Thanh Hóa là một trong những tỉnh có tổng đàn lợn rất lớn, song công tác tiêm phòng còn rất lơ là. Đáng chú ý là không một địa phương nào triển khai tiêm phòng vacxin bệnh tai xanh cho đàn lợn. Đến khi dịch xuất hiện trên diện rộng thì ngành nông nghiệp mới chạy đôn, chạy đáo đốc thúc từng huyện triển khai kế hoạch tiêm phòng. Mà cũng chỉ kêu gọi được ở các huyện xuất hiện dịch chứ những huyện khác hiện vẫn “bình chân như vại”.
Bà Lê Thị Tuyết bên con lợn sề đã bỏ ăn mấy ngày nay
Thôn kêu lên xã, xã tâu lên huyện, huyện trình lên tỉnh, tỉnh giao cho các ngành tham mưu. Cho nên đến giờ phút này, dịch tai xanh đã xuất hiện được gần 1 tháng rồi nhưng kế hoạch xuất 20 ngàn liều vacxin vẫn đang chờ Sở Tài chính thẩm định.
Trung ương thấy dịch càng ngày càng có chiều hướng lây lan, ngay lập tức đã cấp cho Thanh Hóa 2 đợt, mỗi đợt 20 ngàn liều vacxin để phục vụ tiêm phòng. Các huyện không chủ động, kinh phí thì giơ lên đặt xuống, khiến tiến độ tiêm phòng trong vùng dịch thời gian đầu hết sức chậm trễ. Lãnh đạo tỉnh đã phải nhiều lần chỉ đạo bằng văn bản hay điện thoại thúc giục và trực tiếp xuống tận địa bàn để chỉ đạo dập dịch nhưng xem ra sự chuyển biến ở dưới có lúc, có nơi chỉ là đối phó.
Mặc dầu đã trải qua trận “bão tai xanh” 2008 rồi nhưng việc phòng chống dịch tai xanh lần này ở Thanh Hóa vẫn còn lúng túng. Trao đổi với PV NNVN, sáng 4/4, lãnh đạo xã Dân Lý, huyện Triệu Sơn cho biết: “Khi xảy ra dịch tai xanh, Trạm thú y huyện chỉ đạo tiêm phòng cho những con chưa bị ốm, còn những con ốm thì cách ly, con chết thì tiêu hủy. Trong khi đó, Chi cục Thú y lại chỉ đạo là tiêm phòng tất cả cho đàn lợn”.
Do tổng đàn lợn trên địa bàn quá lớn mà cán bộ thú y chỉ có 1 người và 2 lao động thời vụ nên xã Dân Lý nhờ 12 cán bộ thú y của các xã khác đến hỗ trợ tiêm phòng. Điều đáng tiếc, việc triển khai tiêm phòng trong vùng dịch của cán bộ thú y ở đây đã không thực hiện đúng quy trình dẫn đến những tai họa cho người chăn nuôi. Cụ thể, cán bộ thú y xã Dân Lý chỉ dùng duy nhất 1 cái kim tiêm để tiêm cho hàng trăm con lợn từ lớn đến nhỏ, từ lợn ốm sang lợn khỏe, từ thôn này qua thôn khác. Chính vì điều này mà đã có nhiều gia đình ở đây chịu tai họa từ việc làm vô trách nhiệm của cán bộ thú y.
Ông Nguyễn Văn Tân ở thôn 14, xã Dân Lý cho biết: “Sau 2 ngày, anh Mười cán bộ thú y xã đến tiêm phòng cho đàn lợn của gia đình thì đàn lợn có biểu hiện ốm, bỏ ăn và chết. Còn trước đó đàn lợn khỏe mạnh bình thường. Đã 10 ngày qua, hầu như hôm nào vợ chồng tôi cũng phải mang lợn ra bãi để chôn”. Vợ ông Tân, bà Lê Thị Tuyết ngồi bên cạnh thở dài: “Đã có 2 con lợn sề, 9 con lợn choai và 40 con lợn sữa được mang đi tiêu hủy rồi. Và hiện nay trong chuồng còn 2 con lợn sề cũng đã bỏ ăn mấy ngày nay. Gây dựng được một con lợn sề là khó khăn lắm. Nay chúng bị bệnh mang đi chôn xót xa vô cùng”.
Đàn lợn thịt đã đến kỳ xuất chuồng của gia đình ông Tân, bà Tuyết nhưng đành dừng lại vì đang có lệnh cấm do xuất hiện dịch tai xanh
Ông Tân tiếp lời: “Không chỉ có lợn ốm, lợn chết mang đi tiêu hủy mà đàn lợn thịt mấy chục con đã đến kỳ xuất chuồng không thể bán được vì đang có lệnh cấm. Vì thế, mỗi ngày bỏ ra hơn 1 triệu tiền ăn nhưng chúng có lớn được đâu, cứ cầm chừng vậy. Song điều lo nhất lúc này chính là sức khỏe cho chúng”.
* Việc cán bộ thú y xã Dân Lý dùng 1 kim tiêm để tiêm cho hàng trăm con lợn trong vùng dịch được lãnh đạo Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa xác nhận đúng sự thật. Vị lãnh đạo này cho biết: “Sau một tuần triển khai tiêm phòng, tôi xuống kiểm tra phát hiện điều này và tôi yêu cầu cán bộ thú y xã đó phải dừng ngay việc làm tắc trách đó. Tôi nói, kim tiêm không thiếu và thuốc sát trùng cũng không thiếu. Mỗi tổ tiêm phải có ít nhất 50 cái kim tiêm và 2 lọ sát trùng. Mỗi con chỉ dùng 1 kim tiêm rồi đưa vào lọ sát trùng. Cứ quay vòng 50 cái kim tiêm đó là sẽ sát trùng được và hạn chế đến mức tối đa sự lây lan. Đặc biệt, không được dùng chung kiêm tiêm cho lợn khỏe và lợn ốm”.
* Trong ngày 4/4: Tại huyện Như Thanh có thêm 8 con lợn bị bệnh tai xanh. Huyện Triệu Sơn tiếp tục tiêu hủy những con lợn chết và đã qua điều trị nhiều ngày nhưng không khỏi. Tại xã Quảng Châu (Quảng Xương) thực hiện xử lý số lợn chết trôi nổi trên sông chạy qua địa bàn xã.
Theo NNVN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn