03:32 EST Thứ hai, 06/01/2025
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Nhiều người quan tâm


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Tháo gỡ vướng mắc trong cho vay phát triển kinh tế hộ

Thứ năm - 21/03/2013 21:25
Phát triển kinh tế hộ gia đình giữ vai trò quan trọng, góp phần không nhỏ vào tiến trình đổi mới của đất nước, tạo ổn định xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống. Ðóng góp một phần không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế hộ gia đình, nhiều năm qua, hệ thống ngân hàng luôn dành một nguồn tín dụng đáng kể cho đối tượng này vay để tiêu dùng, phát triển sản xuất, kinh doanh. Song để khai thác hết tiềm năng cũng như nâng cao hiệu quả đầu tư của đồng vốn, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.
Trang trại bò sữa của ông Võ Quang Huy ở xã Hiệp Hòa (Ðức Hòa, Long An) được phát triển từ nguồn vốn vay ngân hàng.
Trang trại bò sữa của ông Võ Quang Huy ở xã Hiệp Hòa (Ðức Hòa, Long An) được phát triển từ nguồn vốn vay ngân hàng.

Cho vay trực tiếp hộ nông dân

Chúng tôi đến An Giang, nơi được coi là xuất phát điểm của mô hình cho vay kinh tế hộ gia đình. Nhớ lại thời điểm những năm 1989 trở về trước, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh An Giang Bùi Thanh Quang cho biết, thời điểm đó, cho dù ngân hàng rất muốn cho người nông dân vay vốn, song cũng không thể được, bởi hầu hết người nông dân đều không có tài sản thế chấp. Về phía ngân hàng, các văn bản pháp luật cũng không có quy định nào cho phép ngân hàng cho vay không có thế chấp. Nguồn vốn tín dụng của ngân hàng phần lớn tập trung cho các thành phần kinh tế như doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn, hợp tác xã nông nghiệp,... vay với lãi suất thấp để "đầu tư gián tiếp" cho nông dân thông qua phương thức "Hợp đồng B" (ứng trước vật tư nông nghiệp, cuối vụ thu lại lúa). Phương thức này một thời gian dài không mang lại hiệu quả kinh doanh cho ngân hàng. Thậm chí, một bộ phận khá lớn trở thành nợ khê đọng, khó đòi. Trong khi đó, đây cũng là thời điểm tỉnh An Giang từng bước tiến hành "thương mại hóa" vật tư nông nghiệp, xóa bỏ hình thức "Hợp đồng B". Thực hiện phương thức "mua đứt, bán đoạn" tất cả các loại vật tư nông nghiệp, bên cạnh những ưu điểm vốn có của nó, phương thức này cũng khiến một bộ phận nông dân thiếu vốn luôn dựa vào "Hợp đồng B" trước đây phải đi vay nặng lãi dưới nhiều hình thức, như bán "lúa non" giá rẻ hoặc vay với lãi suất từ 15% đến 30%/tháng. Xuất phát từ thực trạng này, sau thời gian nghiên cứu, nắm bắt thực tiễn, Agribank Chi nhánh An Giang đã chủ động đề xuất với Nhà nước chính sách cho nông dân trực tiếp vay vốn. Và từ những người nông dân đầu tiên được trực tiếp vay vốn ngắn hạn để trồng trọt ở An Giang, mô hình cho vay kinh tế hộ đã được nhân rộng khắp cả nước.

Theo cán bộ tín dụng quay trở lại thăm những hộ dân đầu tiên được vay vốn từ mô hình này, chúng tôi cảm nhận rõ nét sự khởi sắc hiển hiện trong từng nếp nhà của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Xã Vĩnh Phú (huyện Thoại Sơn, An Giang) là xã vùng sâu của Tứ giác Long Xuyên, diện tích đất tự nhiên hơn 3.600 ha (trong đó đất nông nghiệp là khoảng 3.100 ha). Toàn xã có 2.700 hộ, với hơn 10 nghìn nhân khẩu. Bà con nông dân chủ yếu sống bằng nông nghiệp (sản xuất lúa và chăn nuôi). Ông Thạch Văn Thơ, 63 tuổi, sống tại ấp Trung Phú 1, tổ 7, xã Vĩnh Phú nhớ lại, khoảng đầu năm 1990, gia đình ông là một trong những hộ đầu tiên được vay trực tiếp từ ngân hàng, với số tiền vay tối đa là 260 nghìn đồng. Số tiền này ông dùng để mua vật tư nông nghiệp, giống, và nguyên liệu để trồng một ha lúa. Năm đầu tiên, do được chăm sóc tốt, gia đình ông đã thu hoạch được 7,5 tấn lúa (những năm trước năng suất tối đa chỉ được 5 tấn/ha). Nhờ đó, đời sống kinh tế gia đình ông ngày càng khấm khá. Từ nguồn vốn vay của Agribank theo mô hình kinh tế hộ, chỉ sau một năm vay vốn, gia đình ông đã xây được nhà khang trang kiên cố. Sau đó, ông mua thêm được máy cày xới tay, mua thêm 8 ha đất để trồng lúa. Và hiện nay, cho dù ông không còn phải vay vốn ngân hàng nhưng các con của ông vẫn tiếp tục vay vốn Agribank khoảng 300 triệu đồng (đã trả được 100 triệu đồng) với lãi suất 13%/năm để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Cùng với An Giang, nhiều hộ gia đình ở Bến Tre cũng thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ nguồn vốn vay của ngân hàng. Gia đình anh Trần Văn Hải, tại ấp 10 (xã Tân Vinh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) hiện đang làm hàng thủ công mỹ nghệ bằng dừa. Năm 2000, theo chủ trương phát triển của tỉnh, gia đình anh gia nhập hợp tác xã để phát triển nghề này, sau đó mới tách ra làm kinh tế hộ gia đình. Với nguồn vốn vay lãi suất thấp từ Agribank, gia đình anh hiện có doanh thu mỗi năm đạt hơn 100 triệu đồng. Ngoài việc bảo đảm cuộc sống cho gia đình mình (gồm bốn nhân khẩu), anh còn tạo việc làm cho bốn lao động khác trong vùng, với mức thu nhập bình quân hơn 3 triệu đồng/tháng/người.

Tháo gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn vốn

Kể từ khi thực hiện thí điểm đầu tiên ở An Giang, đến nay, mô hình cho vay kinh tế hộ gia đình trở thành một trong những lĩnh vực cho vay thành công nổi bật của toàn hệ thống Agribank. Song bên cạnh những kết quả đạt được, nguồn tín dụng dành cho đối tượng này không phải lúc nào cũng "chảy" thông suốt.

Theo Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phú Nguyễn Thiện Bảo, mô hình cho vay kinh tế hộ kể từ thời điểm ban đầu chỉ triển khai cho vay hộ trồng lúa, đến nay đã mở rộng cho vay phát triển chăn nuôi, trồng màu, mua máy sản xuất nông nghiệp (máy cắt, máy sấy lúa, bơm nước, lò sấy, máy cày) và các dịch vụ sửa chữa, cơ sở xay xát,... Có thể nói, mô hình cho vay này đã có tác động kinh tế rất lớn đối với xã hội, đặc biệt là với những người nông dân nghèo thiếu vốn. Tính riêng xã Vĩnh Phú, dư nợ năm 1989 chỉ có 114 triệu đồng, đến nay, dư nợ đã lên tới 23 tỷ đồng. Diện mạo xã đã có nhiều thay đổi, từ một xã nghèo vùng sâu, vùng xa, nay Vĩnh Phú đã được chọn là xã thí điểm "nông thôn mới" của tỉnh, với 19/20 tiêu chí đã hoàn thành. Người dân trong xã chủ yếu sản xuất nông nghiệp, do đó họ luôn có nhu cầu vay vốn để đầu tư công nghệ sau thu hoạch, mua thêm ruộng đất. Việc tiếp cận được vốn của ngân hàng đã tạo điều kiện rất nhiều cho bà con phát triển sản xuất, song theo ông Bảo, trở ngại lớn nhất khiến các hộ dân "ngại" tiếp xúc với ngân hàng bởi thủ tục vay vốn còn phức tạp, "rườm rà". Ông Bảo chia sẻ, thực tế hiện nay bà con trong xã nhiều người vẫn chấp nhận vay với lãi suất cao hơn một chút tại các Quỹ tín dụng nhân dân, hơn là vay tại ngân hàng vì thủ tục vay đơn giản hơn.

Bên cạnh đó, ông Võ Quang Huy, chủ một trang trại nuôi bò sữa tại ấp Hòa Bình (xã Hiệp Hòa, huyện Ðức Hòa, tỉnh Long An) cũng chỉ ra một số vướng mắc cản trở dòng vốn ngân hàng tới đối tượng hộ sản xuất, kinh doanh. Ông Huy hiện đang có dư nợ tại Agribank Chi nhánh Long An hơn 10 tỷ đồng, vay để phát triển kinh tế tổng hợp (nuôi bò sữa, tôm, trồng cây ăn trái,...). Thường xuyên tiếp xúc, mua bán hàng hóa với bà con nông dân, ông Huy cho rằng, khó khăn lớn nhất khiến các hộ gia đình không vay được vốn ngân hàng đó là yêu cầu phải có hóa đơn chứng từ. Nhiều hộ gia đình có nhu cầu vay vốn nhưng do không có chứng từ hóa đơn hợp lý chứng minh việc sử dụng vốn vay cho ngân hàng nên cũng không vay được. Chưa kể, các hộ gia đình khi kinh doanh sản phẩm do không thực hiện hạch toán khấu trừ VAT mà nộp thuế khoán nên nếu việc giải ngân bắt buộc phải có chứng từ hóa đơn theo quy định pháp luật thì chi phí sử dụng vốn sẽ tăng thêm, gây khó khăn cho các hộ vay vốn.

Bản thân các cán bộ tín dụng cũng thừa nhận, việc cho vay đối tượng hộ gia đình cũng gặp nhiều khó khăn hơn các loại hình cho vay khác. Theo chị Nguyễn Thị Kim Bình, cán bộ tín dụng Agribank Chi nhánh Châu Thành (Bến Tre) cho biết: Hoạt động tín dụng ở đây rất vất vả vì món vay nhỏ lẻ, đường sá đi lại khó khăn, nhiều lúc phải di chuyển bằng đường sông, đòi hỏi các cán bộ phải sâu sát với địa bàn. Các hộ gia đình vay vốn chủ yếu để sản xuất lúa, chăn nuôi, trồng trọt, làm kinh tế vườn,... Trong khi thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp giá cả thường bấp bênh, nên cũng ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng trả nợ. Nhiều hộ dân năm trước được mùa, nhưng năm sau mất giá khiến bị thua lỗ, các cán bộ tín dụng nhiều khi phải đi lại rất nhiều lần mới có thể thu hồi được nợ.

Có thể khẳng định, cho vay kinh tế hộ gia đình là một chủ trương đúng và phù hợp với nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, để chính sách thật sự phát huy hiệu quả đòi hỏi các ngân hàng khi triển khai cho vay phải kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn đến đúng đối tượng, bảo đảm thu hồi được nợ. Tiếp tục có những cải cách về thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian, quy trình, thủ tục; có cơ chế phù hợp để tạo điều kiện giúp các hộ gia đình vay vốn. Mặt khác, cần có sự phối hợp giữa các bộ, ngành chức năng trong quy hoạch phát triển vùng sản xuất, đầu tư công nghệ sau thu hoạch, nâng cao chất lượng, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, nhất là sản phẩm nông nghiệp để từ đó bảo đảm khả năng trả nợ của các hộ gia đình.

Theo nhandan.org.vn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: phát triển

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 209


Hôm nayHôm nay : 20641

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 166514

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 73213485