Ngày 31-7, TP HCM chính thức bắt buộc thịt heo khi vào 2 chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn phải có truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, ngay trong ngày đầu thực hiện, các chủ thể tham gia chuỗi truy xuất (gồm trại chăn nuôi, thú y, thương nhân bán sỉ và thương nhân bán lẻ thịt heo) vẫn phớt lờ quy định.
Lập biên bản vi phạm rồi… thôi
Báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát việc thực hiện đề án quản lý, nhận diện truy xuất nguồn gốc thịt heo trong ngày 31-7, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết chỉ có 3.351 con heo (tương đương 35%) trong tổng số 9.600 con tiêu thụ tại TP được các cơ sở chăn nuôi kích hoạt và khai báo thông tin. Sau khi giết mổ, ghi nhận tại hệ thống cho thấy chỉ còn 21% số heo được kích hoạt thông tin và 13% trong tổng số 9.600 con có truy xuất nguồn gốc được bán ở 2 chợ đầu mối.
Trước lượng heo không tuân thủ quy định về truy xuất nguồn gốc quá nhiều, ban quản lý chợ đầu mối Hóc Môn đã tiến hành lập biên bản một số trường hợp, yêu cầu nghiêm túc thực hiện. Còn tại chợ đầu mối Bình Điền, 100% heo đưa vào đây không tuân thủ quy định nên ban quản lý chợ quyết định lập biên bản chung, báo cáo tình hình lên UBND TP HCM.
Thịt heo ở chợ đầu mối Bình Điền, TP HCM sáng 31-7 Ảnh: Hoàng Triều
Lý giải nguyên nhân các chủ thể dù đã ký kết nhưng phớt lờ việc thực hiện đề án, lãnh đạo Sở Công Thương cho biết TP HCM là địa phương duy nhất trong cả nước thực hiện việc quản lý chất lượng thực phẩm theo chuỗi từ khâu chăn nuôi đến tiêu thụ nên gặp nhiều khó khăn. Theo quy định hiện hành, hàng hóa lưu thông trên thị trường cần có hóa đơn chứng từ hợp lệ; TP HCM yêu cầu cao hơn nhưng không chủ động được nguồn hàng vì 85% thịt heo cung ứng đến từ các tỉnh. Vì vậy, sự thành công của đề án phụ thuộc rất lớn vào mức độ hợp tác của các tỉnh.
TP HCM không có thẩm quyền áp đặt tại các địa phương mà kêu gọi phối hợp thực hiện. Sáu tháng qua, TP HCM liên tục làm việc với các tỉnh về công tác phối hợp, cam kết chuyển giao toàn bộ công nghệ, phần mềm, ứng dụng và tập huấn miễn phí… Một số tỉnh đã có văn bản chỉ đạo lực lượng thú y hỗ trợ nhưng mức độ hợp tác trên thực tế chưa được như mong muốn.
Bên cạnh đó, các cơ sở chăn nuôi, thương lái… lâu nay quen với cách làm cũ, giờ phải thực hiện theo đề án thì khó chịu, chưa kể ảnh hưởng đến quyền lợi riêng nên không muốn tham gia. Điều quan trọng nhất là vẫn chưa có hình thức chế tài cụ thể nào đối với trường hợp vi phạm nên chưa thể "gò" thương nhân vào khuôn khổ.
Chưa biết xử lý thế nào!
Vậy làm thế nào để khắc phục tình trạng các chủ thể phớt lờ quy định của TP HCM? Ông Nguyễn Ngọc Hòa cho biết Sở Công Thương đã báo cáo tình hình và chờ chỉ đạo cụ thể của UBND TP. Trước mắt, cơ quan chức năng phải tiếp tục khắc phục để đi đến đích. Nếu chỉ trông chờ vào sự tự giác của các bên thì không ổn mà phải có giải pháp tác động trực tiếp đến việc tiêu thụ sản phẩm, phải chế tài mạnh ở đầu ra.
Theo ông Hòa, đề án chỉ có thể tiếp tục thực hiện nếu có sự quyết liệt đồng bộ, kiên trì tuyên truyền, vận động các chủ thể tích cực hợp tác. Theo đó, các cơ sở cần phải kiên quyết không đưa vào giết mổ heo chưa được kích hoạt nhận diện truy xuất, các chợ đầu mối phải kiên quyết thực hiện chỉ đạo của UBND TP là không kinh doanh những sản phẩm này.
"TP HCM là địa phương đi tiên phong về quy định thịt heo sau giết mổ phải vận chuyển bằng xe lạnh có móc treo đến nơi phân phối sỉ. Chúng ta có thể vận dụng quy định về ghi nhãn hàng hóa trên sản phẩm để yêu cầu các chủ thể tuân thủ quy trình kích hoạt thông tin truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, quy chế hoạt động mới của các chợ đầu mối đã được soạn thảo, chờ UBND TP phê duyệt. Nếu quy chế này được thông qua, TP HCM có quyền yêu cầu thương nhân đáp ứng các quy chuẩn hàng hóa (ngoài tiêu chuẩn chung về hóa đơn, chứng từ như hiện nay) theo quy định riêng của TP" - ông Hòa đề xuất.
nld.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn