Tiêu thụ hàng hóa cho nông dân chưa kịp thời, lượng nông, thủy sản tồn đọng khá lớn kìm hãm khả năng mở rộng sản xuất và giảm thu nhập của nông dân. Cùng với đó, chất lượng vật tư nông nghiệp kém, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, phá rừng vẫn xảy ra và chậm được giải quyết là những vấn đề nổi lên trong cuộc họp ngành nông nghiệp diễn ra ngày 24/6.
Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát yêu cầu các đơn vị trong 6 tháng cuối năm phải thực hiện quyết liệt các giải pháp xử lí những vấn đề trước mắt, đồng thời chủ động chuyển dịch cơ cấu sản xuất tạo chuyển biến mang tính căn cơ, lâu dài.
Sản xuất tăng, giá giảm
Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng GDP nông, lâm nghiệp và thủy sản trong 6 tháng đầu năm đạt khoảng 2,14%; giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù vậy, theo bà Nguyễn Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tình hình tiêu thụ và xuất khẩu đang gặp khó khăn. Nhu cầu và giá nông sản trên thị trường thế giới giữ xu hướng giảm suốt từ giữa năm 2012, trong khi nguồn cung lại có xu hướng tăng (ví dụ như mặt hàng gạo), đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả xuất khẩu của ngành.
Đến đầu tháng 6, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chính như gạo, cà phê, chè, cao su, sắn đều giảm cả về giá và khối lượng. Cà phê là mặt hàng có mức giảm nhiều nhất tới 24,2% về lượng và 22,4% về giá. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành 6 tháng đầu năm ước đạt hơn 13,5 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Tiêu thụ trong nước cũng đang gặp khó khăn từ xuất khẩu và sức mua giảm (đối với các loại tiêu dùng trong nước như: lợn, gia cầm, đường…).
Một vấn đề bức xúc khác là ngành chăn nuôi, hiện đang phải nhập khẩu nguyên liệu lớn làm thức ăn chăn nuôi, nên giá trong nước cao hơn một số nước. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, cần khẩn trương thúc đẩy sản xuất trong nước, tạo điều kiện cho nông dân sản xuất những nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi. Mặt khác, cần điều chỉnh lại cơ cấu ngành chăn nuôi, phát triển gia súc gia cầm sử dụng nhiều loại nguyên liệu mà chúng ta có thế mạnh như sử dụng phụ phẩm từ lúa gạo; đồng thời đẩy mạnh chuyển giao các biện pháp khoa học kỹ thuật nâng cao hiệu quả chăn nuôi cho nông dân.
Trong lĩnh vực trồng trọt, vấn đề giống được Bộ trưởng Cao Đức Phát đặc biệt nhấn mạnh. “Lúa 10 năm nay chưa có nhiều cơ cấu giống mới ở đồng bằng sông Cửu Long. Câu chuyện về giống lúa 50404 từ bao lâu nay vẫn đem ra bàn thảo mà vẫn chưa được giải quyết, đấy là vấn đề về khoa học. Chúng ta không thể nói với nông dân là làm ít đi để có giá cao hơn được” - Bộ trưởng nói.
Theo lí giải của đại diện Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, giống lúa 50404 đã tồn tại lâu năm, dễ tính cho năng suất cao ổn định nhiều thế hệ nhưng về chất lượng còn nhiều tranh cãi. Giống lúa này nên bán dùng cho chế biến chứ để xuất khẩu hoặc cho thị trường thành phố thì giá rất thấp. Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long có 2 giống lúa tốt hơn và đặc tính gần tương đương với giống lúa 50404 nhưng hiện chưa phát triển được vì hệ thống sản xuất, cung ứng giống lúa thuần ở miền Nam chưa phát triển mạnh.
Điều chỉnh linh hoạt cơ cấu
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, để giải quyết những vấn đề trước mắt cần lựa chọn tối ưu là mở rộng chiếm lĩnh thị trường để có thể bán các mặt hàng với giá cao hơn, trên cơ sở đó mới có thể nâng cao được giá thu mua các sản phẩm của nông dân. Bộ trưởng đề nghị Cục Trồng trọt phải tính toán lại cơ cấu cây trồng cho hợp lí, hiện đồng bằng sông Cửu Long sử dụng nhiều giống nhưng chất lượng thấp, không xây dựng được thương hiệu cho gạo xuất khẩu vì còn pha trộn nhiều giống. “Vấn đề là phải tổ chức lại sản xuất nâng cao hiệu quả một vài giống lúa. Sắp tới Bộ sẽ đánh giá điều tra phân phối lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp, hiện việc phân phối có lẽ chưa có lợi cho nông dân” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Mặt khác, để nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng, việc điều chỉnh cơ cấu không chỉ ở lĩnh vực hành chính mà còn cả các công cụ thực hiện, điều chỉnh cơ cấu đầu tư công, tạo động lực thúc đẩy các thành phần kinh tế đầu tư vào ngành cao hơn. Cùng với đó, để tiêu thụ kịp thời hiệu quả nông sản hàng hóa, bảo đảm lợi nhuận cho nông dân, các đơn vị chức năng theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường trong nước và thế giới, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại; tổ chức kiểm tra giám sát việc tạm trữ lúa gạo vụ hè thu 2013 tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với đó, rà soát, áp dụng các biện pháp để khuyến khích người dân tăng tiêu thụ các sản phẩm trong nước; đề xuất các cơ chế khuyến khích xuất khẩu để kịp thời tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
Trong những tháng cuối năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung nguồn lực thúc đẩy sản xuất theo hướng chất lượng, hiệu quả. Trước mắt, các đơn vị phối hợp chặt chẽ với các địa phương chỉ đạo sát thời vụ, cơ cấu giống lúa, đảm bảo diện tích gieo cấy lúa vụ hè thu, thu đông, vụ mùa khoảng 4,5 triệu ha; tiến hành rà soát, điều chỉnh giảm khoảng 200.000 ha vụ lúa thu đông ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và vụ mùa ở miền Bắc, chuyển sang cây trồng khác (ngô, đỗ tương…) có nhu cầu thị trường và cung cấp nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi; đồng thời nghiên cứu, đề xuất chính sách kịp thời hỗ trợ cho nông dân khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn…
Bộ cũng đề nghị các địa phương, cơ quan nghiên cứu tăng cường các biện pháp sản xuất, quản lý chất lượng giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi cho khu vực chăn nuôi nông hộ; triển khai các biện pháp kiểm soát giá đầu vào, nhất là nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhằm giảm giá thành và bảo vệ lợi ích cho người chăn nuôi.