Năm 2015 ngành lâm nghiệp tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao giá trị sản xuất (Ảnh minh họa: BT)
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2014, ngành lâm nghiệp đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, các chỉ tiêu về lâm nghiệp đều đạt cao hơn so với năm 2013, đồng thời cũng là năm ngành đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay với giá trị xuất khẩu tăng kỷ lục. Cụ thể, tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 7,09%; tỷ trọng giá trị sản xuất trong giá trị ngành nông, lâm, thủy sản đạt 3,9%; kim ngạch xuất khẩu lâm sản (kể cả lâm sản ngoài gỗ) đạt 6,2% tỷ USD, tăng 12,8% so với năm 2013.
Bên cạnh đó, đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp bước đầu đã tạo chuyển biến trên thực tiễn thông qua sử dụng giống cây lâm nghiệp chất lượng cao. Đồng thời đề xuất được các phương án giảm tỷ trọng dăm gỗ xuất khẩu; chuyển đổi sang trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn mang lại giá trị cao cho người trồng rừng.
Trong công tác đổi mới công ty lâm nghiệp, lâm trường quốc doanh, ngành đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi từ các nông, lâm trường quốc doanh thành các công ty TNHH nông, lâm nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Nhiều công ty đã bước đầu đổi mới quản trị doanh nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đất đai, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Một số công ty đã tổ chức lại sản xuất theo mô hình sản xuất, kinh doanh tổng hợp nông – lâm – công nghiệp và dịch vụ; hình thành vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến và thị trường; mở rộng dịch vụ cung cấp vật tư, tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ kỹ thuật cho nhân dân trong vùng.
Bên cạnh đó, công tác quản lý bảo vệ rừng đạt nhiều chuyển biến tích cực với các vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng giảm; hiện tượng phá rừng được tập trung khống chế, kiểm soát kịp thời. Đặc biệt, trong năm 2014, lĩnh vực hợp tác về lâm nghiệp tiếp tục đạt được nhiều bước phát triển về chiều rộng và chiều sâu. Trong đó, nổi bật Việt Nam đã chính thức gia nhập và trở thành thành viên thứ 69 của Tổ chức gỗ nhiệt đới quốc tế (ITTO).
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong năm 2014, hoạt động của ngành lâm nghiệp vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế. Trong đó, việc triển khai đề án tái cơ cấu ngành ở một số địa phương còn chưa kịp thời, chưa tạo được sự chuyển biến rõ nét. Công tác gắn kết giữa tái cơ cấu ngành lâm nghiệp với các ngành khác còn hạn chế; chưa tạo được chuyển đổi trong cơ cấu sử dụng, chế biến, xuất khẩu sản phẩm gỗ rừng trồng; chế biến sâu vẫn còn chậm, chủ yếu là chế biến thô, hiệu quả sử dụng lâm sản vẫn còn thấp. Đồng thời, rừng đã được giao ở nhiều nơi nhưng chưa được quản lý bảo vệ chặt chẽ, chưa được đo đạc, cắm mốc xác định ranh giới trên thực địa nên còn xảy ra nhiều tranh chấp; đời sống của người làm nghề rừng còn nhiều khó khăn, tác động tiêu cực đến công tác quản lý bảo vệ rừng.
Nhìn chung công tác phát triển rừng đã được các địa phương tập trung triển khai thực hiện, đặc biệt là trồng rừng sản xuất, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh và chăm sóc rừng trồng. Tuy nhiên, do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, mưa, rét, khô hạn thất thường ảnh hưởng đến công tác phòng chống, cháy rừng và thời vụ trồng rừng. Đồng thời do thiếu về nguồn vốn, định mức đầu tư thấp trong khi diện tích đất để trồng rừng phân bố phân tán, địa bàn nhiều xã đi lại khó khăn dẫn đến diện tích trồng rừng phòng hộ và đặc dụng chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch giao.
Thêm vào đó, diện tích đất chưa sử dụng hoặc hoang hóa còn nhiều; xử lý chậm và thiếu kiên quyết đối với các trường hợp sử dụng đất trái quy định. Trách nhiệm quản lý của chính quyền và doanh nghiệp chưa được làm rõ; ở một số công ty xuất hiện tình trạng buông lỏng quản lý đất đai, giao khoán, sử dụng đất sai mục đích,… Hầu hết các công ty có vốn, tài sản nhỏ bé và còn nhiều khó khăn về tài chính; kết quả sản xuất, kinh doanh chưa tương xứng với nguồn lực tài nguyên rừng, đất đai được giao. Theo Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong năm 2015, ngành tiếp tục thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng kết hợp với tái cơ cấu ngành nhằm thúc đẩy tăng trưởng, góp phần thực hiện mục tiêu của ngành nông nghiệp. Trong đó, tiếp tục đổi mới căn bản hệ thống quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên, gắn bảo vệ và phát triển rừng với nâng cao chất lượng đời sống, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc ít người.
Bên cạnh đó, phát triển các mô hình trồng cây lâm nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của các địa phương; phát triển rừng gỗ lớn, cây đặc sản, cây dược liệu gắn với khâu chế biến. Đồng thời nghiêm túc thực hiện trồng rừng thay thế cho diện tích rừng bị chuyển đổi để làm thủy điện và mục đích khác. Quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả bền vững diện tích rừng hiện có và quỹ đất được quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp. Phấn đấu năm 2015 đạt các chỉ tiêu kế hoạch gồm: giá trị sản xuất lâm nghiệp 25 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp 7-7,2%; tỷ trọng giá trị sản xuất của lâm nghiệp trong giá trị sản xuất nông lâm thủy sản 3,9-4%; kim ngạch xuất khẩu lâm sản 6,7 tỷ USD; độ che phủ rừng 42%.
Nhằm đạt được các mục tiêu đề ra, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Bá Ngãi, thời gian tới, ngành lâm nghiệp sẽ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, tiến hành tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi, tạo ra vùng liên kết giữa người trồng rừng và các đối tượng chế biến, thương mại. Đồng thời, tăng cường các giải pháp khoa học công nghệ về giống mới, kỹ thuật mới nhằm nâng cao năng suất và chất lượng. Bên cạnh đó, ngành sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ các cơ chế, chính sách để thực hiện kế hoạch trồng rừng phòng hộ, đặc dụng; quản lý và sử dụng rừng phòng hộ, phát triển rừng gắn với chính sách xây dựng nông thôn mới nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng.
Mặt khác, tăng cường triển khai kế hoạch bảo vệ rừng quyết liệt ở những điểm nóng, triển khai kế hoạch trồng rừng theo mùa vụ ở các tỉnh. Thực hiện công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng theo đúng quy định của pháp luật. Hướng dẫn, sắp xếp ổn định hệ thống tổ chức ngành lâm nghiệp ở địa phương, đảm bảo quản lý, hiệu quả; chú trọng nâng cao vai trò, trách nhiệm, năng lực và điều kiện làm việc cho đội ngũ kiểm lâm địa bàn. Song song với đó chủ động hợp tác quốc tế nhằm vận động, thu hút nguồn vốn ODA và FDI thông qua các hiệp định, chương trình, dự án quốc tế; bảo vệ thị trường nội địa hợp lý, phát triển thị trường xuất khẩu lâm sản phù hợp với luật pháp quốc tế./.
Theo: cpv.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn