về việc ký kết EVFTA, Nafoods đã làm việc ngay với đại diện thương mại cũng như các đối tác của công ty tại châu Âu để nhận diện cơ hội và thách thức.
Hiện tại, Nafoods bị áp thuế nhập khẩu 7%, nhưng khi EVFTA có hiệu lực, công ty sẽ đỡ được khoản thuế này. Như vậy, EVFTA sẽ tác động tích cực không chỉ đối với trái cây chế biến nói riêng, mà với cả các sản phẩm giá trị gia tăng như cô đặc, cấp đông, sấy. Do đó, Nafoods đã và đang lên kế hoạch mở rộng danh mục sản phẩm để tung ra thị trường.
Theo ông Ryan W.Galloway, doanh thu của Nafoods 6 tháng đầu năm 2019 bằng doanh thu cả năm 2018, kế hoạch cuối năm nay sẽ vượt 1.000 tỷ đồng.
Không chỉ Nafoods, các doanh nghiệp khác trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đang lên kế hoạch cụ thể với thị trường của EVFTA. Chia sẻ bên lề cuộc họp Đại hội đồng cổ đông năm 2019 vừa diễn ra, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Minh Phú (Mã: MPC) cho rằng, EU là thị trường thuận lợi nhất nhờ giảm thuế trong bối cảnh các thị trường tiêu thụ tôm khác đang giảm nhu cầu nhập khẩu.
Hiện tại, tỷ trọng xuất khẩu vào EU của Minh Phú là 11%. Thị trường xuất khẩu chủ yếu vẫn là Mỹ và Nhật Bản. Theo ông Quang, đến năm 2020, tập đoàn sẽ nâng thị phần xuất khẩu thủy sản sang EU lên 15-16%.
Để làm được điều đó, Minh Phú sẽ xây dựng khu nuôi tôm công nghệ cao với diện tích 600ha (đã được tỉnh Kiên Giang phê duyệt), sau đó tiếp tục mở rộng thêm 2.500ha và nuôi theo công nghệ 2-3-4 do doanh nghiệp này tự nghiên cứu.
Nâng cao kỹ năng hội nhập
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao kỹ năng hội nhập của cả hệ thống. “Con cá ngừ của Việt Nam có trọng lượng 337kg, chỉ bán được 37 triệu đồng. Còn con cá ngừ đại dương của Nhật Bản 270kg quy về tiền Việt Nam bán được 70 tỷ đồng. Đó là kết quả của đẳng cấp trình độ kinh tế và kỹ năng hội nhập”, Bộ trưởng nêu ví dụ.
Định hướng giải pháp nhằm tận dụng tối đa cơ hội, giảm thiểu thách thức, thúc đẩy xuất khẩu nông sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn lên tầm cao mới, cạnh tranh quốc tế, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần phải thay đổi về nhận thức, tư duy trong hội nhập, đồng thời cải cách thể chế và chính sách để tạo thuận lợi thúc đẩy môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư và đảm bảo tuân thủ các cam kết. Trong đó, cách tiếp cận và thực hiện phải hướng tới phát triển bền vững cả về kinh tế - xã hội - môi trường, không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế.
Về những thách thức khi tham gia Hiệp định CPTPP và EVFTA, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định, ngành Nông nghiệp có rất nhiều mối lo nhưng một trong những điểm lo lắng nhất là sản xuất manh mún. Việt Nam có 8,6 triệu hộ nông dân, 10 triệu hecta đất canh tác mà phải đi cạnh tranh với những nước có tài nguyên đất mênh mông. Khắc phục vấn đề này phải thực hiện bằng cách vận động hộ nông dân tham gia vào hợp tác xã hay liên kết cùng doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam -VCCI) cho hay, khi tham gia CPTPP và EVFTA, quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan có thể không dễ đáp ứng, nhất là đối với nông sản nhập khẩu. Cam kết FTA không đồng nghĩa với giấy phép/visa xuất khẩu cho các loại hàng hoá. Cam kết cũng sẽ không xoá bỏ các yêu cầu về điều kiện an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; các hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), kiểm dịch động - thực vật (SPS)… Bên cạnh đó, hội nhập sẽ làm gia tăng sức ép cạnh tranh từ các nông sản nhập khẩu từ EU và CPTPP. Đồng thời, chi phí sản xuất cũng như chi phí tuân thủ các quy tắc (lao động, bảo vệ môi trường…) đều sẽ tăng.
“Chúng ta phải làm trên tinh thần minh bạch, bình đẳng, đồng bộ. Phải coi 100 triệu dân thị trường trong nước cũng như thị trường xuất khẩu. Hàng hóa sản xuất ra phải đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn. Làm được điều đó đồng nghĩa với việc bán hàng đi được tất cả các nước. Và thực hiện được việc này cần sự đồng hành lớn hơn từ Chính phủ, Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.