Về xã Nga Điền hỏi thăm nhà anh Hải không ai là không biết, bởi anh không chỉ là người nuôi dê nhiều nhất nhì ở xã Nga Điền, mà anh có cách nuôi dê vô cùng đặc biệt. Đàn dê hơn 120 con cứ tối ngày lang thang trên các núi đá. Ban ngày thì chúng tự leo trèo tìm thức ăn, đến tối thì tự đi tìm hang hốc để ngủ.
Nhanh nhẹn, chịu khó, ham học hỏi đó là những cảm nhận đầu tiên của phóng viên khi mới tiếp xúc với anh Hải. Vừa ngồi tiếp chuyện với phóng viên, anh Hải kể lại câu chuyện bén duyên với nghề nuôi dê núi này.
Anh Mai Văn Hải đang đi kiểm tra đàn dê được chăn thả theo kiểu hoang dã.
Nhận thấy nuôi dê cho hiệu quả kinh tế khá cao và rất phù hợp với điều kiện chăn thả tự nhiên trên núi đá ở địa phương nên anh Hải bàn bạc với gia đình và quyết định đầu tư vào nuôi dê. Đầu năm 2014, anh mạnh dạn đưa gần 30 con dê về nuôi thử nghiệm, tuy mới nuôi thử nhưng đàn dê phát triển rất tốt.
Khởi nghiệp từ 30 con dê làm vốn, nhận thấy nuôi loại dê núi này cho hiệu quả kinh tế cao, anh tiếp tục đầu tư để mở rộng mô hình. Sau hơn 4 năm, đến nay quy mô đàn dê núi của gia đình anh Hải đã lên tới hơn 120 con. Trung bình mỗi năm, gia đình anh Hải xuất bán ra thị trường hơn 1 tấn đê thương phẩm, được bán với giá dao động từ 170-180 ngàn đồng/1kg. Sau khi trừ hết chi phí gia đình anh Hải lãi hàng trăm triệu đồng.
Dê núi một năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 1-2 con, dê con lúc mới đẻ đến lúc cai sữa mất 3 tháng. Dê con sau 1 năm có trọng lượng 25-30kg sẽ được xuất chuồng.
Chia sẻ với Dân Việt, anh Hải cho biết, hiện đàn dê của lên đến 120 con, trong đó dê mẹ là gần 80 con và tất cả đang được nuôi thả theo kiểu hoang dã. Ban ngày thì chúng tự đi kiếm ăn trên các vách núi, còn ban đêm thì chúng tự tìm vào hang để ngủ.
Để cho tận mắt chứng kiến đàn dê được nuôi thả theo kiểu hoang dã, anh Hải dẫn chúng tôi đi xem đàn dê. Phải đi vất vả lắm chúng tôi và anh Hải mới tìm thấy một bầy dê hơn 20 con, còn số khác thì tản ra đi kiếm ăn ở các vách núi khác. “Ban ngày chúng thường tách đàn, phân thành những bầy nhỏ để đi ăn còn đến tối hay mưa gió thì chúng tự về hang để tránh mưa và ngủ nên không cần đến sự chăm sóc của con người ” anh Hải tiết lộ
“Nuôi theo kiểu này con dê không khác gì dê núi ngoài hoang dã, mặt khác ở trên núi lại có rất nhiều cây thuốc mà con dê thích ăn nên thịt dê của gia đình thơm ngon hơn ở nơi khác, cũng vì lý do đấy mà dê luôn được bán với giá cao” anh Hải chia sẻ.
Cũng theo anh Hải, tính ra nuôi dê lãi hơn nhiều so với các loại vật nuôi khác, nhanh thu hồi vốn, không sợ ế hàng. Con dê này bản chất là nó thích leo trèo trên núi đá để kiếm ăn nên rất phù hợp với kiểu chăn thả ngoài hoang dã. Ngoài ra, nuôi theo cách này không tốn bất kì một đồng chi phí làm chuồng trại hay thức ăn...
“Chăn thả kiểu này không sợ mất mát do ốm đau hay thời tiết, mà sợ nhất bị trăn rắn nó bắt. Hầu như năm nào đàn dê của gia đình cũng bị hao hụt mất mấy con do bị trăn, rắn nó bắt. Có những lần đi kiểm tra con trăn 40 kg nó đang bắt một con dê trưởng thành ” anh Hải cho biết thêm.
Nhờ nuôi dê theo kiểu sống hoang dã mà mỗi năm gia đình anh Hải bỏ túi hàng trăm triệu đồng.
Với ý chí dám nghĩ, dám làm, cùng sự cần cù, chịu khó, tâm huyết với nghề, đến nay mô hình nuôi dê của anh Hải là một trong những mô hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu tại chính quê hương của mình.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn