Để đạt được các chỉ tiêu về ngành tôm được phân bổ trong Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố có nuôi tôm tập trung triển khai nhiều giải pháp trong thời gian tới.
Thu hoạch tôm nuôi siêu thâm canh tại Cà Mau. Ảnh: Huỳnh Thế Anh/TTXVN |
Theo đó, căn cứ những chính sách chung của Chính phủ đã ban hành, các địa phương cần đẩy mạnh việc xây dựng và ban hành chính sách khuyến khích thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành tôm của địa phương; ban hành và triển khai thực hiện chính sách khuyến khích phát triển các mô hình liên kết sản xuất, mô hình hợp tác xã hiệu quả trong sản xuất nuôi tôm tại địa phương.
Bên cạnh đó, tập trung đủ, kịp thời nguồn lực và kinh phí để triển khai thực hiện các Dự án trong Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025; thực hiện tốt việc quan trắc, cảnh báo môi trường và phòng ngừa dịch bệnh, đặc biệt là các vùng nuôi tôm tập trung; thông tin kịp thời cho người nuôi tôm về tình hình thị trường, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường để hạn chế tối đa thiệt hại, chủ động các biện pháp sản xuất nhằm đạt hiệu quả cao trong sản xuất.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị các địa phương kiểm soát chặt chẽ chất lượng, an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm tôm trong sản xuất, lưu thông; xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu về thị trường trong và ngoài nước; tổ chức thông tin thị trường đến các cơ quan, doanh nghiệp, người sản xuất liên quan. Hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xây dựng, bảo vệ, phát triển thương hiệu sản phẩm tôm Việt Nam. Đề xuất các giải pháp, thực hiện kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn bán sản phẩm tôm tiểu ngạch và chuyển dần sang xuất khẩu chính ngạch.
Ngoài ra, tăng cường vận động, tuyên truyền, thanh kiểm tra việc sử dụng thuốc, hoá chất, vật tư nuôi trồng thuỷ sản đúng quy định trong nuôi tôm; hướng dẫn cơ sở nuôi tôm thực hiện theo đúng quy định, quy chuẩn kỹ thuật; tuân thủ nghiêm khung lịch mùa vụ; hỗ trợ xây dựng và tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị gồm: sản xuất giống, thức ăn, nuôi, chế biến và nghiên cứu...
Đồng thời, tổng kết, đánh giá các mô hình sản xuất tiên tiến để nâng cao năng suất, hiệu quả, kiểm soát tốt các khâu trong sản suất để phổ biến, tuyên truyền, nhân rộng, phát huy các thế mạnh của địa phương đối với sản xuất tôm như phát triển những trung tâm nuôi tôm công nghệ cao, các mô hình nuôi tôm sinh thái, tôm hữu cơ theo đặc thù của từng địa phương, đặc biệt là các tỉnh trọng điểm về tôm nước lợ như Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng.
Bên cạnh đó, có chính sách khuyến khích phát triển mô hình nuôi theo tiêu chuẩn chứng nhận; ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng chương trình giám sát và truy xuất nguồn gốc sản phẩm tôm thông qua việc đánh số nhận diện cơ sở nuôi tôm.
Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025 gồm một số mục tiêu quan trọng như: Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm tôm đạt 10 tỷ USD (giá trị kim ngạch tôm nước lợ xuất khẩu là 8,4 tỷ USD); tổng diện tích tôm nước lợ đạt 750.000 ha, diện tích nuôi tôm càng xanh tập trung đạt 50.000 ha, nuôi tôm hùm đạt 1,3 triệu m3 lồng; tổng sản lượng tôm nuôi đạt 1,153 triệu tấn (tôm nước lợ đạt 1,1 triệu tấn; tôm càng xanh đạt 50.000 tấn và tôm hùm đạt 3.00 tấn)...
Theo Thành Chung/baotintuc.vn