Hải Phòng: Bão vào, nhiều người vẫn lênh đênh trên biển Do chủ quan trong phòng, chống bão, Hải Phòng đã phải chịu thiệt hại nặng nề với 44 tàu thuyền chìm, gần 3.000 căn nhà bị tốc mái, hơn 12.000ha lúa và hoa màu bị hư hại…; thành phố có 1 người chết, 9 người bị thương, 2 người mất tích; hơn 1.500 cây xanh bị quật ngã; nhiều cột điện gãy đổ khiến gần như toàn bộ khu vực nội thành mất điện. Theo UBND TP. Hải Phòng, một số địa phương, đơn vị đã chủ quan trong phòng, chống bão, không thực hiện nghiêm chỉ đạo của thành phố. Các huyện Cát Hải, Bạch Long Vỹ và Kiến Thụy chưa thực hiện tốt việc sơ tán dân, dẫn tới thiệt hại đáng tiếc về người. Nhiều người dân ở thị trấn Cát Bà và các hộ nuôi trồng thủy sản trên vịnh Lan Hạ, vụng Đồng Hồ (Cát Hải) cho biết, họ không nhận được thông báo bão sẽ vào Hải Phòng nên chủ quan ở lại trông bè. Thống kê của Ban chỉ huy PCLB Hải Phòng, trong cơn bão có 58 người trên các lồng bè, thuyền bị trôi dạt và bị chìm đã được cứu, 403ha nuôi trồng thủy sản bị hư hại, 47 tàu thuyền bị chìm... Tổng thiệt hại ước tính hơn 400 tỉ đồng. Ông Đỗ Trung Thoại, Phó chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban chỉ đạo PCLB Hải Phòng cho biết: “Trách nhiệm cụ thể các ban ngành sẽ được xem xét sau khi khắc phục hậu quả cơn bão”.
Thanh Hóa: Đối phó tốt với bão số 8 Tại Thanh Hóa, do ảnh hưởng bởi bão số 8, toàn tỉnh có 3 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 2.172 nhà bị tốc mái, hơn 7.200ha cây màu vụ đông như ngô, đậu tương, khoai tây... bị giập nát, đổ gãy, hư hỏng. Diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng là 1.000ha và có 2 thuyền bị hư hỏng, đánh chìm. Tỉnh này cũng có 11km đê biển, đê cửa sông bị sạt lở; 16.500m đường dây điện thoại, cáp quang bị đứt; 40 cột điện hạ thế, thông tin bị đổ gãy. Ước tổng thiệt hại 257 tỷ đồng. Trước đó, tỉnh Thanh Hóa đã thành lập Ban tiền phương PCLB số 8 đặt tại huyện Nga Sơn và chỉ đạo Sở Công Thương đưa 10 tấn gạo lên các huyện miền núi để dự trữ tại những nơi xung yếu, có khả năng bị cô lập do mưa lũ.
Qua kiểm tra thực tế và làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa, Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát đã đánh giá cao công tác triển khai đối phó với cơn bão số 8 của tỉnh Thanh Hóa.
Thái Bình: Đề xuất hỗ trợ khẩn cấp 700 tỷ đồng Bão số 8 đổ bộ vào Thái Bình từ chiều và đêm ngày 28/10, với cường độ gió mạnh cấp 11 - 12, giật cấp 14, kèm theo mưa to đến rất to; kết hợp với gió to, sóng lớn khiến hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, thông tin liên lạc, lúa, hoa màu... trên địa bàn bị thiệt hại nặng. Theo quan sát của chúng tôi, sau khi bão tan, dọc tuyến đê ven biển huyện Tiền Hải mọi thứ đều xơ xác, tiêu điều, nhiều tàu, thuyền bị quăng quật khắp nơi; các vùng nuôi trồng thủy hải sản ngập trắng nước, trên mặt vẫn còn nổi lềnh bềnh tre nứa, vật dụng từ những chòi canh ngao. Theo thống kê sơ bộ, Thái Bình có 3 người chết, 1 người mất tích, 29 người bị thương; 6.000ha lúa mùa bị đổ, 29.870ha hoa màu, cây vụ đông bị giập nát, hàng vạn cây lấy gỗ, ăn quả bị đổ; 4 tàu đánh bắt trung bờ bị đắm tại bến, trên 100 tàu bị hư hỏng nặng do va đập; trên 1.400 chòi canh ngao bị đổ hoàn toàn; trên 8.000ha nuôi trồng thủy sản bị ngập; 6.715 nhà lợp ngói và mái tôn bị tốc mái, nhiều trường học, trụ sở làm việc, trạm xá, nhà xưởng bị tốc mái, hàng trăm cột điện cao thế, cột điện thoại bị đổ…
Đối với công trình đê điều, có 306m đê biển số 6 huyện Tiền Hải bị sạt lở, 80m đê xã Đông Long (Tiền Hải) bị sạt lở nghiêm trọng. Hiện, các sở ban, ngành, địa phương đang nỗ lực triển khai các phương án khắc phục hậu quả.
Ước tổng thiệt hại ban đầu khoảng 1.400 tỷ đồng. Ngoài ra, Thái Bình cũng đã đề xuất, kiến nghị Trung ương hỗ trợ khẩn cấp trên 700 tỷ đồng để khắc phục thiệt hại do bão. Kiểm tra việc khắc phục thiệt hại của cơn bão số 8 tại Thái Bình, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh việc triển khai đối phó với bão số 8, nhất là phương án di dân và neo đậu tàu thuyền, nên đã giảm bớt những thiệt hại do bão gây ra. Sau bão, tỉnh cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, phân công cán bộ tăng cường kiểm tra, nắm thông tin, thống kê thiệt hại; đồng thời tập trung chỉ đạo các địa phương kịp thời khắc phục hậu quả do bão gây ra; đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành có biện pháp hỗ trợ Thái Bình kịp thời để ổn định sản xuất, đời sống dân sinh. Huy động lực lượng tiến hành tu sửa các tuyến đường bộ, tổ chức giải toả các chướng ngại vật; khẩn trương khắc phục nhanh các sự cố về thông tin liên lạc, lưới điện, các trụ sở, trường học, trạm xá… bị thiệt hại. Chủ động tổ chức tốt công tác tiêu úng, đồng thời vận động và hỗ trợ nhân dân mở rộng diện tích cây vụ đông ưa lạnh để bù lại diện tích bị thiệt hại.
Phan Lợi - Thiên Hư |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn