Rau, củ, quả sạch trên kệ hàng siêu thị Vinmart Hà Tĩnh
Theo giới thiệu của Hội Nông dân xã Tượng Sơn (Thạch Hà), chúng tôi đến thăm vườn rau gia đình ông Dương Kim Hoàng (ở thôn Hà Thanh). Thực tế, định hướng sản xuất của gia đình là “nói không” với phân hóa học, thuốc trừ sâu, chỉ sử dụng phân hữu cơ sản xuất từ thực vật xử lý bằng men vi sinh, phân chuồng và dùng nguồn nước sạch. Rất nhiều loại rau, cây ăn quả được trồng phủ kín trên mảnh đất khoảng 2.000 m2.
Ông Hoàng cho biết: Để sản xuất thực phẩm hữu cơ, gia đình ông “nói không” với các loại hóa chất, chăn nuôi gà, vịt chỉ bằng ngô, lúa. Do vậy, phải mất nhiều thời gian chăm sóc hơn, bù lại, sức kháng bệnh, chống chịu với thời tiết tốt hơn. Sau thời gian đầu khá vất vả, thu nhập từ sản phẩm nông sản trong vườn đến nay không hề nhỏ, trung bình từ 200-250 nghìn đồng/ngày.
Tuy nhiên, dù mất nhiều công chăm sóc hơn, sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hơn nhưng giá bán hiện tại vẫn ngang bằng so với thực phẩm cùng loại. Nguyên nhân là do sản phẩm không có tem, nhãn để chứng minh.
Gia đình bà Nguyễn Thị Cử (thôn Hà Thanh, xã Tượng Sơn, Thạch Hà) thu nhập khoảng 250 nghìn đồng/ngày nhờ làm nông nghiệp hữu cơ.
Thời gian gần đây, tại các siêu thị lớn, một số gian hàng thực phẩm đã bày bán các sản phẩm dán nhãn mác hữu cơ với mức giá rất cao. Nhưng thực tế, Việt Nam chưa có quy chuẩn rõ ràng về nông nghiệp hữu cơ. Không ít người tiêu dùng cho rằng, nhiều sản phẩm được gọi là hữu cơ chưa phải là sản phẩm hữu cơ thực sự bởi để đạt tiêu chuẩn cần phải trải qua quy trình nghiêm ngặt từ nguồn nước tưới, phân bón, thức ăn chăn nuôi đến chế biến, đóng gói, bảo quản, không sử dụng chất cấm, các yếu tố biến đổi gen…
Chị Phan Thị Hằng - người tiêu dùng TP Hà Tĩnh cho biết: “Đi mua thực phẩm hữu cơ bây giờ tin nhau là chính chứ không thể phân biệt được đâu là thật, giả. Nói chung là loạn. Người này cũng bán rau hữu cơ, giá cũng như rau thường, nhưng người khác lại bán rau hữu cơ đắt hơn vài lần và không nơi nào đưa ra được cơ sở khẳng định sản phẩm của mình là hữu cơ”.
Ông Nguyễn Xuân Tình – Chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh, hội viên Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho biết, nhìn chung, Hà Tĩnh chưa có sản phẩm thực phẩm hữu cơ chính thức. Bởi quy trình sản xuất thực phẩm hữu cơ rất nghiêm ngặt. Ví dụ, để trồng rau hữu cơ thì nguyên liệu làm phân bón cũng phải là rơm, rạ hữu cơ; để nuôi lợn thì con lợn đó cũng phải ăn gạo, ngô hữu cơ chứ không phải cứ cho lợn, gà ăn gạo, ăn ngô là trở thành thực phẩm hữu cơ được. Hiện, chúng tôi đang phối hợp với Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh hướng dẫn người dân sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại các vườn mẫu. Sản xuất thực phẩm hữu cơ sẽ tốn kém nhiều chi phí, công sức hơn, nhưng đây là con đường bắt buộc của nền nông nghiệp bền vững…”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn