Chiều nay (10/11), Quốc hội làm việc tại hội trường, thông qua Nghị quyết về thực hiện nhiệm vụ ngân sách Nhà nước năm 2014-2015.
Trong báo cáo giải trình về thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2014-2015, một số ý kiến cho rằng, năm 2014 thu NSNN tăng lớn mà không giảm bội chi là không hợp lý, đề nghị sử dụng số tăng thu để xử lý các khoản nợ, nợ quỹ hoàn thuế, nợ cấp bù chênh lệch lãi suất cho 2 ngân hàng chính sách, tập trung giảm bội chi xuống dưới 5,3%GDP, góp phần giảm nợ công.
Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô năm 2014 ổn định, lạm phát thấp, nhu cầu tăng tổng cầu của nền kinh tế lớn; trong khi đó, việc triển khai một số chương trình, nhiệm vụ trong dự toán chi NSNN năm 2014 gặp nhiều khó khăn do chưa được bố trí đủ nguồn để thực hiện.
“Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ mức bội chi NSNN năm 2014 ở mức 5,3%GDP để có thêm nguồn lực thanh toán các khoản nợ của NSNN và một phần chuyển nguồn sang năm 2015 để thực hiện tăng lương. Đề nghị Chính phủ tổng hợp, báo cáo phương án sử dụng số tăng thu NSTW đúng quy định của Luật NSNN” - Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị Chính phủ phấn đấu tăng thu thêm; bố trí kinh phí để tăng chi đảm bảo xã hội và thực hiện tăng lương theo lộ trình.
Tại phiên họp thứ 32 của UBTVQH, Chính phủ đã báo cáo dự toán thu NSNN năm 2015 là 901.100 tỷ đồng. Trên cơ sở rà soát và tiếp thu ý kiến của UBTVQH, Chính phủ đã đánh giá lại khả năng thực hiện thu NSNN năm 2014 và đã tiếp thu ý kiến của UBTVQH. Theo đó, dự toán thu NSNN năm 2015 trình Quốc hội đã điều chỉnh tăng thêm 10.000 tỷ đồng so với số đã báo cáo UBTVQH, nâng dự toán thu lên 911.100 tỷ đồng, đạt tỷ lệ động viên 20,3%GDP, trong đó, tỷ lệ động viên từ thuế, phí đạt 18,9%GDP. Thu nội địa tăng 13,4%, thu từ hoạt động XNK tăng 8,8%; thu từ dầu thô được xây dựng với mức giá 100USD/thùng.
UBTVQH cho rằng, đây là mức dự toán tích cực, nhất là trong bối cảnh giá dầu thô trên thị trường thế giới từ cuối tháng 9 trở lại đây giảm liên tục, nhiều dự báo của các tổ chức tài chính uy tín trên thế giới cho rằng giá dầu thô năm 2015 chỉ xoay quanh khoảng 85-90 USD/thùng, nên rủi ro về giảm giá dầu tác động đến giảm thu dầu thô so với dự toán là khá lớn (khoảng 10 - 14,5 nghìn tỷ đồng), đòi hỏi Chính phủ, chính quyền địa phương phải tích cực phấn đấu trong triển khai thực hiện. Vì vậy, xin Quốc hội cho giữ số dự toán thu này.
Về điều chỉnh tiền lương, tiếp thu ý kiến ĐBQH, để góp phần động viên, nâng cao đời sống của người về hưu, người có công và một bộ phận người hưởng lương từ NSNN mà có thu nhập thấp, sau khi thống nhất với Chính phủ, UBTVQH đề nghị bổ sung vào Dự thảo Nghị quyết nội dung “Thực hiện điều chỉnh tăng 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống). Thời điểm thực hiện từ ngày 01/01/2015”.
Việc điều chỉnh này một mặt giúp cải thiện thu nhập cho khoảng 6,3 triệu người, trong đó đối tượng do NSNN đảm bảo là gần 5 triệu người, chiếm khoảng 2/3 tổng số đối tượng hưởng lương và trợ cấp từ NSNN; mặt khác đảm bảo mối tương quan với việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng của khu vực doanh nghiệp.
Nguồn kinh phí thực hiện khoảng 11.100 tỷ đồng, kiến nghị Quốc hội cho phép chuyển nguồn tăng thu NSTW năm 2014 sang năm 2015 là 10.000 tỷ đồng, số còn lại 1.100 tỷ đồng được đảm bảo từ nguồn của NSĐP dành để cải cách tiền lương.
Ngoài nguồn kinh phí bổ sung thực hiện điều chỉnh tăng thu nhập đối với các đối tượng nói trên theo ý kiến của các vị ĐBQH, thì dự toán NSNN năm 2015 đã bố trí 1.700 tỷ đồng thực hiện điều chỉnh mức trợ cấp xã hội theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ cho khoảng 550.000 đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng là người nghèo, người sống trong cơ sở bảo trợ xã hội./.